Đường dẫn truy cập

Nhà văn Võ Hồng 1921-2013


Nhà văn Võ Hồng 1921-2013

Nhà văn Võ Hồng vừa từ trần tại tư gia ở TP Nha Trang, Khánh Hòa, vào lúc 14 giờ chiều 31/3/2013, nhằm ngày 20 tháng 2 năm Quý Tỵ, hưởng thọ 92 tuổi.

Từ nhỏ Võ Hồng đã mê đọc, nhờ thân phụ của ông tuy là một nông dân nhưng ưa đọc sách báo, nhất là báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Thời gian học tú tài ở Hà Nội, Võ Hồng làm quen với văn chương và được gặp những nhà văn thời danh bấy giờ như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo... Tuy nhiên, phải tới 20 năm sau kể từ khi truyện ngắn đầu tiên Mùa gặt được đăng, Võ Hồng mới trình làng tập truyện đầu tay Hoài cố nhân vào năm 1959 do Nhà xuất bản Ban Mai ấn hành.

Từ năm 2006, do tuổi cao, ông đã có lần bệnh rất nặng, phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Sau 1975 trong một hoàn cảnh xã hội phân cực trầm trọng (trong và ngoài nước), muốn tiếp tục giữ vững ngòi bút độc lập của mình và tránh mọi thị phi hiểu lầm, Võ Hồng đã giới hạn sinh hoạt văn nghệ của mình nơi địa phương Nha Trang, Khánh Hòa, giới hạn ngòi bút của mình trong đề tài giáo dục và tuổi thơ, giữ cuộc sống trầm lặng ẩn dật. Cũng trong thời gian này ông đã phải ẩn mình dưới 2 bút hiệu khác là Võ An Thạch (2) và Võ Tri Thủy (3).

Cho đến nay Võ Hồng đã cho ra đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, và nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi… Vän nghiệp của ông luôn gắn chặt với quê hương, với người dân quê mộc mạc Phú Yên của ông.

Gia đình cho biết ông ra đi đột ngột và nhẹ nhàng trong giấc ngủ trưa. Lễ khâm liệm diễn ra lúc 8 giờ ngày 1/4, di quan lúc 15 giờ chiều ngày 4/4, an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

Chú thích

(1) Đây là ngày ghi trong giấy khai sinh, Võ Hồng sinh vào ngày 5 tháng Chạp năm Nhâm tuất tức vào ngày Chủ nhật 21/01/1923.
(2) Sau 1975 trong những sinh hoạt với Hội Văn Nghệ địa phương Võ Hồng dùng bút hiệu này "để đề phòng ngòi bút biên tập thường tự ý sửa" - như lời giải thích của ông. Sau năm 1990 khi tờ Tuổi trẻ Chủ Nhật "bật mí" bút hiệu này ông đành lấy lại bút hiệu Võ Hồng.
(3) Vào những năm đầu sau 1975 việc ấn bản tác phẩm của một nhà văn Miền Nam là một việc không tưởng. Vì thế năm 1984. tác phẩm Ông Cháu của nhà văn Võ Hồng đã được in tại nước ngoài với bút hiệu Võ Tri Thủy, lấy tên người con gái út của ông. Mãi đến năm 1988 Thiên đường ở trên cao mới được phép xuất bản trong nước như tác phẩm đầu tiên của ông sau 1975. -Nguồn: Trang Võ Hồng
XS
SM
MD
LG