Đường dẫn truy cập

Việt Nam lại thúc giục Campuchia phối hợp chặt chẽ và chia sẻ dự án kênh Phù Nam Techo


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (MOFA via Bao Quoc te) (Ảnh tư liệu)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (MOFA via Bao Quoc te) (Ảnh tư liệu)

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/5 tiếp tục lên tiếng thúc giục Campuchia phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để đánh giá đầy đủ tác động của dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn ở Campuchia.

“Việt Nam luôn ủng hộ, vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua. Đối với dự án kênh đào Phù Nam Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu gần đây của phía Campuchia về việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo.

“Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông”, bà Hằng nói thêm.

Trước đó trong cuộc họp báo ngày 11/4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cũng đã đưa ra phát biểu tương tự, kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin về dự án kênh đào Phù Nam Techo “để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực”.

Hiệp định Mekong 1995

Trong cả hai lần họp báo, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều nhắc đến Ủy hội sông Mekong, là một cơ quan liên chính phủ có mục tiêu “hỗ trợ các quốc gia thành viên Ủy hội - Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cùng phát triển và quản lý hạ lưu sông Mê Công một cách bền vững”.

Ngoài 4 thành viên chính thức, MRC còn có 2 đối tác là Myanmar và Trung Quốc.

Phía Bộ Ngoại giao Việt Nam khi lên tiếng thúc giục Campuchia chia sẻ thông tin với Việt Nam và MRC cũng nhắc đến Hiệp định Mekong 1995, là căn cứ pháp lý chung cho cả 4 quốc gia thành viên theo các nguyên tắc cơ bản và khung hợp tác trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn nước và các tài nguyên liên quan trong vùng hạ lưu Mekong.

Hiệp định này bao gồm một số nhiều điều khoản, trong đó việc các thành viên cam kết sử dụng nước trên lưu vực một cách hợp lý, công bằng (Điều 5); Thông báo, tham vấn trước hoặc nhất trí trước (Điều 5); Duy trì dòng chảy tối thiểu trên dòng chính. Ngăn đỉnh điểm dòng chảy hằng ngày lớn hơn mức tự nhiên trong mùa mưa (Điều 6); Dừng và sau đó thảo luận về các hoạt động đã được chứng minh là gây thiệt hại đáng kể. Chịu trách nhiệm về thiệt hại đáng kể gây ra cho các nước thành viên khác (Điều 7 và 8); Duy trì quyền tự do hàng hải (Điều 9); Thông báo kịp thời các tình huống khẩn cấp có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên khác (Điều 10).

Tuy nhiên, Hiệp định cũng có các lưu ý, bao gồm:

  • Các thành viên MRC không có quyền phủ quyết (veto) dự án của các nước thành viên.
  • Uỷ hội Sông Mekong không có thẩm quyền về mặt pháp lý ra quyết định chống lại một nước thành viên.
  • MRC có quyền thẩm quyền bắt buộc các nước có dự án khai thác nước trên dòng chính sông Mekong phải cung cấp đầy đủ thông tin về các tác động của dự án.
  • Những thông tin này có thể được cộng đồng sử dụng để vận động việc nghiên cứu thêm các tác động xuyên quốc gia hoặc dừng dự án.

Theo Phnom Penh Post, Ban thư ký MRC đã nhận được thông báo từ Campuchia vào tháng 8 năm ngoái về ý định xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, và Ban này đã chuyển thông báo này tới các nước thành viên khác. Sau khi nhận được thông báo, Việt Nam đã gửi các công văn cho MRC vào tháng 9/2023 và tháng 3/2024, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, dữ liệu và “nhấn mạnh mối quan ngại về tác động xuyên biên giới tiềm ẩn của dự án đối với các khu vực hạ lưu, bao gồm cả Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam”, Phnom Penh Post dẫn trả lời của MRC cho biết hôm 4/5.

Ban thư ký MRC cho biết họ đã gửi thư tới Campuchia để yêu cầu thông tin kỹ thuật chi tiết về dự án, bao gồm các bản sao nghiên cứu khả thi và các báo cáo liên quan khác và cho biết sẽ chia sẻ chúng với các nước thành viên khác khi nhận được các thông tin này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Ban này vẫn đang chờ trả lời từ phía Campuchia.

Campuchia nói không cung cấp thông tin cho bất cứ ai ngoài MRC

Trước những hối thúc từ Việt Nam, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol, đồng thời là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia, tuyên bố nước này kiên quyết không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho Việt Nam, Lào hay Thái Lan, khẳng định không vi phạm Hiệp định Mekong, Kiripost dẫn lời quan chức Campuchia nói tại trong bài thuyết trình tại Hội đồng Phát triển Campuchia về “Những nỗ lực thu hút đầu tư” hôm thứ Sáu.

“Nếu muốn biết thông tin, quý vị có thể hỏi MRC”, ông Chanthol được dẫn lời nói.

“Campuchia không có nghĩa vụ gửi thông tin cho bất kỳ ai ngoài ủy ban”.

Quan chức của Campuchia nói thêm rằng Điều 5 của Hiệp định Mekong 1995 quy định rằng cần phải thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp về việc sử dụng các nhánh sông Mekong, trong đó có Tonle Sap.

“Vì vậy, Campuchia có nghĩa vụ thông báo cho Ủy ban hỗn hợp trước khi xây dựng và không có nghĩa vụ phải tham vấn trước hoặc đạt được thỏa thuận cụ thể từ các nước thành viên Ủy ban sông Mekong”, ông nói và cho biết Campuchia đã thông báo cho ủy ban vào ngày 8/3/2023.

Dự án kênh đào Phù Nam Techo, ước tính trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, là một kênh đào nhân tạo nối các cảng biển của Campuchia ở phía Tây Nam với sông Mekong. Kênh dài 180 km sẽ nối tỉnh ven biển Kep với kênh Takeo hiện có của sông Mekong thông qua hệ thống cửa âu. Về cơ bản, kênh Phù Nam sẽ tạo ra một tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với bờ biển và quan trọng hơn là cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville. Dự án lớn này nằm trong số các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên được chính phủ Hun Manet ban hành kể từ khi nhậm chức vào tháng 8. Kênh đào dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào quý IV năm nay và ước tính mất 4 năm để hoàn thành.

Đây là dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia khiến cả Việt Nam và Hoa Kỳ lo ngại.

Washington kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được sử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á, gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, trong thông báo gửi tới MRC và trong các phát biểu công khai của Thủ tướng và cựu Thủ tướng Campuchia đều khẳng định kênh đào Phù Nam Techo sẽ không có tác động đáng kể nào đến lưu lượng dòng chảy hằng ngày và hằng năm của hệ thống sông Mekong, và sẽ chỉ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động kinh tế và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, Phó Thủ tướng Sun Chanthol cũng khẳng định rằng kênh đào Phù Nam Techo là do phía Campuchia đặt hàng, chứ không “không hề đột ngột nhận lệnh từ Trung Quốc”.

“Trung Quốc không biết về dự án. Chính Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh nghiên cứu”, KiriPost dẫn lời ông Chanthol nói và cho biết các chuyên gia Campuchia đã dành 26 tháng để nghiên cứu về dự án sẽ được giao cho Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) xây dựng vào cuối năm nay.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG