Đường dẫn truy cập

Cải cách giáo dục ở Trung Quốc làm bùng ra các vụ phản kháng


Học sinh Trung Quốc hô khẩu hiệu "Tôi phải đi học đại học" theo hướng dẫn của một giảng viên tại một trường trung học ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.
Học sinh Trung Quốc hô khẩu hiệu "Tôi phải đi học đại học" theo hướng dẫn của một giảng viên tại một trường trung học ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Những vụ phản kháng mới đây của phụ huynh học sinh ở hai tỉnh Giang Tô và Hồ Bắc của Trung Quốc đã dẫn tới những nghi vấn và chỉ trích đối với hệ thống giáo dục Trung Quốc, và những biện pháp mà chính phủ Trung Quốc áp dụng để làm cho hệ thống này được công bằng hơn. Thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tường thuật từ Hồng Kông.

Những vụ biểu tình đã bùng ra sau khi chính phủ Trung Quốc loan báo họ sẽ thực thi một hệ thống hạn ngạch để dành gần 8.000 chỗ tại các trường đại học ở Giang Tô và Hồ Bắc cho những sinh viên đến từ những vùng nghèo hơn ở Trung Quốc. Lâu nay, việc thu nhận sinh viên của các trường đại học ở Trung Quốc phần lớn được quyết định bởi điểm thi của cuộc thi toàn quốc, được gọi là “cao khảo”. Một phần khá lớn những chỗ tại các trường đại học có uy tín tại các tỉnh miền đông thường được dành cho sinh viên địa phương.

Ông Giang Học Cần, một chuyên gia giáo dục ở Trung Quốc, cho biết trong lúc chính phủ Trung Quốc ra sức làm cho cơ hội giáo dục cao đẳng được bình đẳng hơn, những nỗ lực cải cách của họ có phần chắc sẽ gặp phải những sự chống đối.

"Những người thuộc giai cấp trung lưu sẽ bị bất lợi, và họ hiểu rõ điều đó, bởi vì cao khảo phần lớn là có lợi cho giai cấp trung lưu. Khi hệ thống hiện nay thay đổi, giai cấp trung lưu sẽ bị thiệt thòi. Cho nên trong vài năm tới đây khi hệ thống của chính phủ thay đổi, giai cấp trung lưu sẽ lo lắng nhiều hơn."

Phụ huynh học sinh đã biểu tình tại 6 thành phố ở Giang Tô cũng như ở các thành phố Vũ hán, Tây Châu, Diêm Thành, Đài Châu, Thường Thục và Liên Vân Cảng. Tại Giang Tô, những người biểu tình có lúc đã kéo tới bên ngoài trụ sở chính quyền tỉnh để đòi giới hữu trách nói chuyện với họ.

Hệ thống hạn ngạch mà chính quyền đề nghị sẽ cho phép 210.000 sinh viên từ các tỉnh nghèo ở Trung Quốc có cơ hội theo học tại các trường đại học ở 14 tỉnh giàu và những thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải. Bắc Kinh là nơi có hai trường đại học nổi tiếng nhất nước: Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.

Ông Victor Yuan, Chủ tịch công ty Horizon Research Consultancy, cho biết tỉ lệ học sinh lên đại học ở các thành phố miền đông Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với học sinh ở nông thôn.

"Nếu quí vị ở Bắc Kinh, trong số các học sinh tốt nghiệp trung học sẽ có khoảng 70% lên đại học. Nhưng nếu quí vị ở tỉnh lẻ, tỉ lệ này chỉ ở vào khoảng 20 hoặc 30%. Đó là vấn đề then chốt."

Trong lúc nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, áp lực đòi các sinh viên vào các đại học lớn để có thể có việc làm tốt sau khi ra trường đã gia tăng.

Để ứng phó với những cuộc biểu tình chống đối, chính quyền tỉnh Giang Tô đã đưa ra một thông báo nói rằng tỉ lệ sinh viên được thu nhận sẽ gia tăng vì số sinh viên nộp đơn hiện nay ít hơn so với lúc trước.

Thông báo đó đã không làm giảm bớt sự lo ngại của phụ huynh học sinh và cũng không cho biết chính quyền đang có kế hoạch cải cách giáo dục nào nhằm thu hẹp khoảng cách biệt giữa học sinh nhà giàu và nhà nghèo.

Anh Eric Sun, một học sinh lớp 12 ở Bắc Kinh, cho biết sự khác biệt rất rõ rệt về cơ hội giáo dục giữa những người mà anh quen biết.

"Tôi nghĩ rằng người dân ở đây có sự phân hoá rất lớn về cơ hội giáo dục. Những người không có nhiều tiền, không có quyền thế thường có ít cơ hội giáo dục. Để có thể vào được những trường đại học lớn, có uy tín, quí vị phải đầu tư rất nhiều cho con em của mình."

Anh Eric dự định không học đại học ở Trung Quốc mà sẽ sang Mỹ hoặc Âu châu để du học. Hàng vạn người đồng trang lứa của anh sẽ không có được cơ hội đó và họ phải tiến vào hệ thống giáo dục và thị trường công ăn việc làm có sự cạnh tranh vô cùng kịch liệt ở Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG