Đường dẫn truy cập

Cải cách kinh tế chứng tỏ sự gia tăng quyền lực của ông Kim Jong Un


Lãnh tụ Kim Jong Un thăm một công xưởng tại Bình Nhưỡng.
Lãnh tụ Kim Jong Un thăm một công xưởng tại Bình Nhưỡng.

Bắc Triều Tiên mới đây tổ chức một hội nghị về đầu tư nước ngoài tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc để thu hút các doanh nhân nhằm giúp phát triển các khu du lịch quốc tế được quy hoạch ở quận Wonsan ven biển và ở Núi Kim Cương. Những người tham dự hội nghị cho biết họ có ấn tượng tốt trước sự trình bày cởi mở hơn của Bắc Triều Tiên, cùng với những tuyên bố cho rằng cải cách kinh tế hiện là ưu tiên hàng đầu của nước này. Thông tín viên Đài VOA Brian Padden tại Seoul có thêm chi tiết trong bài tường thuật do Tấn Chương trình bày.

Kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền vào năm 2011, các nhà phân tích tình hình Bắc Triều Tiên đã ra sức tìm hiểu để xem nhà lãnh đạo trẻ, học tại Thuỵ Sĩ, có thể củng cố được quyền hành và đưa ra những biện pháp thay đổi kinh tế cho nền kinh tế do nhà nước hoạch định một cách cứng nhắc hay không.

Tuy ông Kim Jong Un không hề thay đổi chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bắc Triều Tiên, và các nhà hoạt động nhân quyền nói không có cải thiện trong thành tích nhân quyền tệ hại của nước này, nhưng đã có những dấu hiệu cải cách về kinh tế.

Tại một hội nghị đầu tư nước ngoài được tổ chức mới đây tại Trung Quốc, một số người trong số khoảng 200 doanh nhân Nam Triều Tiên tham dự hội nghị cho biết họ cảm thấy phấn khởi bởi những điều họ nghe được. Các bài thuyết trình có tính chất ít giáo điều hơn so với trước đây. Có một phần dành riêng để đặt câu hỏi và trả lời sau cuộc thuyết trình.

Ông Oh Eung-gil, chủ tịch Tổng Công ty Phát triển quận Wonsan của Bắc Triều Tiên, đã cố gắng trấn an các doanh nhân tham dự là cánh cửa đang rộng mở cho các nhà đầu tư trong khu vực du lịch của nước này.

Nhà phân tích kinh tế Kwon Tae-jin, của Trung tâm nghiên cứu về Bắc Triều Tiên và Đông Bắc Á thuộc Viện GSnJ tại Seoul, nói Bình Nhưỡng cũng đã thực hiện những cải cách tại các hợp tác xã nông nghiệp, cho phép những nhóm nhỏ quản lý đất đai và được giữ lại một phần lớn hơn của những gì mà họ sản xuất được.

Ông Kwon nói “điều này rất giống những việc được Trung Quốc áp dụng trong kế hoạch cải cách kinh tế của nước này vào năm 1987.”

Ông Yang Moo-jin, giáo sư của Trường đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nói cải cách kinh tế là ưu tiên của ông Kim Jong Un và sự kiện những biện pháp này được tiến hành cho thấy ông đã củng cố được quyền kiểm soát chính phủ.

Ông Yang nói “sẽ khó có thể đưa ra hai biện pháp này nếu quyền hành của ông Kim Jong Un không ổn định.”

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lo ngại trong việc làm ăm mua bán với Bắc Triều Tiên vì tính chất áp bức và không tiên đoán được của chính phủ nước này. Oâng Kwon Tae-Jin nói chính phủ vẫn còn quá mơ hồ về những biện pháp khích lệ về thuế khóa và các nhà đầu tư cũng lo ngại là có thể có những sự hạn chế khác.

Ông Kown nêu lên những kinh nghiệm của Orascom, một công ty Ai Cập có phần hùn lớn trong mạng lưới điện thoại di động Bắc Triều Tiên, nhưng không được phép mang lợi nhuận về nước.

Ông Kwon nói đây là một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư ngần ngại không muốn đầu tư vào những đăïc khu kinh tế mới ở Bắc Triều Tiên vì Bình Nhưỡng không chứng tỏ sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư.

Ông Yang Moo-jin nói dù có những mối lo ngại về tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cộng đồng quốc tế nên tham gia vào những sáng kiến kinh tế này để xây dựng lòng tin.

Ông Yang nói một khi Bắc Triều Tiên sẵn sàng cải cách qua việc hợp tác kinh tế, Bắc Triều Tiên sẽ có quyết tâm và tin tưởng vào cải cách kinh tế, và khi đó cộng đồng quốc tế có thể cổ vũ cho mục tiêu phi hạt nhân hoá.

Tuy nhiên những cải cách kinh tế này sẽ không chấm dứt những chế tài hay giảm bớt áp lực quốc tế đối với Bắc Triều Tiên để đòi họ chấm dứt chương trình hạt nhân và cải thiện thành tích nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG