Đường dẫn truy cập

Chủ nghĩa hiện thực đã lỗi thời


Friedrich Engels, triết gia và khoa học gia người Đức, người đã phát triển chủ nghĩa cộng sản cùng với Karl Marx
Friedrich Engels, triết gia và khoa học gia người Đức, người đã phát triển chủ nghĩa cộng sản cùng với Karl Marx

Ở Việt Nam, nhiều người, nhất là những người thân với chính quyền, thường tiếp tục bênh vực cho chủ nghĩa hiện thực. Với họ, văn học đồng nghĩa với văn học hiện thực chủ nghĩa. Ngoài chủ nghĩa hiện thực, cơ hồ văn học không còn gì nữa cả.

Bùa hộ mệnh, trên thế giới, là văn học thế kỷ 19 với những tên tuổi lẫy lừng từ Balzac đến Leo Tolstoy; ở Việt Nam, là văn học hiện thực phê phán ở thập niên 1930 và 1940, như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, v.v...

Thật ra, không thể phủ nhận, chủ nghĩa hiện thực từng có lúc là một cuộc cách mạng trong văn học, và khi tính chất cách mạng đã qua, cũng còn lại không ít điểm khả thủ. Manh nha ở Âu châu, chủ yếu là Anh và Pháp, từ đầu thế kỷ 18, phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 19, chủ nghĩa hiện thực là trào lưu văn học của một thời đại, ở đó, sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt của xe lửa và điện thoại, làm thay đổi hẳn điều kiện sinh sống của dân chúng: quá trình thương mại hoá và đô thị hoá phát triển vượt bậc, tầng lớp thị dân trung lưu ra đời và càng ngày càng đông đảo, cung cấp cho văn học một lực lượng sáng tác và một nguồn độc giả mới rất mực dồi dào. Cả những tác giả lẫn những độc giả mới ấy, vừa bị choáng ngợp trước tốc độ phát triển và phân hoá cực nhanh trong xã hội vừa đầy tự tin vào sức sống của mình, có nhu cầu nhận diện và tái hiện ngay chính cái xã hội mà họ sống, những con người mà họ kề cận.

Xuất phát từ những nhu cầu như thế, chủ nghĩa hiện thực đã chấm cái dấu chấm hết ở cuối chương cổ điển. Nó giúp cả người cầm bút lẫn người đọc chuyển cái nhìn từ những quy phạm trừu tượng và ngỡ là bất biến sang những hiện thực hôi hổi sức sống, chuyển từ mỹ học của những ước lệ sang mỹ học của cái đời thường, chuyển từ chức năng giáo dục sang chức năng tái hiện hiện thực. Chính yếu tố sau cùng này là yếu tố nòng cốt của chủ nghĩa hiện thực: các nhà hiện thực chủ nghĩa tin là, về phương diện bản thể luận, trên thế giới tồn tại song song hai trật tự độc lập và riêng biệt: trật tự của cái thực và trật tự của ngôn ngữ; về phương diện tri thức luận, giữa hiện thực và ngôn ngữ có sự tương thông và ít nhiều hô ứng với nhau; (1) và về phương diện văn học, hiện thực có thể được tái hiện một cách trung thành trong các công trình ngôn ngữ, thậm chí, nó có thể được tái hiện bất chấp ý thức và ý đồ của tác giả.

Ở đây, có mấy điều cần lưu ý.

Thứ nhất, chủ nghĩa hiện thực không phải bắt đầu với, hay được hệ thống hoá bởi, Friedrich Engels như nhiều người ở Việt Nam thường tưởng. Trong lãnh vực triết học, thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực” đã được sử dụng từ thế kỷ 13, như một khái niệm đối lập với thuyết duy danh (nominalism); sau đó, vào thế kỷ 18, xuất hiện lại trong các tác phẩm của Thomas Reid, Kant và Schelling, như một khái niệm đối lập với chủ nghĩa duy tâm; (2) trong lãnh vực văn học, thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực” đã xuất hiện trên tờ Le Mercure français ở Paris vào năm 1826 với ý nghĩa được xác định rõ ràng là một “lý thuyết văn học chủ trương mô phỏng không phải các kiệt tác nghệ thuật mà là những nguyên mẫu mà tự nhiên cung cấp cho chúng ta.” (3) Ðến giữa thế kỷ 18, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi ở châu Âu, đặc biệt tại Pháp, Ðức, Anh, Nga và Ý với cách hiểu khá thống nhất: đó là khuynh hướng sáng tác nhằm mô tả thế giới như nó là, nhằm triển lãm cuộc sống trong trạng thái trung thực của nó. (4)

Thứ hai, Engels không phải là người chuyên về lý thuyết văn học, do đó, ý kiến của ông, vốn được phát biểu một cách rải rác và tản mạn chủ yếu trong một số bức thư hay một số bài báo bàn về chính trị và triết học, thực chất chỉ là sự lặp lại những quan điểm khá phổ thông trong thập niên 1860 ở châu Âu, từ xã hội học văn học của Hippolyte Taine cho đến chủ nghĩa tự nhiên của Emile Zola. (5) Ngay cái nhận định nổi tiếng về tính chất mâu thuẫn trong tư tưởng và sáng tác của Honoré de Balzac mà Engels trình bày trong lá thư gửi cô Margaret Harkness vào năm 1888 (6)[1] thường được giới nghiên cứu Việt Nam trích dẫn cũng chỉ là sự lặp lại một ý kiến được Zola phát biểu trước đó sáu năm: “Mặc dù Balzac công khai bộc lộ thái độ bảo hoàng và Thiên Chúa giáo, tác phẩm của ông mang đầy tính chất khoa học và dân chủ.” (7)

Thứ ba, dù theo cách hiểu nào đi nữa thì chủ nghĩa hiện thực, với tư cách là trào lưu hay một lý thuyết, cũng chỉ là một hiện tượng văn học thuộc thế kỷ 18 và 19. Hình như trước đây, khi phong trào đổi mới vừa dấy lên, Lê Ngọc Trà đã nhận ra tính chất lỗi thời của chủ nghĩa hiện thực, do đó, ông đưa ra chủ trương: văn học không phải chỉ là một sự phản ánh hiện thực mà còn là, nếu không muốn nói chủ yếu là, một “sự nghiền ngẫm về hiện thực”, một “hành động tự nhận thức của nhà văn”, một sự phản ánh tư tưởng và tình cảm của người cầm bút. (8) Tuy nhiên, nói như thế, thật ra, Lê Ngọc Trà chỉ nhích từ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (socialist realism) sang chủ nghĩa hiện thực biểu hiện (expressive realism), một lý thuyết xuất hiện từ giữa thế kỷ 19 nhằm kết hợp quan niệm theo truyền thống của Aristotle cho nghệ thuật là sự mô phỏng hiện thực với chủ nghĩa lãng mạn cho thơ và văn học nói chung chỉ là sự tuôn trào dào dạt của những cảm xúc mãnh liệt. (9)

Nhưng bất chấp những biến dạng ấy, chủ nghĩa hiện thực nói chung, với tư cách là một quan điểm thẩm mỹ và một phương pháp sáng tác, đã bị nghi vấn, thậm chí, phủ định hoàn toàn.

Giới sáng tác phủ định nó: về phương diện hội hoạ, ngay từ đầu thế kỷ 20, cách vẽ trừu tượng đã thay thế loại tranh hiện thực; trong phạm vi văn học, cũng ở đầu thế kỷ 20, tất cả các khuynh hướng sáng tác thuộc chủ nghĩa hiện đại, từ tượng trưng đến siêu thực, từ duy hình tượng (imagism) đến đa-đa và chủ nghĩa vị lai, v.v..., tất cả đều quay lưng lại với ý đồ tái hiện hiện thực; từ giữa thế kỷ 20 đến nay, dưới ảnh hưởng của Franz Kafka và chủ nghĩa hiện thực thần kỳ ở châu Mỹ La Tinh, ngay cả những cây bút muốn dùng văn chương để tái hiện hiện thực cũng sẵn sàng sử dụng cả những yếu tố phi hiện thực, thậm chí, phản hiện thực như một thủ pháp nghệ thuật chính khi sáng tác.

Các nhà ngôn ngữ học phủ định nó: kể từ Ferdinand de Saussure, người ta cho bản chất của ngôn ngữ là quan hệ giữa các ký hiệu và không còn tin vào mối quan hệ giữa ngôn ngữ và hiện thực nữa, do đó, cái gọi là chức năng phản ánh hay tái hiện hiện thực chỉ là một ảo tưởng.

Các nhà triết học phủ định nó: chủ nghĩa hiện thực được xây dựng trên giả thiết là hiện thực tồn tại độc lập với ý thức, lý thuyết và ngôn ngữ, trong khi, theo họ, tính chất độc lập ấy chỉ là một điều bất khả (10). Với con người, hiện thực nào cũng được/bị khái niệm hoá, mà khái niệm hoá tức là khu biệt hoá, khu biệt hoá tức là loại trừ: chúng không còn nguyên vẹn là hiện thực nữa. Lấy một ví dụ đơn giản nhất: thoạt đầu, nam hay nữ hay ái nam ái nữ hay đồng tính luyến gì thì cũng là người cả; nhưng khi xuất hiện hai khái niệm “nam” và “nữ” thì nhân loại hầu như chỉ còn thuộc một trong hai phạm trù: hoặc nam hoặc nữ. Tất cả những người nào không nằm lọt vào phạm trù “nam” và “nữ” ấy đều bị xem là bất bình thường. Tính chất bất bình thường của một hiện tượng tự nhiên, do đó, rõ ràng là kết quả của một quá trình khái niệm hoá. Nhưng là con người, chúng ta không thể thoát ra khỏi số phận bị khái niệm hoá: giấc mơ phản ánh một thứ hiện thực như nó-là, do đó, chỉ là một ảo tưởng. Ngay cái gọi là “phản ánh” ấy cũng là một ảo tưởng: theo Jean Baudrillard, trước đây người ta tin bất cứ ký hiệu nào cũng quy chiếu về một ý nghĩa thâm sâu nào đó; ngày nay, một sự tin tưởng như vậy không còn cơ sở nữa: cái gọi là hiện thực chỉ là những bản sao, những vật thế vì (simulacra), chúng không quy chiếu đến một hiện thực hay một ý nghĩa nào cả; chúng chỉ tự quy chiếu vào chính chúng mà thôi (11).

Chú thích:

  1. 1-Ruth Ronen, “Philosophical realism and postmodern antirealism”, Style, vol. 29, no. 2, 1995.
  2. 2-Xem René Wellek, “Realism in Literature” trên trang mạng The Dictionary of the History of Ideas, http://etext.lib.virginia.edu/cgi-local/DHI/dhi.cgi?id=dv4-08.
  3. 3-Xem René Wellek, bài đã dẫn; và F.W.J. Hemmings (1974), The Age of Realism, Harmondsworth: Penguin, tr. 9.
  4. 4-Hemmings (1974), sđd, tr. 11-12.
  5. 5-Xem René Wellek (1965), A History of Modern Criticism 1750-1950, tập 3, London: Jonathan Cape, tr. 232-239.
  6. 6-Marx và Engels (1978), On Literature and Art, Moscow: Progress Publishers, tr. 91-92.
  7. 7-René Wellek (1965), A History of Modern Criticism 1750-1950, tập 4, Cambridge: Cambridge University Press, tr. 18.
  8. 8-Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, Thành phố HCM: NxbTrẻ, tr. 41.
  9. 9-Xem Catherine Belsey (1980), Critical Practice, London: Methuen, tr. 7-8.
  10. 10-Xem bài “Philosophical realism and postmodern antirealism” của Ruth Ronen trên Style, vol. 29, no. 2, 1995.
  11. 11-Xem Jean Baudrillard (1983), Simulations, Paul Foss, Paul Patton và Philip Beitchman dịch từ tiếng Pháp, New York: Semiotext(e).

[1] Marx và Engels (1978), On Literature and Art, Moscow: Progress Publishers, tr. 91-92.

Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG