Đường dẫn truy cập

Cuộc bầu cử TT Phillippines bước vào những ngày chung quyết


Ứng cử viên tổng thống Philippines, thị trưởng Thành phố Davao Rodrigo Duterte, phát biểu trong một buổi mít-tinh ở Manila, ngày 1 tháng 5 năm 2016.
Ứng cử viên tổng thống Philippines, thị trưởng Thành phố Davao Rodrigo Duterte, phát biểu trong một buổi mít-tinh ở Manila, ngày 1 tháng 5 năm 2016.

Với cuộc đua tranh cử tổng thống ở Philippines đang trở thành một cuộc tỉ thí về mức độ ủng hộ giữa bốn ứng cử viên chính, những thành quả kinh tế, những liên minh an ninh và chính sách đối ngoại của chính quyền hiện tại đang trong tình thế bất định.

Trong những cuộc khảo sát ý kiến toàn quốc hai tuần qua, Thị trưởng Thành phố Davao gây tranh cãi, Rodrigo Duterte, đã vượt lên dẫn đầu với cách biệt hai chữ số so với những đối thủ của ông ta, những người mà chỉ hơn kém nhau trong vòng từ một tới năm điểm phần trăm suốt thời gian vận động tranh cử ba tháng dẫn đến cuộc bầu cử vào ngày 9 tháng 5.

Vào một đêm thứ Ba gần đây bên trong một phòng thể dục thể thao trường học chật cứng người ở khu vực Manila, ông Duterte, 71 tuổi và hay có những phát biểu tục tĩu, lên sân khấu và bắt đầu bài phát biểu lan man của mình. Ông ta đả kích tham nhũng và khơi lên những tràng vỗ tay cuồng nhiệt mỗi khi ông ta văng tục.

Ông Duterte, người tự xưng là kẻ giết tội phạm, tranh cử với lời hứa hẹn bài trừ những kẻ tội phạm trong vòng sáu tháng đầu tiên tại chức. Và ông ta đã thu hút nhiều sự ủng hộ từ những cử tri muốn thấy tử hình được áp dụng trở lại.

Mức độ ủng hộ dành cho ông ta không suy suyển sau khi ông ta gọi Đức Giáo Hoàng là "đồ chó đẻ," cũng như sau những phát biểu của ông ta về việc ông ta ao ước được đi đầu trong vụ cưỡng hiếp của một nhà truyền giáo người Úc thiệt mạng trong vụ nổi loạn nhà tù ở Thành phố Davao vào năm 1989.

Những phát biểu này đã bị cả đại sứ Úc và Mỹ ở Philippines chỉ trích.

Trên đường vận động tranh cử, ông Duterte phản pháo rằng cả hai nhà ngoại giao này nên "câm miệng" và chớ can dự vào cuộc bầu cử ở Philippines, vì họ cho thấy thiên kiến.

Một tuần trước vụ tranh cãi, phóng viên hỏi ông ta thấy mối quan hệ với Mỹ như thế nào.

Ông ta nói: "Chúng ta liên minh với phương Tây, thấy không? Chúng ta cho phép lực lượng quân sự của Mỹ ở đây trong nước này. Vì thế việc này cho bạn biết là chúng ta đang hướng về đâu."

Hai nước đã bắt đầu thi hành một thỏa thuận mà sẽ chứng kiến thêm nhiều chuyến thăm của binh sĩ Mỹ và việc họ sử dụng những căn cứ địa phương như những điểm hội quân.

Những nhóm cánh tả đã nói rằng điều này báo hiệu sự trở lại của những căn cứ của Mỹ ở Philippines sau khi tình cảm dân tộc chủ nghĩa trào dâng buộc những căn cứ này phải đóng cửa vào năm 1991. Thỏa thuận này không bao gồm những căn cứ vĩnh viễn của Mỹ.

Các ứng cử viên tổng thống Philippines hát quốc ca trước khi bắt đầu một cuộc tranh luận tổng thống ngày 24 tháng 4 năm 2016 ở thành phố Dagupan.
Các ứng cử viên tổng thống Philippines hát quốc ca trước khi bắt đầu một cuộc tranh luận tổng thống ngày 24 tháng 4 năm 2016 ở thành phố Dagupan.

Lần này, công chúng đã bày tỏ ý muốn mạnh mẽ hơn đối với việc để người Mỹ ở cạnh, đặc biệt là khi đối mặt với một nước Trung Quốc quyết đoán hơn bao giờ hết, tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte nói ông ta sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc về những tuyên bố của Philippines ở vùng biển tranh chấp mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines.

Nhưng gần đây ông ta đã tuyên bố sẽ trượt nước tới một trong những bãi đá đang tranh chấp, Bãi Cạn Scarborough, cắm cờ Philippines ở đó và chờ chết như một vị anh hùng dưới tay Trung Quốc.

Đối thủ gần nhất của ông ta, Thượng nghị sĩ Grace Poe, người hoán đổi vị trí nhất nhì với ông ta trong suốt thời gian vận động, có cách tiếp cận thực dụng hơn trong vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Bà Poe nói trong một bài phát biểu ở khu vực Manila: "Sự thật là chúng ta có tranh chấp tại Biển Tây Philippines. Đúng, chúng ta có những vấn đề với tội phạm và ma túy. Vậy tôi sẽ làm gì khi trở thành tổng thống? Tôi nói thật, tôi sẽ không tự mình bắn súng đâu. Nhưng tôi sẽ đảm bảo rằng cảnh sát đi tới tất cả những nơi này sẽ hành động hợp lý."

Bà Poe, một thượng nghị sĩ từng học ở Mỹ, muốn dành nhiều sự hỗ trợ hơn cho Lực lượng Tuần duyên Philippines để tuần tra lãnh hải của đất nước tốt hơn và giúp bảo vệ ngư dân Philippines vốn bị Trung Quốc ngăn không cho đến gần Bãi Cạn Scarborough.

Hơn nữa, cố vấn chính sách đối ngoại của bà Poe, Tony LaViña, nói rằng thượng nghị sĩ này, có cha là ngôi sao điện ảnh từng tranh cử tổng thống vào năm 2004 nhưng thất cử với tỉ lệ sít sao, nhìn thấy việc cần phải có Mỹ ở bên cạnh để ngăn cản Trung Quốc.

"Giữ mối quan hệ gần gũi đó, nhưng đồng thời có thể giữ những lựa chọn của chúng ta rộng mở đối với chính đất nước. Có thể tiếp xúc với Trung Quốc, với những nước láng giềng của chúng ta về một chiến lược thực sự dựa trên lợi ích quốc gia của chúng ta, không phải là lợi ích của Mỹ hay bất cứ nước nào khác."

Bà Poe đã huy động được sự ủng hộ vững chắc từ những tầng lớp thấp hơn ngưỡng mộ cha của bà, người từng là ngôi sao hành động Fernando Poe Jr. Một số người nói với VOA rằng bà cho thấy mối quan tâm giống hệt như của cha bà đối với họ khi ông tranh cử tổng thống.

Alfonzo Artates, Jr., một người lao công thất nghiệp, có mặt tại một buổi vận động vào Ngày Quốc tế Lao động mà bà Poe được mời tới dự. Ông nói ông thích người phụ nữ 47 tuổi này.

"Theo cách nhìn của chúng tôi, bà ấy là một người ủng hộ hết mình đối với người nghèo. Bà ấy ủng hộ tất cả những nhu cầu của người nghèo. Bà ấy yêu họ và giành họ về phía mình. Vì thế nếu bà ấy trở thành tổng thống, có lẽ sẽ có ít người nghèo hơn và sẽ không có kẻ trộm nào trong xã hội nữa."

Dưới chính quyền hiện nay của Tổng thống Benigno Aquino, nền kinh tế đã có mức tăng trưởng ổn định trên sáu phần trăm trong sáu năm qua, lần đầu tiên mang lại cho Philippines cấp bậc đầu tư. Nhưng một số ứng cử viên lập luận rằng người nghèo vẫn chưa thấy những lợi ích.

Phó Tổng thống 73 tuổi Jejomar Binay, người đang tranh cử trên chủ trương giúp đỡ người nghèo, đã hứa hẹn một ngày mới cho thành phần dân chúng này. Trong một bài phát biểu tại Metro Manila, thị trưởng 20 năm của thành phố Makati, thành phố đạt mức thu thuế cao nhất của đất nước, nêu lên một loạt những phẩm chất mà ông nói cử tri có thể mong đợi từ ông.

"Một nhà lãnh đạo tôn trọng phẩm giá của phụ nữ. Một nhà lãnh đạo làm gương cho trẻ em. Một nhà lãnh đạo giúp đỡ và phục vụ người nghèo. Và tôi sẽ không khoe khoang về việc giết người."

Ông Binay cho biết ông sẽ đưa Phillippines tới một mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, đề xuất một dự án chung ở những bãi đá tranh chấp ở Biển Đông giàu tài nguyên, trong khi cũng khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Manila. Liên danh tranh cử của ông ta, Thượng nghị sĩ Gregorio Honasan, nói với phóng viên nước ngoài vào tháng trước rằng một chính quyền Binay sẽ cân nhắc khả năng cho Mỹ đặt căn cứ vĩnh viễn.

Ứng cử viên được cho là sẽ duy trì chính sách đối ngoại là Manuel Roxas, cựu thư ký nội các của chính quyền hiện thời của Tổng thống Benigno Aquino.

Ông Roxas, 58 tuổi và từng lãnh đạo một ngân hàng đầu tư của Mỹ với 20 năm làm trong lĩnh vực công vụ Philippines, đã lãnh đạo nỗ lực ứng phó khẩn cấp của nước này sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền trung của đất nước và làm thiệt mạng hơn 6.300 người vào năm 2013.

"Tôi đã dốc hết sức lực của tôi trong mọi việc mà tôi đã làm. Và chúng ta đã đạt được đôi chút thành quả. Chúng ta đã đi rất xa. Chúng ta đã hoàn thành được nhiều việc. Và về mặt này tôi giương cao thành tích của tôi trước tất cả những người khác."

Một phát ngôn viên cho biết trong tư cách tổng thống, ông Roxas sẽ tiếp tục với "chính sách cơ bản của chính quyền Aquino" là duy trì sự độc lập trong khi tuân thủ những cam kết liên minh với Washington.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG