Đường dẫn truy cập

Cuộc viễn du êm ái giữa nhiều ác mộng


Ông Tập Cận Bình và vợ Bành Lệ Viện đến London, ngày 19/10/2015.
Ông Tập Cận Bình và vợ Bành Lệ Viện đến London, ngày 19/10/2015.

Quả thật lúc này ông Tập Cận Bình cần lấy lại tinh thần trong khi ngổn ngang nhiều vấn đề gay cấn, nhiều bài toán còn nan giải, nhiều sự kiện xúi quẩy nặng nề. Nền kinh tế ngưng trệ, mất đà, tổng sản phẩm xã hội tụt mức tăng xuống thấp nhất trong hơn 15 năm qua, chứng khoán rơi tự do, dự trữ ngoại tệ vơi hàng ngày, đồng Nhân dân tệ giảm giá từng tháng. Khủng hoảng bất động sản bế tắc sau khi khắp nơi xây dựng cao ốc như điên, không có người mua, hàng triệu căn hộ trống không trong những thành phố ma trơi, vắng tanh bóng người.

Về chính trị chiến dịch «diệt ruồi đả hổ săn cáo trị muỗi» bước vào thời kỳ căng thẳng nhất, với hàng ngàn cuộc biểu tình, hàng vạn cuộc bãi công hàng năm, những cuộc phá hoại quy mô như vụ nổ các nhà máy hóa chất ở Thiên Tân, các cuộc nổi dậy khi ngấm ngầm khi công khai ở Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng – những vùng cực kỳ nghèo khổ so với vùng bờ biển trù phú. An ninh xã hội và ổn định chính trị bị đe dọa. Cuộc xử đại án Giang Trạch Dân từng là lãnh tụ số một của thế hệ hai có thể gây nên xáo trộn chính trị nghiêm trọng, mà xuống ngựa còn khó hơn.

Đã vậy tình hình Hồng Kông và Đài Loan ngày càng gay gắt. Sự nghiệp hòa bình thống nhất còn rất xa vời, phong trào xa lánh với đại lục phát triển mạnh. Phong trào xuống đường «ô dù» của Hồng Kông là một thách thức lớn. Ở Đài Loan, Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh sa sút trông thấy, Đảng Dân chủ tiến bộ vượt trội hẳn lên, giành ghế đô trưởng ở thủ đô Đài Bắc, gần như chắc chắn sẽ giành ghế tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử sắp đến. Hai vùng đất tự do này không những không chịu thần phục, còn tự hào đang là gương sáng hấp dẫn về dân chủ tự do cho hàng tỷ người dân lục địa. Quân đội CS diễn tập tiến công mô hình dinh Tổng thống Đài Loan, cùng với hàng mấy trăm tên lửa ngày đêm chĩa vào đảo nhỏ, vào đồng bào ruột thịt, là nét đen tối lên gân tệ hại. Việc siêu tỷ phú Lý Gia Thành, người Hồng Kông, giàu nhất châu Á, rút hết vốn đầu tư vào lục địa là một thất bại kép chính trị - kinh tế tài chính, gây chấn động trong các nhà đầu tư còn lại.

Về đối ngoại, thành tích mấy năm qua không có gì nổi bật, ông Tập còn chuốc nhiều điều cay đắng.

Nhật Bản cùng các nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia tỏ ra cứng rắn hơn trong cuộc khủng hoảng Biển Đông. Philippines còn kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển; tại đây bản đồ lưỡi bò đã bị lên án. Nhiều nước châu Phi từ chối sự hợp tác và đầu tư của Trung Quốc vì trình độ kỹ thuật thấp kém, lại du nhập tệ tham nhũng vào nước họ. Cuôc viễn du Hoa Kỳ của ông Tập trong tháng 9 vừa qua ở Hoa Kỳ có kết quả âm. Nhiều tỷ phú không đến dự cuộc nói chuyện của ông Tập. Tổng thống Mỹ Barack Obama không mở tiệc nhà nước, còn răn đe ông Tập là không được dở trò tin tặc nhà nước với Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton còn cho cuộc họp về quyền lợi phụ nữ ở Liên hiệp quốc do ông Tập chủ trì là một điều phi lý vì Trung Quốc là một trong những nước đầy ải phụ nữ nặng nề nhất. Đúng vào lúc đó (31/10) báo Đại Kỷ Nguyên nêu tội ác của Trung Quốc hủy diệt phụ nữ tàn ác nhất trong lịch sử nhân loại, khi quyết định chính sách «Một con», làm cho hàng triệu triệu thai nhi gái bị bóp mũi, bỏ vào thùng nước cho chết ngạt.

Giữa trăm mối tơ vò như thế, chuyến đi thăm Anh của Tập Cận Bình là một cuộc thư giãn, an ủi mong manh cực hiếm. Ông được Nữ hoàng Elizabeth II mở đại, được Thủ tướng Cameron mời đến nói chuyện trước Quốc hội, và phia Trung Quốc được đầu tư vài chục tỷ bảng Anh để xây dựng các nhà máy điện nguyên tử tại Anh. Quả thật hai vợ chồng ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viện đã có 4 ngày vui, thư thái hiếm có.

Về nước, ông Tập Cận Bình phải chủ trì cuộc họp Trung ương 5 khóa XVIII của đảng CS Trung Quốc với hàng loạt khủng hoảng, khó khăn và bế tắc cả về đối nội lẫn đối ngoại đang chờ đợi. Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, tổng sản lượng hàng năm xuống thấp nhất so với 15 năm qua, cuộc chống tham nhũng đẩy lên đỉnh cao nhất xung đột giữa các phe cánh, rồi đối phó với Nhật Bản, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ ở biển Đông Trung Hoa và biển Đông Việt Nam không đơn giản, đối phó với tình hình Hồng Kông và Đài Loan xấu đi nhanh chóng chưa có dấu hiệu chững lại.

Gần nhất là cuộc thăm Việt Nam vào ngày 11/11 sắp đến, liệu Trung Quốc có dậm dọa lôi kéo được Bộ Chính trị đảng CS Việt Nam tiếp tục chính sách phụ thuộc Bắc Kinh từ cuộc mật đàm Thành Đô đến nay hay không? Trong cuộc đi thăm này, nhân dân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ theo dõi chặt chẽ từng lời nói, từng cử chỉ của các nhà lãnh đạo 2 nước để lập tức nhận xét và phê phán. Với ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Bộ Chính trị Đảng CSViệt Nam hãy đồng tâm nhất trí, có chung một thái độ, một chính sách, theo ý kiến và nguyện vọng của trí thức dân tộc và đông đảo nhân dân: lịch sự, giữ hòa khí chung sống hòa bình, nhưng kiên quyết lên án mọi hành động bành trướng, xâm lược, bất bình đẳng, đặc biệt là khẳng định chủ quyền quốc gia ở vùng biển Đông theo Luật biển quốc tế, không thể có một nhân nhượng nào. Bộ Chính trị phải có lập trường rõ rệt, dứt khoát, bảo vệ nền độc lập tuyệt đối và lãnh thổ, vùng biển toàn vẹn của đất nước, sau đó mới bàn đến quan hệ kinh tế - tài chính - thương mại, quốc phòng an ninh, văn hóa, môi trường. Đó là lập trường tối thiểu nếu Bộ Chính trị còn tự nhận là thay mặt cho nhân dân Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, đặt quyền lợi của nhân dân và dân tộc lên trên hết như trong Điều Lệ và Cương lĩnh của đảng đã ghi rõ.

Nếu như ở Thành Đô năm 1990, Nguyễn văn Linh và Đỗ Mười đã lỡ nhu nhược ký tên cam kết sẽ coi Trung Quốc là nguồn đầu tư ưu tiên, là bạn hàng buôn bán ưu tiên, cam kết thắt chặt liên minh keo sơn Trung - Việt về mọi mặt, không để cho nước nào khác đặt căn cứ và đóng quân trên lãnh thổ Việt Nam, không liên minh quân sự với bất kỳ nước nào khác, thì đây là dịp tốt để phủ định những cam kết ấy, với lý do là Trung Quốc đã gây chiến tranh tàn khốc năm 1979 và đe dọa chiến tranh sau đó, gây áp lực trong thuơng lượng, còn là vì mật ước Thành Đô chưa hề được quốc hội 2 nước xem xét thông qua.

Cần phải làm cho cuộc thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình là một sự kiện chính trị hệ trọng, đánh dấu một bước đi mới dứt khoát, khẳng định tư thế độc lập tự do và chủ quyền đầy đủ của Việt Nam, rằng nhân dân Việt Nam và đảng một lòng một dạ, không kẻ địch nào có thể chia rẽ được.

Nếu không làm được như thế, Bộ Chính trị và những người lãnh đạo cao nhất sẽ mất tín nhiệm tuyệt đối trước nhân dân và cử tri Việt Nam, sẽ mất tính đại diện chính đáng cho nhân dân cả nước và sẽ chuốc lấy sự giận dữ căm phẫn đối kháng của toàn dân và toàn quân, cũng như sự lên án mạnh mẽ của toàn thể người Việt ở hải ngoại.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG