Đường dẫn truy cập

CWS kêu gọi trả tự do cho hai nhà hoạt động Khmer Krom


Ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương tại phiên tòa ở Trà Vinh ngày 20/3/2024.
Ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương tại phiên tòa ở Trà Vinh ngày 20/3/2024.

Hôm 21/3, tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ bản án đối với hai nhà bảo vệ nhân quyền Tô Hoàng Chương và Thạch Cương.

Như VOA đã đưa tin, hai nhà hoạt động Khmer Krom này bị một tòa án ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, xét xử hôm 20/3 sau khi họ tổ chức các khóa học và phân phát tài liệu về quyền của người bản địa theo công ước quốc tế.

Ông Tô Hoàng Chương, 38 tuổi, bị kết án 4 năm tù và ông Thạch Cương, 37 tuổi, bị kết án 3 năm rưỡi tù với cùng tội danh “lợi các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Ông Mervyn Thomas, Chủ tịch sáng lập CSW, nói trong một thông cáo: ‘Việc chính phủ Việt Nam đàn áp các dân tộc thiểu số và tôn giáo không có dấu hiệu chậm lại. Chỉ cách đây vài tuần chính phủ đã liệt hai tổ chức nhân quyền của người Thượng vào danh sách khủng bố”.

Ông Thomas nhắc lại việc chính quyền tỉnh Phú Yên hồi đầu năm 2024 xét xử một mục sư thực hành các buổi cầu nguyện tại nhà. “Và hôm nay, một lần nữa, CSW kêu gọi trả tự do ngay lập tức và xóa bỏ cáo buộc đối với hai nhà bảo vệ nhân quyền, Tô Hoàng Chương và Thạch Cương”.

“Chúng tôi lên án chính phủ Việt Nam vì sự trấn áp và đàn áp trắng trợn, dai dẳng nhằm vào các dân tộc thiểu số và tôn giáo, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc chính quyền Việt Nam, với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền”, ông Thomas nhấn mạnh.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối, bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ, có dụng ý, định kiến xấu nhằm vào Việt Nam”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt hôm 22/3 trả lời câu hỏi của VOA về phát biểu của CSW.

Ông Việt nhấn mạnh rằng tại Việt Nam, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. “Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với bị can, bị cáo, tuân thủ đúng quy trình tố tụng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”, ông Việt cho biết thêm.

“Vụ bắt các ông Thạch Cương, Tô Hoàng Chương và Danh Minh Quang vào ngày 31/7/2023 theo quyết định của cơ quan điều tra viện cớ ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam, cho thấy rõ việc đàn áp có hệ thống những tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt Nam”, tổ chức nhân quyền Liên đoàn Khmer Krom (KKF) có trụ sở ở Mỹ, lên tiếng trong thông báo hồi tháng 2/2024 ngay sau khi ông Quang bị tuyên án 3 năm rưỡi tù trong một phiên xét xử riêng.

Trang Công an Trà Vinh dẫn lời khai của ông Thạch Cương tại tòa nói rằng ông có nhận tổng cộng trên 770 triệu đồng từ các tổ chức, cá nhân ngoài nước như Mỹ, Úc, Canada để thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện trong nước, thành lập “Hội tương trợ vì sự phát triển Khmer” và in ấn các tài liệu về quyền của người bản địa mà trang này cho rằng là “các ấn phẩm có nội dung xuyên tạc chính quyền”.

“Thạch Cương và Tô Hoàng Chương có 3 lần đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh để nhờ can thiệp, tác động đến Liên Hiệp quốc yêu cầu Việt Nam thực hiện vấn đề nhân quyền và quyền các dân tộc bản địa”, vẫn theo trang Công an Trà Vinh hôm 20/3.

Nhận định về bản án dành cho hai nhà hoạt động trên, ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói với VOA:

“Tôi cho rằng việc chính quyền Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động Khmer Krom thực sự dường như không có giới hạn nào cả. Ngày càng có nhiều người trong cộng đồng Khmer Krom bị dính vào những cáo buộc không có thật theo Điều 331 này”.

Ông Robertson cho rằng các điều luật như Điều 331 “được thiết kế để ngăn cản người dân thực hiện quyền của họ”.

Người Khmer Krom chủ yếu theo Phật giáo Nam Tông và không được chính quyền Việt Nam xem là người bản địa. Theo các nhóm nhân quyền quốc tế, người Khmer Krom, cũng giống như tình trạng của nhóm dân tộc Thượng ở Tây Nguyên, phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, nhóm họp và đi lại.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay không công nhận người bản địa, chỉ gọi các nhóm này dân tộc thiểu số. Hà Nội cũng bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền hay vi phạm tự do tôn giáo, khăng khăng rằng các quyền này luôn được “đảm bảo” tại Việt Nam.

(Cập nhật phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG