Đường dẫn truy cập

Đằng sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng


Hình chụp hồi 2015, khi ông Biden còn là Phó Tổng thống Mỹ, nâng cốc với Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng ở Mỹ.
Hình chụp hồi 2015, khi ông Biden còn là Phó Tổng thống Mỹ, nâng cốc với Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng ở Mỹ.

Vậy là điều gì phải đến… đã đến, dù hiệu ứng của nó vẫn còn bàn cãi! Sau khi Việt Nam nhắc đi nhắc lại 5 lần 6 lượt nhưng phía Mỹ vẫn làm ngơ, cuối cùng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được xúc tiến.

Họ đã nói với nhau những gì?

Theo thông cáo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã củng cố "cam kết của Mỹ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, kiên cường và độc lập". Đồng thời cho biết thêm đôi bên sẽ hợp tác để giải quyết các thách thức khu vực và đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Trên nền tảng này, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận một thoả thuận mới về hợp tác quốc phòng. Cuộc điện đàm giữa người đứng đầu chính quyền Mỹ và người nắm thực quyền chính trị cao nhất ở Việt Nam được tiến hành sau khi một kế hoạch tương tự như thế được loan báo vào cuối năm ngoái, nhưng rồi bị hoãn lại vào phút cuối. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu được cho là do một số động thái ngoại giao của Hà Nội bấy giờ đã không phù hợp cho cuộc trao đổi, ví dụ như Việt Nam đã đón và đề cao chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga tại Hà Nội. Mặc dầu các nhà phân tích đã chỉ ra, kinh tế – môi trường – chiến lược là ba trong nhiều nhân tố then chốt khác (như thay thế vũ khí, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững…) để quan hệ Mỹ – Việt có thể đi tới một chương mới về chất. Nhưng dường như vào thời điểm năm ngoái, mọi chuyện vẫn chưa chín muồi.

Liên quan đến cuộc điện đàm sáng 29/3, chỉ một ngày sau đó, tờ “Nhân Dân” của ĐCSVN đã loan tin rộng rãi, tại cuộc trao đổi nói trên, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và “nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương”. Còn Nhà Trắng thì nhấn mạnh, Tổng thống Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng; ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đồng thời tái khẳng định “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam; nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước”, theo báo “Nhân Dân” hôm 30/9.

Tờ báo đầu bảng của Đảng Cộng sản đã dẫn lời ông Trọng như thế này: “Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, tích cực và chủ động hội nhập toàn cầu”. Trong khi đó thì Nhà Trắng nêu bật điểm nhấn: “Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng quan hệ song phương, đồng thời hợp tác giải quyết các thách thức khu vực như biến đổi khí hậu, đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), cũng như tình hình an ninh và môi trường đang xấu đi dọc sông Mekong”. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng có dịp trao đổi nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ “Đối tác Toàn diện” (CP) Việt Nam – Hoa Kỳ; đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới. Ông Trọng cũng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong quan hệ song phương vừa qua là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Tổng thống Joe Biden nhất trí với các ý kiến đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những gì không được công bố ra ngoài?

Căn cứ vào truyền thông từ cả hai phía, các vị lãnh đạo đã không cho biết cụ thể, liệu trong tương lai gần, hai nước có tiến đến việc nâng cấp quan hệ song phương từ “Quan hệ Đối tác Toàn diện” (CP) lên mức “Quan hệ Đối tác Chiến lược” (SP) trong khung khổ kỷ niệm có ý nghĩa này hay không. Câu chuyện CP có thể trở thành SP thật ra là cả một đề tài khá hóc búa vào thời điểm hiện nay. Nó hóc búa, vì đây từng là một câu chuyện dài nhiều tập suốt từ hàng chục năm có lẻ. Chiều 30/10/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton từng khẳng định Mỹ cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam. Trong các cuộc thảo luận ấy, theo bà Ngoại trưởng, hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam đã tái khẳng định mong muốn chung trong việc đưa mối quan hệ tiến tới quan hệ đối tác chiến lược (SP).

Sau bà Clinton, có lẽ cấp cao nhất tái khẳng định điều này là bà Phó Tổng thống Kamala Harris. Hội đàm với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, bà Harris kêu gọi hai bên hãy nâng tầm mối quan hệ với Việt Nam từ đối tác CP lên đối tác SP. Tuy nhiên, ông Phúc và Ban lãnh đạo Hà Nội đã đánh bài lờ kiến nghị ấy của phía Mỹ.

Một vấn đề quan trọng khác chưa thấy buổi điện đàm công khai nội dung, đó là khả năng Chính quyền Biden có thể mời TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ vào thời điểm thích hợp nào? Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman hôm 30/3 đã có cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc, tại thủ đô Washington sau khi ông Hà Kim Ngọc kết thúc tham dự Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam. Theo VOA, hai thứ trưởng đã thảo luận về việc thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 2023 này. Hai bên cũng nêu bật những cách thức thúc đẩy các mục tiêu chung, vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở, an ninh, thịnh vượng và kết nối. Ngoài ra, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn cho biết Thứ trưởng Sherman còn nêu lên các trường hợp vi phạm nhân quyền đáng quan ngại đối với đại diện của Việt Nam và nhấn mạnh việc phải tôn trọng nhân quyền.

Hiệu ứng điện đàm sẽ được kiểm nghiệm?

Sau cuộc điện đàm nói trên, tin tức từ nhiều nguồn vẫn tiết lộ theo cả hai hướng: lạc quan và ít lạc quan hơn. Hướng ít lạc quan cho rằng, việc nâng cấp mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể sẽ gặp những trở ngại, hơn nữa giờ đây đã không hẳn là vấn đề ưu tiên của phía Mỹ nữa. Bất luận khi nào Mỹ và Việt Nam chính thức tiến đến quan hệ Đối tác Chiến lược, theo một số phân tích, Trung Quốc sẽ có phản ứng, nhưng theo mức độ nào còn tùy vào nhiều yếu tố. Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói với VOA hôm 31/3/2023: “Trung Quốc có thể sẽ xem quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ như một thách thức đối với ảnh hưởng của chính họ trong khu vực. Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện kinh tế, ngoại giao và quân sự ở Đông Nam Á, và rõ ràng mối quan hệ ngày càng tăng cường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một trở ngại cho tham vọng của Trung Quốc trong khu vực”.

“Xét đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ và sự gần gũi giữa Trung Quốc và Việt Nam, Hà Nội có thể cảm thấy miễn cưỡng khi chính thức nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện với Washington”. Đây là nhận định của Bích Trần, chuyên gia phụ trợ tại CSIS của Washington. Khi được hỏi, liệu Việt Nam đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Mỹ trong năm nay hay chưa, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/3 trả lời nước đôi, điều đó sẽ xảy ra "khi thời điểm thích hợp", nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt mà hai quốc gia đã có. Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết hai nước đang làm việc cùng nhau để nâng cao quan hệ đối tác. Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS–Yusof Ishak của Singapore, cho biết Việt Nam chắc chắn muốn nâng cấp quan hệ với Washington, nhưng khó có khả năng đồng ý việc này trong năm nay.

Hướng lạc quan hơn đối với triển vọng quan hệ Việt – Mỹ thì cho rằng, những tháng tới đây, Tổng thống Biden nên đưa ra quyết định mời ông Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ. Theo Murray Hiebert (CSIS), Việt Nam gần đây đã nổi lên như một trong các đối tác quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và là một nước “tiền tuyến” chống chọi sức ép từ Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhất là tại Biển Đông. Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh chiến lược tại khu vực này, Việt Nam dễ bị mắc kẹt, phải tìm cơ hội hóa giải bằng cách tăng cường quan hệ với Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ đã vận động Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược, nhưng Hà Nội vẫn trì hoãn vì lo ngại Trung Quốc phản ứng. Nhưng gần đây, Việt Nam tỏ ra sẵn sàng nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược nếu Tổng thống Biden mời TBT Nguyễn Phú Trọng sang thăm. Việc ông Trọng đi thăm Bắc Kinh (10/2022) giúp Việt Nam có dư địa để nâng cấp quan hệ với Mỹ trong những tháng tới.

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG