Đường dẫn truy cập

Ðiện thoại thông minh liệu có đủ thông minh?


Khái niệm về smartphone không phải là bây giờ mới xuất hiện. Khái niệm “điện thoại thông minh” được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1993, nhưng ý tưởng cho nó đã được hình thành từ năm 1973 do Theodore G.

Paraskevakos, một nhân viên làm việc cho Boeing tại bang Alabama, Mỹ. Tôi còn nhớ thời tôi còn học đại học tại Việt Nam, khi khái niệm về smartphone chưa hề phổ biến như hiện nay, các đế chế điện thoại di động chia cho nhiều thương hiệu. Ở châu Á là Samsung, LG, Nokia. Ở châu Âu là Nokia, Sony Ericson. Ở Mỹ là Blackberry. Thật ra ở thời điểm đó, đa số các sản phẩm của Nokia, Sony Ericson, LG, Samsung hay Blackberry đều là những điện thoại smartphone, nhưng vì những tính năng chưa thật sự nổi trội và cứ na ná nhau nên người dùng không có cảm giác chúng là smartphone. Vậy mà khi iPhone xuất hiện vào năm 2007, cục diện thay đổi hoàn toàn. Đó là một cú nổ big bang trong làng công nghệ toàn cầu, và đến ngày nay sức lan tỏa của cú nổ đó vẫn còn sức công phá kinh khủng khi iPhone luôn là điện thoại được trông chờ nhất trong những lần cải tiến và ra mắt. Bây giờ người ta đã biết smartphone là gì. Bây giờ đế chế di động không phân chia theo thương hiệu nữa mà chia theo nền tảng sử dụng: iOS của Apple, Android của Google và Windows Phone của Windows.

Sự phát triển và ảnh hưởng quá lớn của smartphone ngày nay không chỉ tác động đến ngành chế tạo và kinh doanh điện thoại di động mà còn ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống của một người dùng, nhất là giới trẻ. Chiếc điện thoại ngày nay là cả một thế giới hết sức phong phú và đầy tiện ích. Cũng chính vì yếu tố đó mà sự lệ thuộc của người dùng vào điện thoại ngày càng gia tăng. Đa số bạn bè của tôi đều sử dụng smartphone và khi được hỏi, họ cho rằng bản thân sẽ gặp rất nhiều khó chịu nếu như một ngày không có nó bên cạnh.

Ba tôi nói, xã hội càng văn minh thì con người sẽ càng lười biếng. Tôi thì suy nghĩ hẹp hơn một chút, xã hội càng liên kết chặt chẽ thì con người lại càng xa rời lẫn nhau. Tôi còn nhớ ngày xưa khi email còn chưa phổ biến ở Việt Nam, mẹ tôi ở Việt Nam và bà dì tôi ở Mỹ hay viết thư tay cho nhau. Cứ mỗi tháng hai lá thư và đều đặn như vậy. Sau này, khi việc liên lạc dễ dàng hơn qua email và điện thoại, những liên hệ lại thưa dần và dường như chỉ khi nào cần thiết thì mới liên lạc với nhau.

Nguyên nhân sâu xa của sự chuyển biến theo chiều hướng kém thường xuyên như vậy có lẽ không phải vì mẹ tôi và bà dì tôi không còn quan tâm đến nhau nữa, cũng không phải vì cả hai không có thời gian nhiều như lúc trước mà có lẽ là vì khi công nghệ phát triển, mọi thứ quá dễ dàng và thuận tiện, cũng ngần ấy thông tin nhưng nếu viết thư tay thì lại phải dàn đều ra mỗi tháng hai thư, trong khi chỉ với một cuộc điện thoại, mọi thứ sẽ được gói gọn lại trong vòng 10 phút hay ít hơn. Thời đại của thức ăn nhanh và thông tin nhanh mà. Mà cái gì quá nhanh, quá dễ dàng đôi khi lại chẳng được trân trọng nhiều.

Lại quay về chuyện điện thoại, hôm rồi tôi tình cờ đọc được những câu hỏi tu từ về chiếc điện thoại ngày nay. Cảm thấy những câu hỏi đó cũng như một “cách luồn gió bẻ măng” để phản ảnh một xã hội ngày càng lạnh lùng hơn. Cũng xin phép góp chút ý kiến cho từng câu hỏi đó.

Thời đại gì mà smartphone ngày càng mỏng nhưng con người ngày càng béo ị?

Đây chính là sự so sánh khôi hài nhất về chiếc điện thoại và con người. Công nghệ đã giúp phát triển những dòng điện thoại mỏng như dao cạo nhưng lại chứa đựng nhiều tiện ích. Yếu tố mỏng cũng là yếu tố để con người cân nhắc khi chọn lựa một chiếc điện thoại. Bởi vì điện thoại càng mỏng, càng dễ mang theo bên mình, càng trở thành công cụ phục vụ tiện lợi hơn. Thời đại này là thời đại của những gì nhanh chóng nhất. Thông tin nhanh. Giải trí nhanh. Thức ăn nhanh. Những gì nhanh sẽ hời hợt.

Thời đại gì mà bạn bè ngã thì người ta cười còn điện thoại rơi thì người ta khóc?

Đó là thời đại mà con người khoác lên mình một chiếc mặt nạ để đối mặt với xã hội. Giá trị con người đôi khi còn thấp kém hơn cả chiếc điện thoại. Có những trường hợp thiếu nữ sẵn sàng bán mình để mua điện thoại. Thật là đau lòng.

Thời đại gì mà tính năng quan trọng nhất của nghe - gọi chính là nút phớt lờ cuộc gọi của người thân?

Đó là thời đại mà vì nghĩ rằng bên mình đã có chiếc điện thoại, cho nên chẳng cần phải bận tâm xem người thân có lo lắng xem mình đang ở đâu, làm gì hay không. Cứ nghĩ một lúc nữa sẽ nghe máy, một lúc nữa sẽ gọi lại. Và thế là dần dà, thờ ơ là tính từ thường trực của việc sử dụng chức năng nghe gọi của điện thoại dành cho người thân. Điện thoại trở thành một công cụ thờ ơ hiệu quả hơn bao giờ hết.

Thời đại gì mà người ta có thể tự tin làm đủ trò trên màn hình điện thoại trừ việc nhìn thẳng vào mắt người khác?

Bây giờ bước vào một quán nước, sẽ thấy 80% mọi người đang cầm điện thoại loay hoay làm gì đó. Vì điện thoại ngày càng thông minh, cho nên con người chỉ muốn đối diện với những thứ thông minh chứ chẳng muốn rời mắt mà nhìn mặt thằng bạn mặt đần lâu ngày gặp lại.

Thời đại gì mà hẹn hò muốn sờ vào đâu cũng được, miễn là không sờ vào điện thoại của nhau?

Đó là thời đại mà điện thoại thông minh hơn và chứa đựng nhiều bí mật của con người hơn. Đó là lý do vì sao mà nhiều trường hợp đánh mất điện thoại lại lo sốt vó chẳng phải vì tiếc của mà là vì sợ hậu quả sau đó còn kinh khủng hơn chuyện đánh mất một chiếc điện thoại.

Dù cho điện thoại có thông minh cỡ nào và tiện lợi cỡ nào thì nó cũng chỉ là một công cụ phục vụ cho cuộc sống của con người. Tôi hoàn toàn đồng ý là nếu không có điện thoại thì cuộc sống hiện đại của người trẻ sẽ chật vật biết bao. Nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi rằng điện thoại chỉ là một công cụ, và vì vậy chúng ta đừng nhầm lẫn giữa công cụ và người thân. Đừng vì nghĩ đã có điện thoại trong tay mà chúng ta thờ ơ với người thân. Đừng nghĩ rằng đã có điện thoại thì chỉ cần một cuộc gọi thì sẽ giúp cập nhật mọi thông tin của bạn bè và người thân. Cứ nghĩ một ngày nào đó, chúng ta tắt điện thoại, về quê thăm Nội, để cùng Nội khuấy bột đổ bánh xèo, cùng cười nói, cùng thưởng thức. Là bởi vì Nội không biết xài smartphone, và cũng bởi vì smartphone sẽ không biết đổ bánh xèo và cũng chẳng biết xoa đầu mà mắng: “Thằng cha mày, Nội nhớ mày lắm!”

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG