Đường dẫn truy cập

Giá dầu hạ khiến cam kết chống ô nhiễm của TQ gặp khó khăn


Giá dầu hạ đã giúp Trung Quốc tiết kiệm được hàng tỷ đôla nhập khẩu dầu. Tuy nhiên các phân tích và các chuyện gia về công nghiệp nói rằng giá dầu hạ cũng tạo ra những thách thức cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc cam kết làm sạch môi trường.

Trung Quốc hứa sẽ thực hiện các biện pháp nhằm giảm lượng khí CO2 thải vào khí quyển hay còn gọi là “dấu chân carbon” (carbon fooprint), để cải thiện hình ảnh là một trong những nước thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tệ hại nhất thế giới. Quyết tâm hoàn thành lời hứa của Trung Quốc sẽ được theo dõi sát tại hội nghị của Liên hiệp quốc về vấn đề khí hậu biến đổi được tổ chức trong thủ đô Paris của Pháp cuối năm nay.

Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt chiến lược nhằm giảm sử dụng dầu bằng cách xây dựng thêm các năng lực về năng lượng như khí đốt thiên nhiên, thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời và gió. Tuy nhiên giá dầu cao và nhu cầu làm sạch môi trường là các động lực chính cho những sáng kiến này.

Nhu cầu về môi trường không còn ô nhiểm khói bụi vẫn còn đó, nhưng giá dầu lại tuột dốc gần 20 đôla một thùng trong những tháng gần đây.

Nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới

Số lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng vọt và số lượng dự trữ gia tăng. Tháng trước lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ và lần đầu tiên trở thành nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới.

Ông Kang Wu, Phó Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng FGE, nói, “Mục tiêu của chính phủ được thảo ra khi giá dầu đang cao. Giờ đây thì các chiến lược nhằm giảm việc sử dụng dầu lại trở nên kém hiệu quả kinh tế hơn.”

Ông Wu, một trong số các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giới chức thuộc nhiều lãnh vực công nghiệp năng lượng, dự Hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng diễn ra ở Bắc Kinh trong tuần này với nghị trình thảo luận tập trung vào những thách thức về năng lượng mà Trung Quốc và các nước khác phải đối phó.

Ông Chen Weidong, cựu kinh tế gia của xí nghiệp quốc doanh Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, nói rằng có dấu hiệu rõ ràng là chính phủ theo đuổi hướng gia tăng dự trữ dầu, và tăng lượng dầu thô nhập khẩu.

Đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố việc gia tăng nhập khẩu dầu là yếu tố thiết yếu cho nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một kế hoạch an toàn dự phòng đầy đủ về dự trữ dầu.

Chuyển từ than sang khí đốt thiên nhiên

Dầu thô đóng góp 19% trong các loại năng lượng Trung Quốc sử dụng, khí đốt thiên nhiên chiếm 6%, trong khi than vẫn là phần nhiều nhất chiếm 64% trong nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.

Và không chỉ giá dầu thấp tạo ra vấn đề, giá than cũng rẻ và đó là điều khiến cho chính phủ gặp khó khăn khi chuyển sang sử dụng khí đốt thiên nhiên.

Ông Zhou Dadi, một chuyên gia năng lượng làm việc cho Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc nói rằng các nỗ lực nhằm thay đổi việc sử dụng than là thứ gây ô nhiễm môi trường sang sử dụng khí đốt thiên nhiên là loại năng lượng sạch hơn gặp những thách thức gay go. Ông nói:

“Buộc người dân phải chi nhiều hơn cho khí đốt thiên nhiên thay vì than với giá rẻ hơn là một việc khó khăn.”

Trung Quốc đã đề ra mục tiêu gia tăng sử dùng khí đốt thiên nhiên thay cho than, nhưng các nhà phân tích nói rằng giá than rẻ khiến cho việc đạt được mục tiêu đó cực kỳ khó khăn.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG