Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động kêu gọi nâng cao giáo dục để hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS tại TQ


Một người tình nguyện ở Trung Quốc trao tập sách nhỏ chỉ dẫn ngừa HIV/AIDS cùng với condom miễn phí cho người dân trong chiến dịch nâng cao sự hiểu biết về bệnh này ở Bắc Kinh
Một người tình nguyện ở Trung Quốc trao tập sách nhỏ chỉ dẫn ngừa HIV/AIDS cùng với condom miễn phí cho người dân trong chiến dịch nâng cao sự hiểu biết về bệnh này ở Bắc Kinh

Trung Quốc tương đối có tỉ lệ thấp về số người mang HIV dương tính, với chưa đầy 0,1% người trưởng thành bị lây nhiễm. Nhưng con số những trường hợp mắc bệnh AIDS tiếp tục tăng, và các tổ chức chú ý đến vấn đề sức khỏe quy trách cho tình trạng thiếu giáo dục và phòng ngừa.

Con số những người bị lây nhiễm HIV tại Trung Quốc tương đối thấp so với số dân. Theo những con số thống kê chính thức, 800.000 người Trung Quốc bị lây nhiễm HIV, nhưng các giới chức y tế quan ngại về các trường hợp lây nhiễm HIV gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc,có hơn 70.000 trường hợp lây nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2013, và tỉ lệ lây nhiễm tăng cao trong số thanh thiếu niên.

Bác sĩ Bernhard Schwartlander, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Trung Quốc nói:

“Điều chúng ta chứng kiến trong vài năm qua là có một chuyển đổi khá quan trọng trong những trường hợp lây nhiễm. Trước đây, đa số những trường hợp lây nhiễm qua đường truyền máu, cho máu và chích ma túy. Hiện nay đa số các trường hợp lây nhiễm là qua đường tình dục, khác giới tính và đồng tính, có nghĩa là quan hệ tình dục giữa đàn ông và đàn ông.”

Nhà cầm quyền Trung Quốc ước tính có gần 90% các ca lây nhiễm mới là qua quan hệ tình dục.

Bác sĩ Schwartlander gán việc gia tăng lây nhiễm qua đường tình dục với sự phát triển kinh tế và đô thị hóa. Hàng trăm triệu công nhân di trú đang trong tiến trình dời chuyển từ vùng quê đến các thành phố. Đây là trường hợp di dân tập thể lớn nhất của con người trong lịch sử. Ông nói:

“Trung Quốc đang trải qua một sự thay đổi lớn về xã hội và kinh tế, và cũng mang lại nhiều thách thức rất khó khăn. Việc này mang lại những nguy cơ về sức khỏe, và cũng làm gia tăng những cơ hội giao tiếp nguy hiểm và cũng làm lây nhiễm HIV.”

Vào lúc những người trẻ rời bỏ vùng quê để tìm việc làm có lợi tức nhiều hơn, việc chuyển đổi này có thể là một sự thay đổi văn hóa rất đột ngột. Bác sĩ Schwartlander nói nhiều người không hoàn toàn chuẩn bị cho việc thay đổi lối sống;

“Đây là một tình trạng chúng ta đã chứng kiến tại nhiều thành phố, đặc biệt tại những thành phố lớn nơi một nền văn hóa phụ xuất hiện với tự do mới. Mọi người có thể đến với nhau, tiếp xúc với nhau, nhưng cũng tạo ra những cơ hội giao tiếp tình dục, và tiếc thay giáo dục phòng ngừa không theo kịp tại nhiều nơi phải đối mặt với những thực tế này.”

Trong khi phát triển kinh tế của Trung Quốc đã mang lại cho dân chúng nhiều cơ hội tập họp và giao tiếp với nhau, nhiều người vẫn còn ít biết về HIV. Bác sĩ Schwartlander nói chỉ có một nửa những người lây nhiễm HIV trong cộng đồng người đồng tính luyến ái là biết họ bị lây nhiễm virút này. Nhiều người ngần ngừ không chữa trị cho đến khi bệnh này đã tiến triễn.

Ông Ngụy Kiến Cương tổ chức một cuộc Đi bộ vì bệnh AIDS hàng năm tại Bắc Kinh để gây quỹ cho việc phòng ngừa HIV/AIDS. Ông nói người bị lây nhiễm HIV phải đối mặt với nhiều sự sĩ nhục tại Trung Quốc vì nước này cấm họ không được nói công khai về bệnh này cũng như học cách phòng ngừa và chữa trị như thế nào. Ông nói:

“Dĩ nhiên có rất nhiều vấn đề. Vẫn còn có nhiều người bị sa thải vì lây nhiễm HIV. Nhiều người không cho học vì lây nhiễm HIV.”

Bác sĩ Schwartlander nói ngay cả trong các bệnh viện Trung Quốc, bệnh nhân HIV cũng gặp những thành kiến. Nhiều người tại Trung Quốc sợ bệnh này hay lây và có thể lây lan bằng cách uống chung nước hay ăn chung thức ăn, do đó các bác sĩ có thể không muốn chữa trị bệnh nhân lây nhiễm HIV vì lo ngại làm các bệnh nhân khác e sợ tránh xa và bệnh viện mất lợi tức.

Truyền thông nhà nước loan tin là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chú trọng lại đến căn bệnh này, một phần qua việc tăng cường tài trợ của chính phủ để chữa trị nhưng cũng tiếp xúc với các tổ chức y tế địa phương.

Các tổ chức xã hội dân sự hy vọng viêc này sẽ cho họ thêm sức mạnh để giúp Trung Quốc chống lại HIV/AIDS. Tuy nhiên bà Mã Nhã Vương thuộc Human Rights Watch tỏ ra nghi ngờ.

Bà Vương nói: “Chính phủ một mặt đối phó nhanh chóng với cuộc khủng hoảng bệnh AIDS bằng cách giúp tiếp cận chăm sóc y tế, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại. Mặt khác, nhà nước vẫn tiếp tục cản trỡ những nỗ lực và quấy nhiễu các nhà hoạt động cố gắng có những cuộc thảo luận thẳng thắn về việc làm cách nào kiểm soát bệnh AIDS lây lan.”

Một nhà hoạt động Trung Quốc, ông Diệp Mặc Yên, người vận động cho quyền của các người hành nghề mãi dâm, bị Bắc Kinh không cho phép tham dự Hội nghị AIDS Quốc tế được tổ chức trong tuần này tại Melbourne, Australia.

Chính phủ Trung Quốc có thể quyết định là cần sự giúp đỡ của các nhà hoạt động trong cuộc chiến chống bệnh AIDS. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết là tỉ lệ cao lây nhiễm HIV trong số những người nam đồng tính luyến ái đe dọa những tiến bộ trong việc phòng chống bệnh AIDS trên toàn thế giới. Tổ chức này cho rằng dù những người nam đồng tính luyến ái có nguy cơ bị lây nhiễm cao, nhưng họ cũng là những người ít tìm đến những dịch vụ phòng chống và chữa trị.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG