Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Chứng huyết áp thay đổi đột ngột


Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả tên Dương gởi thư đến câu hỏi như sau:

“Kính gửi bác sĩ,

Trước hết xin kính chúc bác sĩ sức khỏe dồi dào, Gia đình hạnh phúc.

Năm nay tôi 67 tuổi, đã về hưu, hiện đang sống tại Mỹ.

Thưa bác sĩ tôi bị bệnh cao máu. Hàng ngày tôi uống thuốc Diovan 320 mg. Suốt 3, 4 năm nay tôi thấy mình được ổn định. Nhưng cách đây 4, 5 tháng, thỉnh thoảng tôi thấy mình bị nhức đầu, khi cúi xuống, ngẩng lên thì thấy choáng váng mặt mày.

Tôi đi Bác sĩ đo máu, thì thấy máu từ 130 tăng dần lên 135, rồi 140, 150 trong vòng 3 tháng.

Bác sĩ gia đình cho tôi uống thêm spironolact 25 mg được 1 tuần, nhưng máu vẫn tiếp tục cao. Bác sĩ gia đình lại cho tôi uống thêm amlodipine 5 mg. Tôi uống được 2,3 ngày thì thấy hơi mệt. Mỗi khi cúi xuống thì choáng váng mặt mày, muốn té. Tôi đi đo máu, thì thấy máu dưới 110. Bác sĩ nói tôi ngưng dùng thuốc Diovan. Nhưng 1, 2 tuần sau, máu vẫn tiếp tục 110, 115.

Sau đó Bác sĩ gia đình lại nói tôi uống 1 viên spironolac 25 mg + 1/2 viên amlodipine 5mg. Uống cả 1 tuần lễ mà máu vẫn là 110, 115 không thay đổi.

Sau đó Bác sĩ gia đình lại nói tôi ngừng luôn thuốc amlodipine. Mấy tuần nay máu tôi đo được 110, 115/89.

Bác sĩ gia đình nói có thể cái thận làm cho máu tôi cao. Thận tôi có cái bướu nhỏ, đã được cắt bỏ cách đây một tháng. Sau khi cắt bỏ cái bướu ở thận. Bác sĩ bệnh viện cho tôi uống Amlodipine 10 mg. Tôi đã uống được 2 tuần, nhưng vẫn cứ chóng mặt mỗi khi cúi xuống. Đo máu thì thấy thường dưới 117.

Tôi hỏi Bác sĩ chuyên khoa về thận, thì được trả lời rằng ông không nghĩ máu tôi không ổn định là do ảnh hưởng của cái thận.

Thưa Bác sĩ bây giờ tôi không biết uống thuốc gì?

Tôi mổ, cắt bướu thận được 1 tháng, đang dưỡng bệnh tại gia.

Có khi 2, 3 ngày tôi không uống 1 viên thuốc cao máu nào. Cách đây 2 hôm, sáng sớm tôi thức dậy, bước xuống giường, tôi đứng không vững. Tôi sợ quá, lên giường lại nằm nghỉ, và lấy máy ra đo thi thấy là 180/110.

Thưa Bác sĩ, trong lúc chờ đến ngày đi gặp Bác sĩ gia đình, tôi tự uống spironolact 25mg. Máu đo được: 115/89.

Xin hỏi Bác sĩ tại sao máu tôi có lúc lên quá cao, 160, lại có lúc xuống quá thấp 110, khiến tôi vừa mệt, vừa chóng mặt?

Thưa Bác sĩ, khi đo máu là đo áp suất lượng máu được tim bơm ra, hay là đo sức bơm của quả tim?

Trường hợp của tôi bây giờ nên uống thuốc gì? Và tôi phải làm gì ?

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Cám ơn bác sĩ.”

please wait

No media source currently available

0:00 0:17:03 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Chứng huyết áp thay đổi đột ngột

Vị thính giả trước đây áp huyết cao trị bằng ACE receptor antagonist (angiotensin receptor blocker, ARB) tên valsartan ( Diovan), áp suất ổn định. Chỉ gần đây, huyết áp cao thêm, bác sĩ thử thêm 2 thuốc nữa thì áp huyết quá thấp, mà ngưng thuốc thì lại lên cao.

Spironolactone là thuốc lợi tiểu làm giảm số lượng nước trong hệ tuần hoàn. Amlodipine là thuốc ức chế kênh calcium (calcium channel blockers, CCB), làm cho mạch máu bớt co thắt lại, giãn ra. Ba thuốc này được dùng để giải quyết vấn đề huyết áp cao bằng 3 cách tiếp cận khác nhau. Ngoài ra còn có u thận đã giải phẩu.

Đây là trường hợp phức tạp, đang được các bác sĩ gia đình và chuyên khoa giải quyết, tôi không thể có ý kiến được. Có thể bác sĩ cần theo dõi bệnh nhân lâu hơn hay khảo sát thêm trước khi đi đến giải pháp thích đáng.

Như mọi khi, tôi xin có vài nhận xét chung chung về bệnh cao huyết áp để chúng ta cùng học hỏi, hoàn toàn có tính cách thông tin mà thôi.

1) Huyết áp là áp suất của máu đè (tác động) lên mạch máu ở một chỗ nào đó. Ví dụ: ông cho nước từ một cái máy bơm chảy vào một cái ống, cái bơm công xuất càng cao, thì lượng nước được bơm ra càng nhiều, áp suất nước tác dụng lên vách ống cao su càng cao. Nước chảy từ chỗ áp suất cao đến chỗ áp suất thấp hơn (pressure potential). Chỗ nào ống nhỏ lại, sức cản cao hơn, thì áp suất tăng ngay tại điểm đó, ví dụ lúc tưới cây, ông vặn vòi nhỏ lại thì nước sẽ vọt xa hơn.

2) Tim chúng ta là một cái máy bơm, máu được bơm qua các động mạch có tính co giãn (elastic), nhờ tính co giãn đó mà áp suất đó được bảo tồn đi xa, tuy càng lúc càng giảm khi máu càng xa trái tim. Nếu mạch máu không đàn hồi, áp huyết sẽ tụt nhanh sau khi rời trái tim.

3) Huyết áp chúng ta đo thông thường là huyết áp trong động mạch cánh tay (brachial artery), và bình thường có 2 con số: huyết áp lúc thu tâm (systolic blood pressure, SP) đo lúc tim đang bóp lại cho máu phọt ra (systolic ejection); huyết áp lúc trương tâm (diastolic pressure, DP) là lúc hai tâm thất đang giãn ra (diastole) để nhận máu vào từ 2 tâm nhĩ. Người đo (hay máy tự động) bơm hơi cho áp suất trong túi hơi tăng lên, cho đến lúc không nghe (phát hiện) được mạch đập, lúc đó máy ghi nhận áp suất thu tâm (SP). Sau đó áp suất được giảm dần, lúc không còn nghe mạch nữa thì gọi là áp suất trương tâm (DP). Người lớn, SP dưới 120 mmHG (thuỷ ngân), DP dưới 80.

Huyết áp đo ở động mạch đùi sẽ cao hơn. Huyết áp trong ngón tay sẽ thấp hơn.

4) Hồi hộp, lo sợ, kích thích do tuyến nội tiết (ví dụ: tuyến giáp làm việc quá nhiều, tuyến thượng thận tiết chất epinephrine/ norepinephrine quá nhiều) làm tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, mạch máu co lại có thể làm áp huyết tăng trong một thời gian.

5) Huyết áp có thể cao hơn vì vừa uống thuốc, nước uống có chất kích thích như cà phê, trà, thuốc cường dương, thuốc ho có chất kích thích, co mạch máu như pseudoephedrine, phenylephrine, sau khi tập thể thao nặng nhọc, lúc xúc động, sợ sệt lo âu.

Nếu huyết áp lên xuống thất thường, nên đo lại nhiều lần cách nhau chừng 30 phút (đo lại ngay không đúng, vì mạch máu vừa bị bóp mạnh vào); bác sĩ có thể theo dõi bằng máy đo mang theo trong người để đo áp huyết 15 - 30 phút một lần trong 24 giờ (24 hour ambulatory blood pressure monitoring-ABPM). Bệnh nhân ghi chép những chuyện xảy ra trong ngày (activity log), ghi những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp, mệt.

6) Trong trường hợp huyết áp cao do thận gây ra, thận tiết chất renin vào máu quá nhiều,làm thận giữ nước và muối natri lại nhiều hơn (không cho thải ra nước tiểu) làm áp huyết lên quá cao. Có 2 trường hợp:

a) Động mạch vào thận bị thu hẹp, máu đến thận không đủ, thận tiết thêm chất renin trong máu, làm áp huyết cao lên (renovascular hypertension).

b) U bướu trong thận tên “juxtaglomerular tumor” tiết ra chất renin quá nhiều, làm huyết áp lên rất cao ở người trẻ tuổi. Bệnh này hiếm, và có lẽ bác sĩ của ông nghĩ đây không thể là nguyên nhân bệnh của ông. Hơn nữa, bệnh ông có vẻ không giống các trường hợp điển hình: ông trên 60 tuổi, huyết áp không cao lắm so với trường hợp được công bố (trên 200), và người ta đã mổ lấy u ra, đã biết u ấy là loại gì, và đã chữa lành bệnh cao áp huyết nếu u này là nguyên nhân gây ra.

7) Huyết áp cao do áo trắng gây ra (white coat hypertension): người bệnh không bị áp huyết cao, đo ở nhà thì bình thường, nhưng đến phòng mạch, nhà thương thì đo áp huyết lại lên cao vì sự hiện diện của bác sĩ, y tá, nhân viên mặc áo choàng trắng. Giải pháp là bác sĩ sẽ cho bệnh nhân vào một phòng riêng, đặt máy tự động đo áp huyết người bệnh nhiều lần, sau khi bác sĩ hay y tá đã rời khỏi phòng. Hoặc bệnh nhân tự đo nhiều lần trong một tuần tại nhà, ghi lại đưa cho bác sĩ.

8) “Labile hypertension” là một chứng bệnh làm cho bệnh nhân huyết áp thay đổi dột ngột khi cao khi thấp nhiều lần trong ngày, khó giữ ở mức ổn định. Người bệnh có thể thấy nhức đầu, ù tai kèm theo. Những bệnh nhân này thường phản ứng với stress bằng các cơn áp huyết lên cao đột ngột. Stress có thể do mất việc làm, buồn phiền việc gia đình, hay chỉ những phiền toái đơn giản như phải chờ đợi lúc kẹt xe, bực bội vì một chuyện nhỏ nhặt nào đó. Stress cũng có thể do bệnh nhân sợ "máu cao" nguy hiểm cho mình, "đứt mạch máu", sợ chết.

Thường loại bệnh cao huyết áp "bất ổn" không đáp ứng tốt với các thuốc trị cao huyết áp thông thường. Uống thuốc loại này có thể làm huyết áp bất ổn thêm: ví dụ chóng mặt có thể không liên hệ đến huyết áp cao làm bệnh nhân sợ, sợ gây huyết áp vọt lên, bệnh nhân uống thuốc để hạ huyết áp, làm huyết áp tụt xuống quá thấp, lại gây chóng mặt, và như thế tiếp theo...

Một số bệnh nhân cần có những biện pháp đối phó với chứng lo âu, đối phó với stress thay vì chữa bằng thuốc cao huyết áp: như dùng thuốc an thần, tâm lý trị liệu, hay những phương pháp thư giãn như thể thao,múa, thiền,tĩnh tâm,vv

Mong những nhận xét trên đây giúp quí vị hiểu thêm đôi chút về hiện tượng huyết áp bất ổn, lên xuống thất thường.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

********

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG