Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp y học: Thủy ngân có gây vô sinh không?


Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Lê Thị Lan Anh hỏi:

“Kính thưa Bác sĩ.

Em muốn hỏi về vấn đề tác hại của thủy ngân.

Hôm qua em làm vỡ nhiệt kế. Em không biết, nên đã dùng tay chạm vào thủy ngân trong khoảng 30 giây. Nó thành những viên tròn nhỏ, bóng màu xám bạc. Sau đó em lấy giấy và khăn lau đi, và vẫn đi lại, sinh hoạt ở khu vực đó. Cháu nhỏ của em cũng vậy.

Xin hỏi bác sỹ, em và cháu nhỏ có bị ảnh hưởng gì tới sức khỏe và sinh sản sau này không ạ?

Rất mong nhận được câu trả lời của Bác sỹ.

Em xin chân thành cám ơn.”

please wait

No media source currently available

0:00 0:11:52 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Đa số trường hợp thuỷ ngân tác dụng trên khả năng sinh sản là do thức ăn, phần lớn là do ăn cá có mức thuỷ ngân cao trong thịt con cá. Chúng ta đã đi sâu vào vấn đề náy trong mộ cuộc nói chuyện trước đây

Trường hợp ngộ độc do tiếp xúc trực tiếp với kim loại thuỷ ngân (metallic, elemental mercury) ít khi gặp hơn. Ở nhiệt độ bình thường, thuỷ ngân là một kim loại ở thể lỏng, lóng lánh, sáng, dễ bốc hơi,phát ra một loại khí gọi là “hơi thuỷ ngân” (mercury vapor).

Ngộ độc do hít thở hơi thuỷ ngân có thể gây độc cho hệ thần kinh trung ương, các dây thần kinh, hệ tiêu hoá, phổi, thận, hệ miễn nhiễm, và có thể gây chết người, nhất là trẻ em.

Thuỷ ngân từ các dụng cụ y khoa như máy đo áp huyết, ống thuỷ đo nhiệt độ là một nguồn ô nhiểm nước thải, xuất phát từ các bệnh viện. Ở đây chúng ta sẽ bàn về trường hợp cụ thể lúc chúng ta gặp hơi thuỷ ngân từ những lượng thuỷ ngân nhỏ từ các dụng cụ nhỏ trong nhà. Một ống thuỷ thường chứa không tới 4 gram và đèn ống (fluorescent, tiết kiệm điện hơn các đèn có tim cháy) chứa chừng 4mg thuỷ ngân.

Câu hỏi thường gặp nhất là lúc ống thuỷ đo nhiệt độ bị vỡ (bể) thì phải làm gì. Cơ quan bảo vệ môi sinh của Mỹ (EPA) có khuyến cáo về vấn đề này. Tuy nhiên, vì thính giả ở Việt nam, tôi xin đưa ra một số khuyến cáo đơn giản hơn, căn cứ trên tài liệu của Dịch vụ Sức khoẻ Quốc gia (NHS) của Anh. (1)

Lượng thuỷ ngân nhỏ này rất khó mà gây những tác dụng đáng kể trên sức khoẻ, mặc dù có một lượng hơi bay ra, và các hạt thuỷ ngân nhỏ như những hạt sương có thể phân tán rộng ra mà chúng ta không tìm thấy.

1) Mở cửa sổ,cho thoáng ít nhất 15 phút.

2) Mọi người ra ngoài, nhất là trẻ em, thú cưng (pets).

3) Mang găng tay, mặc quần áo cũ (dùng xong bỏ đi) để dọn dẹp ống thủy vỡ.

4) Cẩn thận lúc lượm mảnh thuỷ tinh, cho vào bao plastic. Hốt thuỷ ngân bằng một miếng giấy cứng, hoặc dùng ống hút (compte-goutte, dropper) hoặc chai plastic có vòi hút giọt thuỷ ngân vào chai.

5) Dùng miếng dẻ/khăn vải ẩm lau chùi chỗ tiếp xúc với thuỷ ngân.

6) Bỏ găng tay, giấy, dụng cụ dùng hốt thuỷ ngân bỏ vào bao nilon chung với thuỷ ngân.

7) Không bỏ vào thùng rác, đem đến những nơi nhận đồ phế thải nguy hiểm (hazardous waste disposal centers) nếu có thể được. Những tấm thảm, vải bọc ghế có thể rút, hấp thụ thuỷ ngân vào các sợi của nó. Trường hợp này cần liên lạc với cơ quan y tế công cọng địa phương, nếu có thể, để người ta hướng dẫn cách tẩy hoặc thanh toán các đồ vật ô nhiễm thuỷ ngân. Phần này có thể không thực tế đối với đa số trường hợp, nhất là ở Việt nam. Mục đích chính là đem thuỷ ngân ra khỏi nhà. (Nếu nhà có những dụng cụ chứa thuỷ ngân, nên mua sẳn "mercury spill kit", với phần chính là một loại bột chứa zinc hoặc sulfur (lưu huỳnh), bột bám vào thuỷ ngân ở những kẽ hở, những chỗ khó lấy ra và được hút ra ngoài bằng ống hút).

Những việc cần tránh:
1) Không dùng tay không sờ vào thuỷ ngân.

2) Không dùng máy hút bụi hút, làm thuỷ ngân và hơi phân tán ra.

3) Không bỏ vào thùng rác, vì thuỷ ngân là chất phế thải nguy hiểm (hazardous waste), có thể không thực hiện được ở Việt nam.

4) Không bỏ vào ống cống, ống nước thành phố.

5) Không dùng bàn chải hốt, quét thuỷ ngân.

6) Áo quần mặc lúc dọn dẹp thuỷ ngân phải bỏ vào bao nilon khằn kín, bỏ đi, không cho vào máy giặt (máy giặt nóng, làm bay hơi thuỷ ngân, có thể lan toả ra khắp nhà).

Nếu chẳng may nuốt một số lượng nhỏ, hay tiếp xúc với da, có lẽ không có hậu quả đáng kể, vì lượng hấp thụ qua đường ruột, qua da rất nhỏ.

Nếu hít phải hơi thuỷ ngân lượng nhỏ thôi, thì không có hậu quả gì nhiều.
Nếu nhiều hơn, hơi thuỷ nhân vào phổi, đi vào máu và có thể gây những triệu chứng sau:

● Ho.

● Hụt hơi, khó thở.

● Tức ngực, thấy nóng rát trong ngực (burning).

● Ho ra máu.

● Bức rứt, run rẩy (tremor), khó chịu.

● Nếu hơi thuỷ ngân vào mắt: nhức mắt, đỏ mắt, mí mắt sưng.

Cần rửa da hoặc mắt trong 15 phút nếu có tiếp xúc (tiếp cận) với thuỷ ngân.
Trường hợp có triệu chứng trên, cần liên lạc với cơ quan y tế như Poison Center ở Mỹ, hoặc bác sĩ, phòng cấp cứu.

Về trường hợp thính giả hỏi, có lẽ lượng thuỷ ngân không tới 3 gram, cơ nguy hậu quả đáng kể do ngộ độc thuỷ ngân ở đây rất nhỏ. Nếu là từ một máy đo huyết áp kiểu xưa, lượng thuỷ ngân có thể lớn hơn nhiều và nguy hiểm hơn.

Nếu cần, theo dõi với bác sĩ của mình. Nói chung, nếu vệt thuỷ ngân lớn hơn đồng tiền 10 cent, cần nhờ chuyên viên phụ trách các vật liệu nguy hiểm (hazardous materials, HAZMATS) xử lý. có thể mở cửa hay cho máy hút hơi ra ngoài nếu có, hạ nhiệt độ trong phòng, lấy bao nilon che kín vùng thuỷ ngân trong lúc chờ đợi chuyên viên thu dọn.

Riêng về vấn đề phơi nhiễm, hít phải hơi thuỷ ngân (inhalation of mercury vapor) có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không, câu trả lời là có, nhưng chỉ có lúc sự phơi nhiễm ở một mức đáng kể, căn cứ trên khảo cứu trên loài vật.

Có rất ít khảo cứu trên người cho kết luận dứt khoát về vấn đề này.
Những khảo cứ tập trung vào môi trường nha khoa (dentistry) vì trước đây, ở Mỹ nha sĩ phải bào chế hợp chất amalgam trám răng, trong đó chừng 1/2 là thuỷ ngân.

Hiện nay, kỹ thuật pha trộn amalgam tại phòng mạch an toàn hơn, và đa số nha sĩ dùng nhựa resin hay composite không chứa thuỷ ngân. Ví dụ, trong một khảo cứu về 418 phụ tá nha sĩ thường hay phải dùng thuỷ ngân để chế biến hợp chất màu bạc amalgam dùng trám răng, người ta thấy khả năng sinh sản của những nhân viên nữ phải chế biến trên 30 lần/tuần có giảm chừng 1/3 so với những nhân viên không tiếp xúc với thuỷ ngân trong công việc này.

Tuy nhiên, đối với những người tiếp xúc với hợp chất amalgam vài ba lần một tuần, thì khả năng sinh sả của họ lại càng cao hơn cả hai nhóm kia. (A S Rowland) (2)

Nha sĩ cũng như phụ tá nha khoa có thể phơi nhiễm với hơi thuỷ ngân lúc chế biến amalgam có chứa thuỷ ngân, lúc khoan bỏ các nơi trám cũ (filling removal) có thuỷ ngân, nếu không có biện pháp bảo vệ như dùng máy hút, máy hút hơi, máy xịt nước lúc khoan răng. Tuy nhiên, hợp chất amalgam trám răng nằm yên trong răng bị trám thì không có tác dụng độc cho bệnh nhân.

Ở đây, tôi chỉ trình bày với tính các hoàn toàn thông tin.

Nói chung là chúng ta phải ý thức là thuỷ ngân không phải là đồ chơi và là một chất độc, nhất là cho trẻ em vì chúng nhỏ con và đang phát triển hệ thần kinh, tạo máu v.v. của chúng; cũng như các con thú cưng vì chúng thân thể chúng nhỏ, nhạy với chất độc. Chúng ta phải cẩn thận và dùng những biện pháp an toàn thích hợp với hoàn cảnh sống của mỗi người.
Cảm ơn vị thính giả đặt câu hỏi có thể giúp ích cho nhiều người.
Chúc quý vị thính giả may mắn.

References:

Quý vị độc giả có thể tham khảo thêm ở những trang sau đây trên mạng:

1) (http://www.nhs.uk/chq/Pages/854.aspx?CategoryID=87)

2) Rowland A S. The effect of occupational exposure to mercury vapour on the fertility of female dental assistants. Occup Environ Med. Jan 1994; 51(1): 28–34.
PMCID: PMC1127897

3) https://www.health.ny.gov/environmental/chemicals/hsees/mercury/cleaning_up_a_small_mercury_spill.htm

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

********
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG