Đường dẫn truy cập

Hội đồng Bảo an cân nhắc trừng phạt Bắc Triều Tiên về vụ phóng hỏa tiễn


Đại sứ các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận sau cuộc họp ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, ngày 7 tháng 2, 2016.
Đại sứ các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận sau cuộc họp ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, ngày 7 tháng 2, 2016.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ lên án vụ phóng hỏa tiễn tầm xa của Bắc Triều Tiên hôm Chủ nhật.

Hỏa tiễn, mang theo thứ mà Bình Nhưỡng nói là một vệ tinh, được phóng từ cơ sở phóng vệ tinh Tongchang-ri của Bắc Triều Tiên gần biên giới phía tây bắc với Trung Quốc.

Trong một phiên họp hiếm hoi hôm Chủ nhật, các thành viên của Hội đồng Bảo an hội kiến sau cửa đóng kín trong 90 phút để thảo luận những bước tiếp theo đối phó với Bắc Triều Tiên.

Sau đó, Đại sứ Venezuela Rafael Ramirez, người giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này, đọc một tuyên bố của Hội đồng.

Ông nói vụ phóng này, "cũng như bất kỳ vụ phóng nào khác của CHDCND Triều Tiên khác có sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo, ngay cả khi được mô tả là một vụ phóng vệ tinh hay phóng phi thuyền không gian," góp phần vào việc "phát triển những hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân" của Bình Nhưỡng, là một "sự vi phạm nghiêm trọng" những nghị quyết của Hội đồng Bảo an kể từ năm 2006.

Hội đồng cho biết họ sẵn sàng "soạn thảo những biện pháp đáng kể mới" đáp lại vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên hôm 6 tháng 1 năm 2016 và vụ phóng hỏa tiễn hôm Chủ nhật.

Hội đồng đã áp đặt bốn vòng chế tài với cường độ tăng tiến nhắm vào Bắc Triều Tiên để đáp lại nhiều vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo khác đã được thực hiện kể từ năm 2006.

"Tới bây giờ rõ ràng là những biện pháp trừng phạt hiện hành vẫn chưa ngăn cản Bắc Triều Tiên phát triển thêm vũ khí hạt nhân và những hệ thống vận chuyển," Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc Oh Joon nói.

'Những biện pháp cứng rắn, chưa từng có'

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) xem hỏa tiễn được phóng đi trong một bức hình do hãng tin Kyodo cung cấp, ngày 7 tháng 2, 2016.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) xem hỏa tiễn được phóng đi trong một bức hình do hãng tin Kyodo cung cấp, ngày 7 tháng 2, 2016.

"Không thể có chuyện vẫn như bình thường được," Đại sứ Mỹ Samantha Power nói với báo giới. Bà nói một nghị quyết mới phải được nhanh chóng tán đồng với "những biện pháp cứng rắn, chưa từng có từ trước tới giờ," và "vượt qua dự liệu của Kim Jong Un," lãnh tụ của Bắc Triều Tiên.

Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất đồng ý một nghị quyết mới là cần thiết, nhưng ông không cho biết bao Bắc Kinh sẵn sàng cứng rắn tới mức nào.

"Một nghị quyết mới mà sẽ có tác dụng làm giảm căng thẳng, hướng tới việc phi hạt nhân hóa, duy trì hòa bình và ổn định, và khuyến khích một giải pháp thông qua đàm phán," ông Lưu nói với các phóng viên.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói một nghị quyết mới phải "có sức nặng", nhưng "hợp lý."

"Chúng tôi tin rằng chúng ta không nên trông mong sự sụp đổ kinh tế của CHDCND Triều Tiên, tất nhiên chúng ta không nên trông mong một số hành động có thể làm gia tăng hơn nữa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và xung quanh nó," ông nói.

'Hoàn toàn quá đáng và không thể chấp nhận'

Đại sứ Oh nói những hành động của Bắc Triều Tiên là "hoàn toàn quá đáng và không thể chấp nhận được." Ông nói vụ phóng hôm Chủ nhật có thể tiêu tốn gần 1 tỉ đôla, khoản tiền mà "lẽ ra sẽ nuôi sống người dân Bắc Triều Tiên cả một năm."

Nhiều người dân Bắc Triều Tiên sống trong nghèo túng và đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Chi tiêu của chính phủ đổ vào những chương trình quân sự và nước này nhận viện trợ nhân đạo quốc tế. Năm ngoái, Liên Hiệp Quốc kêu gọi quyên góp hơn 100 triệu đôla để tài trợ những chương trình thực phẩm, nông nghiệp, y tế, nước sạch và vệ sinh.

Hệ thống phi đạn Patriot được triển khai trên đảo Ishigaki ở miền nam Nhật Bản, Okinawa, ngày 7 tháng 2, 2016.
Hệ thống phi đạn Patriot được triển khai trên đảo Ishigaki ở miền nam Nhật Bản, Okinawa, ngày 7 tháng 2, 2016.

Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc, Motohide Yoshikawa, người đã cùng với Mỹ và Hàn Quốc hôm Chủ Nhật kêu gọi mở phiên họp, nói rằng thời gian dành cho đối thoại đã hết và cần phải có nhiều áp lực hơn bằng hình thức một nghị quyết "mạnh mẽ" của Hội đồng Bảo an để ngăn chặn Bình Nhưỡng.

Suốt tháng qua, các thành viên của Hội đồng vẫn đang cân nhắc những chi tiết của một nghị quyết chế tài do Mỹ soạn thảo để đáp lại vụ thử nghiệm bom hạt nhân hôm 6 tháng 1 của Bắc Triều Tiên.

Đại sứ Venezuela nói "mọi người đều biết chúng tôi đang đợi thỏa thuận giữa hai nước" về văn bản đó.

Hai nước đó là Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc kêu gọi đối thoại nhiều hơn với nước đồng minh bất hảo của họ, trong khi Mỹ và các nước khác muốn những biện pháp chế tài quốc tế cứng rắn hơn.

Chế tài gia tăng

Quốc hội Mỹ đang soạn thảo luật chế tài đơn phương mà sẽ nhắm mục tiêu vào những công ty và ngân hàng thuộc bên bên thứ ba, nhiều trong số này ở Trung Quốc, làm ăn với Bắc Triều Tiên.

Tin cho hay Hàn Quốc đang xem xét đóng cửa Khu Công nghiệp Kaesong để đáp lại vụ phóng hỏa tiễn. Khu công nghiệp liên doanh này thuê mướn hơn 50.000 người Bắc Triều Tiên và là chương trình phát triển liên Triều duy nhất còn lại. Hầu như tất cả những mối quan hệ liên Triều và những chương trình hỗ trợ đã bị cắt đứt vào năm 2010 sau khi Hàn Quốc cáo buộc Bắc Triều Tiên đánh chìm một tàu chiến hải quân và giết chết 46 thủy thủ của nước này.

Tư liệu - Công nhân Bắc Triều Tiên làm việc trong Khu Công nghiệp Kaesong, tháng 12 năm 2013.
Tư liệu - Công nhân Bắc Triều Tiên làm việc trong Khu Công nghiệp Kaesong, tháng 12 năm 2013.

Để những chế tài có hiệu quả, sự hỗ trợ của Trung Quốc, nước che chở và đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên và cũng là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, được coi là thiết yếu.

Nhưng Bắc Kinh đã miễn cưỡng ủng hộ những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng nói rằng chương trình vũ khí hạt nhân của họ là cần thiết cho quốc phòng và không thể thương lượng được.

Đầu năm 2009, Bình Nhưỡng rút khỏi cuộc "đàm phán sáu bên" với Washington, Seoul, Tokyo, Bắc Kinh và Moscow nhằm loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này để đổi lấy viện trợ kinh tế và những bảo đảm an ninh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG