Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng Ukraine ảnh hưởng tới kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ


Cảng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng ở Marmara Ereglisi, miền tây Thổ Nhĩ Kỳ
Cảng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng ở Marmara Ereglisi, miền tây Thổ Nhĩ Kỳ
Với cuộc khủng hoảng ở Ukraine trầm trọng hơn, lo ngại đang gia tăng ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ về những hệ lụy kinh tế. Nhưng theo thông tín viên Dorian Jones tường trình từ Istanbul, Ankara cũng nhìn thấy những cơ hội.

Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đang đặt nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế ngày càng khó khăn, vì nước này có quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với cả những đồng minh phương Tây và Moscow.

Ông Sinan Ulgen, học giả tại Viện Carnegie châu Âu đặt tại Brussels, cho biết có những rủi ro đáng kể đối với Thổ Nhĩ Kỳ:

"Nguy cơ kinh tế chính trị đang gia tăng, vì phương Tây càng kiên quyết lập trường với Nga, càng nói nhiều về những biện pháp trừng phạt bao nhiêu, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng khó giữ cân bằng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây."

Mặc dù Ankara chỉ trích vụ sáp nhập Crimea của Moscow, họ chưa theo bước những đồng minh phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga, thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một động thái được coi là một cử chỉ thiện chí của Ankara đối với Moscow, hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ đã loan báo nối lại những chuyến bay tới Crimea. Trong khi các nhà quan sát nói rằng Ankara cố đứng ngoài lề, ông Inan Demir, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Finansbank, cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể tránh khỏi hệ lụy về tài chính từ cuộc khủng hoảng. Ông nhận định:

"Nếu căng thẳng leo thang hơn nữa thì có lẽ nhà đầu tư sẽ phải suy xét lại, và điều đó cũng sẽ không có lợi cho những thị trường mới nổi. Mặc dù có cơ hội luồng vốn chảy ra từ Nga sẽ tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ, tôi cho là tâm lý đầu tư ở những thị trường đang nổi sẽ yếu hơn và điều đó cũng sẽ có ảnh hưởng gián tiếp tới Thổ Nhĩ Kỳ."

Vì Nga cung cấp phân nửa nhu cầu khí đốt thiên nhiên cho Thổ Nhĩ Kỳ mà phần nhiều trong số đó là từ một đường ống chạy ngang qua Ukraine, các nhà phân tích cảnh báo nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị gián đoạn.

Năng lượng cũng tiêu biểu cho tiềm năng ảnh hưởng mạnh mẽ của Moscow đối với Ankara, giống như phần còn lại của châu Âu, theo lời nhà tư vấn chính trị Atilla Yesilada thuộc tổ chức Global Source Partners. Nhưng ông Yesilada nói cuộc khủng hoảng Ukraine cuối cùng có thể làm lợi cho Ankara. Ông phân tích:

"Một cách để trừng phạt hiệu quả Nga là tạo ra sự thay thế độc quyền của Gazprom ở hầu hết những dịch vụ khí đốt thiên nhiên châu Âu và đó có thể đẩy nhanh việc xây dựng đường ống dẫn khí ở khu vực Iraq-Kurd tới Thổ Nhĩ Kỳ, rồi cuối cùng là thuyết phục Ankara giúp giữ gìn hòa bình với đảo Cyprus và hòa giải với Israel, để có thể xây dựng đường ống ngầm dưới biển tới Thổ Nhĩ Kỳ."

Cyprus và Israel gần đây vừa phát hiện trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn và các nhà phân tích nói rằng nó có thể giúp châu Âu đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Nhưng hay biết tin châu Âu bàn thảo về chuyện đa dạng hóa nguồn cung, Gazprom đang tìm cách tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, khách hàng lớn thứ hai của họ sau Đức.

Tuần này phó chủ tịch Gazprom, Alexander Medvedev, đã hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz để mở rộng hợp tác giữa hai nước.

Trong khi cuộc khủng hoảng đang trầm trọng đi ở Ukraine đặt ra những rủi ro kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong ngắn hạn, các nhà phân tích dự đoán cuối cùng cuộc khủng hoảng có thể là chất xúc tác giúp Ankara đạt được mục tiêu chiến lược trọng yếu của mình là trở thành trung tâm năng lượng của khu vực.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG