Đường dẫn truy cập

Liên Hiệp Quốc: IS phạm các tội ác chống nhân loại


Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneve
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneve

Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp bảo vệ các nhóm thiểu số ở Iraq chống lại sự ngược đãi của các phần tử chủ chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo. Các giới chức Liên Hiệp Quốc nói các hành động tàn ác rộng khắp và bừa bải nhắm vào các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo là những tội ác chống nhân loại. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA về phiên họp khẩn của hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva.

Một phần ba trong số 44 nước thành viên của hội đồng Liên Hiệp Quốc phải yêu cầu hội đồng triệu tập một phiên họp đặc biệt. Trong trường hợp này, 2 phần ba số thành viên bỏ phiếu thuận cho cuộc tranh luận khẩn trương về tình hình ở Iraq, cho thấy mức độ ghê tởm và quan ngại trước những vi phạm của các phần tử cực đoan hồi giáo, còn gọi là ISIL.

Liên Hiệp Quốc nói có ít nhất 850 ngàn người đã bỏ chạy khỏi sự tàn sát của Nhà nước Hồi giáo đến vùng của người Kurd ở bắc bộ Iraq. Để nêu bật những nguy cơ, tổ chức thế giới nêu ra 180 ngàn người Cơ đốc giao, Yazidi và các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc vì mạng sống của mình đã bỏ trốn khỏi nơi đó trong 1 ngày.

Phó Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Flavia Pansieri mô tả chi tiết đau đớn mà nhiều vụ vi phạm đang do phe chủ chiến tiến hành, kể cả những vụ giết người có mục tiêu, những vụ cưỡng bức cải đạo, những vụ bắt cóc, bắt làm nô lệ, những vụ sách nhiễu tình dục và thể chất, và tra tấn.

Bà lên án những người theo đạo Hồi là tiến hành một cách tàn nhẫn các hành vi đi tới mức thanh tẩy sắc tộc và tôn giáo ở các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của họ.

Bà Pansieri nói tác động của vụ xung đột đối với trẻ em ở Iraq thật là tàn khốc. Bà nói nhiều em đã phải chịu đựng sự hành hạ thể xác và tình dục và bị các phần tử chủ chiến buộc phải tham gia chiến đấu. Bà nói những đứa trẻ này sẽ mang vết thương tật suốt đời.

Bà Pansieri nói: “Các gia đình đã báo cáo việc ISIL cưỡng bức tuyển mộ các em trai mới có 15 tuổi. Một số các em này sau đó đã tìm cách trốn thoát và kể lại cho gia đình rằng các em đã bị đưa ra những tuyến đầu trong các cuộc hành quân để làm lá chắn cho các chiến binh ISIL; các em khác nói các em đã buộc phải hiến máu để chữa trị cho các chiến binh bị thương. Binh lính trẻ em đã bị đặt tại các chốt kiểm soát bất hợp pháp do ISIL dựng lên, và cũng do các nhóm vũ trang khác đang hoạt động ở Baghdad và các khu vực khác.”

Giới chức Liên Hiệp Quốc giữ chức chủ tịch Uỷ ban Phối hợp các Thủ tục Đặc biệt, ông Chaloka Beyani nói Nhà nước Hồi giáo cũng đang tấn công các cơ sở quan trọng về tôn giáo hay văn hoá. Ông nói nhóm này đang tìm cách xoá bỏ hàng ngàn năm di sản văn hoá và tôn giáo bằng cách san bằng hay cho nổ tung các đền thờ và các nơi thờ phượng khác.

Ông Beyani cũng bày tỏ sự quan ngại về các báo cáo vi phạm nhân quyền do lực lượng an ninh Iraq gây ra, mà theo ông, có thể đi tới mức tội ác chiến tranh.

Ông nói: “Thông tin nhận được cũng tố cáo lực lượng an ninh Iraq còn can dự vào nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng quyền sống trong bối cảnh các diễn biến mới đây, kể cả việc pháo kích các khu dân sự gây ra nhiều cái chết và thương tích cũng như giết hại những người bị giam giữ. Tất cả những người có hành động phải tuân thủ luật pháp quốc tế và phải nhận lãnh trách nhiệm về các tội ác đã phạm.”

Các giới chức Liên Hiệp Quốc nói bất cứ ai phạm các tội ác chống nhân loại hay tội ác chiến tranh đều phải nhận lãnh trách nhiệm. Một nghị quyết trước hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền khẩn trương cử một phái bộ điều tra những vụ vi phạm và lạm dụng luật nhân quyền quốc tế theo như lời tố giác do Nhà nước Hồi giáo và các tổ chức khủng bố khác gây ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG