Đường dẫn truy cập

Mỹ hoan nghênh hiệp định an ninh song phương với Afghanistan


Cố vấn An ninh Quốc gia Afghanistan Hanif Atmar (phải) và Đại sứ Mỹ tại Afghanistan James Cunningham (trái) ký hiệp định an ninh song phương tại Dinh Tổng thống ở Kabul, ngày 30/9/2014.
Cố vấn An ninh Quốc gia Afghanistan Hanif Atmar (phải) và Đại sứ Mỹ tại Afghanistan James Cunningham (trái) ký hiệp định an ninh song phương tại Dinh Tổng thống ở Kabul, ngày 30/9/2014.

Hoa Kỳ hoan nghênh việc ký kết hiệp định an ninh song phương với Afghanistan và nói rằng đây là 'bước quan trọng nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước'. Hiệp định này được ký kết hôm thứ ba trong lúc chỉ còn 3 tháng nữa là liên minh NATO sẽ chính thức kết thúc hoạt động tác chiến ở quân đội Nam Á này. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên VOA Victor Beattie.

Cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama, ông John Podesta, đã tỏ ý hoan nghênh hiệp định cho phép một số binh sĩ của Mỹ và của liên minh NATO lưu lại Afghanistan sau ngày 31 tháng 12, là ngày Lực lượng Quốc tế Hỗ trợ An ninh chấm dứt nhiệm vụ tác chiến của họ ở Afghanistan sau 13 năm.

"Hiệp định An ninh Song phương tạo ra khuôn khổ pháp lý để Hoa Kỳ tiếp tục huấn luyện, cố vấn và trợ giúp các lực lượng an ninh quốc gia của Afghanistan, ngõ hầu các phần tử khủng bố không bao giờ có thể dùng Afghanistan để tấn công nước Mỹ hoặc các nước đồng minh của Mỹ. Việc tiếp tục mối quan hệ đối tác an ninh của chúng ta sẽ giúp Afghanistan bảo vệ những tiến bộ đã đạt được trong các lãnh vực giáo dục, y tế, nhân quyền và cơ hội kinh tế."

Cuộc đàm phán về hiệp định an ninh này đã bắt đầu vào tháng 11 năm 2012 với mục tiêu là có được một thỏa thuận vào tháng 5 năm 2013. Tuy nhiên, cuộc thương thuyết với cựu Tổng thống Hamid Karzai đã gặp nhiều trở ngại và ông đã nhất định không chịu ký kết hiệp định mà chỉ muốn để cho người kế nhiệm ông làm việc đó. Tiến trình bầu cử có nhiều tranh cãi của Afghanistan cũng đã làm cho việc ký kết bị trì hoãn thêm nữa.

Ông Arturo Munoz, một nhà phân tích tình hình Nam Á của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nói rằng một trong những vấn đề khó khăn là vai trò của lực lượng Mỹ/NATO trong những cuộc hành quân tác chiến trong tương lai.

"Trong nhiều năm nay họ kiên quyết cho rằng sẽ không có một vai trò tác chiến, rằng nhiệm vụ chính của họ là hỗ trợ cho quân đội Afghanistan và huấn luyện và cố vấn. Một vấn đề lớn chưa được giải quyết là lực lượng ở lại này sẽ có một bộ phận biệt kích để tiếp tục thực hiện những vụ đột kích chống lại các nghi can khủng bố. Đối với người Afghanistan, có một vấn đề gây bức xúc là việc binh sĩ nước ngoài xông vào nhà của người Afghanistan vào ban đêm để tìm kiếm các nghi can khủng bố. Họ tố cáo là những vụ đột kích đó đôi khi dựa trên tình báo sai lạc hay đột kích lầm nhà."

Hiệp định cho phép một số binh sĩ của Mỹ và của liên minh NATO lưu lại Afghanistan sau ngày 31/12.
Hiệp định cho phép một số binh sĩ của Mỹ và của liên minh NATO lưu lại Afghanistan sau ngày 31/12.

Ông Munoz nói rằng có một cách để giải quyết là để cho các binh sĩ Mỹ/NATO đi chung với các lực lượng an ninh Afghanistan, là những người sẽ dẫn đầu trong những vụ đột kích như vậy.

Theo dự liệu, một hiệp định tương tự có tên là Hiệp định về Qui chế của các lực lượng, gọi tắt là SOFA, sẽ được tân chính phủ ký kết với NATO.

Chính phủ của Tổng thống Obama cho biết lực lượng được giảm thiểu sẽ có hai mục tiêu là huấn luyện cho các lực lượng an ninh

Afghanistan và thực hiện những cuộc hành quân chống khủng bố nhắm vào al-Qaida. Các giới chức ở Washington nói rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ giảm phân nửa vào cuối năm 2015 qua việc giảm bớt quân số ở Kabul và Căn cứ Không quân Bagram. Đến cuối năm 2016, sự hiện diện quân sự sẽ giảm xuống tới mức bình thường tại đại sứ quán ở Kabul để cung cấp thiết bị và cố vấn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm qua đã trả lời như sau khi được hỏi là lực lượng Mỹ, dự kiến khoảng 9.800 người sau năm 2014, có đủ để giúp Afghanistan chống phe Taliban hay không.

"Có một bộ phận huấn luyện đang được thực hiện. Và như quí vị đã biết, người Afghanistan đã nắm giữ vai trò lãnh đạo, và chúng tôi đang tiếp tục thực thi điều đó trong những tháng sắp tới. Chúng tôi có quyết tâm và cảm nhận một cách mạnh mẽ về việc tiến về phía trước với sự chấm dứt của tình huống chính trị này cũng như với sự ký kết Hiệp định An ninh Song phương để chúng tôi có thể tiếp tục mối quan hệ đối tác đó. Dĩ nhiên, hiệp định này phải được thực thi và chúng tôi cần phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để có thể đạt được mục tiêu."

Ông Munoz cho rằng sự hiện diện của binh sĩ Mỹ và NATO sau năm 2014 có tầm quan trọng vượt khỏi vai trò quân sự.

"Nó không chỉ giới hạn ở việc huấn luyện và cố vấn quân sự, vốn là nhiệm vụ chính của họ, mà họ cũng mang lại cho tất cả các quốc gia và tổ chức cấp viện Tây phương đang cung cấp tiền bạc cho chính phủ Afghanistan một sự bảo đảm là sẽ có ổn định và chính phủ Afghanistan sẽ không theo đuổi một lập trường chống Tây phương như chính phủ trước đây ở Iraq đã làm."

Một nhà phân tích khác của RAND Corporation, ông Jonah Blank, cho rằng lực lượng Mỹ/NATO đó rất quan trọng vì cuộc chiến chống al-Qaida và Taliban tiếp tục diễn ra một cách kịch liệt.

Hiện trường sau một vụ đánh bom tự sát tại Kabul. Số binh sĩ và cảnh sát Afghanistan bị Taliban giết hại nhiều hơn con số của bất kỳ năm nào trong những năm sau khi Taliban bị lật đổ
Hiện trường sau một vụ đánh bom tự sát tại Kabul. Số binh sĩ và cảnh sát Afghanistan bị Taliban giết hại nhiều hơn con số của bất kỳ năm nào trong những năm sau khi Taliban bị lật đổ

"Việc Hoa Kỳ và các nước đối tác khác tiếp tục hiện diện ở đó không có nghĩa là cuộc chiến này sẽ dễ dàng. Năm nay, số binh sĩ và cảnh sát Afghanistan bị phe Taliban giết hại nhiều hơn con số của bất kỳ năm nào trong những năm sau khi Taliban bị lật đổ và không có dấu hiệu nào cho thấy Taliban sẽ giảm bớt cường độ của cuộc chiến."

Ông Blank nói rằng cuộc trắc nghiệm thật sự cho lực lượng Mỹ/NATO ở lại Afghanistan sau năm 2014 là phải chăng họ có thể thành công trong việc giúp cho các lực lượng an ninh Afghanistan giữ cho nước này không quay lại với những ngày đen tối của thập niên 1990, khi phe Taliban nắm quyền. Ông nói rằng nếu họ thất bại thì đó là điều bất hạnh cho Afghanistan và cho cả cộng đồng quốc tế.

VOA Express

XS
SM
MD
LG