Đường dẫn truy cập

Mỹ, Nhật, Hàn áp đặt thêm chế tài đối với Triều Tiên


Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và Nhật Bản họp thượng đỉnh tại Trại David, Maryland, ngày 18/8/2003.
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và Nhật Bản họp thượng đỉnh tại Trại David, Maryland, ngày 18/8/2003.

Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang áp đặt các chế tài mới đối với các cá nhân và công ty tạo điều kiện cho các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và phi đạn đạn đạo của Triều Tiên, sau vụ phóng vệ tinh do thám thất bại của Bình Nhưỡng vào tuần trước – nỗ lực thứ hai trong năm nay.

Động thái này cũng được đưa ra sau cuộc tập trận của Triều Tiên diễn tập chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và một cuộc tập trận tấn công hạt nhân chiến thuật vào đầu tuần này.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 1/9 nói họ đã chế tài Công ty Phát triển Chương trình Ryu Kyong của Triều Tiên và 5 cá nhân có liên quan đến công ty đó, bao gồm cả giám đốc của công ty, Ryu Kyong-chol và 4 người khác từ các văn phòng chi nhánh ở Trung Quốc.

Theo Bộ này, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên chế tài các cá nhân và công ty vừa kể vì các hoạt động bao gồm giúp Triều Tiên phát triển vệ tinh và máy bay không người lái.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 1/9 cho biết họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 3 nhóm và 4 cá nhân liên quan đến hoạt động phát triển hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Matsuno Hirokazu, nói với các phóng viên sau cuộc họp Nội các rằng chính phủ sẽ tiếp tục tìm cách phi hạt nhân hóa Triều Tiên và phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Tại Washington, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ hôm 31/8 đã nhắm mục tiêu vào hai cá nhân và một thực thể: Jon Jin Yong, Sergey Mikhaylovich Kozlov và công ty Intellekt có trụ sở tại Nga trong một thông báo chế tài riêng.

Họ bị cáo buộc tham gia “tạo doanh thu cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phát triển bất hợp pháp vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và phi đạn đạn đạo.”

Mỹ, Nhật, Hàn cam kết tiếp tục hợp tác với các đồng minh để chống lại các hoạt động gây bất ổn của Triều Tiên, với lý do việc nước này sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo là vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cảnh giác với Triều Tiên

Một số nhà phân tích cảnh báo các vụ phóng phi đạn của Triều Tiên trong những tháng gần đây cho thấy tiến bộ công nghệ đáng kể.

Vào tháng 7, Triều Tiên đã thử thành công phi đạn đạn đạo xuyên lục địa ICBM mới nhất, Hwasong-18, đánh dấu lần phóng ICBM sử dụng nhiên liệu rắn thứ hai của Triều Tiên sau vụ thử nghiệm đầu tiên vào ngày 13/4.

“Một phi đạn đẩy nhiên liệu rắn có thể được di chuyển như một phi đạn riêng lẻ, nó không cần bất kỳ phương tiện hỗ trợ nào. Nó có thể được phóng trong vòng chưa đầy một phút. Vì vậy, ngay cả khi bạn đã tìm thấy nó và có thể đang theo dõi nó, bạn cũng có thể không thể phá hủy nó [kịp thời],” ông Theodore Postol, giáo sư danh dự về khoa học, công nghệ và chính sách an ninh quốc gia tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết.

Ông Postol nói với đài VOA: “Đây là một phương tiện rất đáng tin cậy để tấn công Hoa Kỳ hoặc Châu Âu”.

Nhưng làm thế nào Triều Tiên có thể đạt được bước đột phá đáng kể như vậy?

Ông Go Myong-Hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Seoul, cho biết nhiều chuyên gia nghi ngờ Triều Tiên đã nhận được công nghệ nhiên liệu rắn từ bên thứ ba.

“Triều Tiên là một quốc gia nghèo tài nguyên. Và có những thứ khác Triều Tiên sẽ cần sử dụng thời gian, nguồn lực hoặc nhân lực để tái phát minh. Về động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, Triều Tiên không cần phải mất thời gian để chế tạo cái đã có,” ông nói với VOA ngày 1/9.

Ông Go nói: “Việc kiểm tra và phân tích dữ liệu nguồn mở cho thấy có nhiều điểm tương đồng giữa phi đạn Triều Tiên và các hệ thống của Nga, đặc biệt là Hwasong-18”.

Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đoàn kết

Vào ngày 18 tháng 8, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã công bố “Các nguyên tắc của Trại David” sau hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa lãnh đạo ba bên, nơi ba đồng minh cho biết họ “đoàn kết” trong cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên theo khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nhưng “vẫn cam kết đối thoại với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.”

Theo các chuyên gia khu vực, hợp tác giữa ba nước có thể rất hiệu quả trong việc ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp chảy vào Triều Tiên.

Ông Park Won-gon sống ở Seoul, là giám đốc Viện Nghiên cứu Thống nhất tại Đại học Phụ nữ Ewha nói với VOA rằng Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong những năm qua trong việc “ngăn chặn Triều Tiên kiếm tiền thông qua các nguồn nhân sự công nghệ thông tin, tiền điện tử và tin tặc bất hợp pháp.”

Ông Park Won-gon nói: “Đây thực sự là tiền để cai trị của [lãnh đạo Triều Tiên] Kim Jong-un”. “Nếu nguồn tiền cai trị bị gián đoạn, Triều Tiên sẽ có ít tiền hơn để chi cho các chương trình hạt nhân, phi đạn và nền kinh tế tổng thể, đây có thể là động lực để Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG