Đường dẫn truy cập

Mỹ tiếp tục giúp Việt Nam xử lý đất nhiễm độc dioxin


Giới chức chính phủ Mỹ và Việt Nam tham gia buổi lễ đánh dấu giai đoạn kế tiếp của công cuộc dọn sạch Chất Da Cam, ngày 19 tháng 4, 2014. (Marianne Brown/VOA)
Giới chức chính phủ Mỹ và Việt Nam tham gia buổi lễ đánh dấu giai đoạn kế tiếp của công cuộc dọn sạch Chất Da Cam, ngày 19 tháng 4, 2014. (Marianne Brown/VOA)
ĐÀ NẴNG — Các giới chức chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam ngày thứ Bảy tham gia buổi lễ đánh dấu giai đoạn kế tiếp của công cuộc dọn sạch một trong những di sản chết chóc nhất của chiến tranh Việt Nam - Chất độc Màu Da Cam.

Chất diệt cỏ này được quân đội Hoa Kỳ phun như chất khai quang để hủy diệt những khu rừng làm nơi ẩn nấp của quân đội cộng sản. Dioxin, phụ phẩm của chất khai quang này với độc tố cao, được cho là có liên hệ với những chứng bệnh như tiểu đường, ung thư và dị tật bẩm sinh.

Dự án trị giá 84 triệu USD, chính thức được khởi động vào năm 2012, nhằm mục đích dọn sạch đất nhiễm độc bằng cách nung ở nhiệt độ cao.

Hôm thứ Bảy, một nhóm những thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ tập trung tại một trong 28 nơi được gọi là “điểm nóng” dioxin tại Việt Nam, một căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Đà Nẵng nơi Chất Da Cam từng được lưu trữ. Họ bấm nút khởi động lớn để khởi sự việc tẩy độc.

“Chúng tôi xây một cơ sở xử lý to gần bằng một sân bóng bầu dục và đổ đầy 45.000 mét khối đất bị nhiễm chất dioxin," Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói.
Bể chứa đất nhiễm dioxin tại căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Đà Nẵng, ngày 19 tháng 4, 2014. (Marianne Brown/VOA)
Bể chứa đất nhiễm dioxin tại căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Đà Nẵng, ngày 19 tháng 4, 2014. (Marianne Brown/VOA)

"Bắt đầu ngày hôm nay đất nhiễm độc sẽ được nung ở nhiệt độ cực kỳ cao để tiêu hủy chất dioxin. Sau khoảng 4 tháng đất sẽ được thử nghiệm để xác nhận những mục tiêu dọn sạch của dự án đã được hoàn thành,” ông nói tiếp.

Hàn gắn những vết thương của chiến tranh vẫn là một vấn đề quan trọng đối với hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao gần 20 năm trước. Công cuộc dọn chất da cam là biểu tượng cho sự tiến bộ và hợp tác giữa hai chính phủ.

Theo Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, người dẫn đầu phái đoàn Quốc hội Mỹ, nói dự án có 4 mục tiêu:

“Trước tiên là loại bỏ mối nguy hiểm của chất dioxin đối với những người dân sống ở đây. Thứ hai là chứng tỏ sau nhiều năm, Hoa Kỳ không làm ngơ vấn đề này, chúng tôi quay trở lại để giải quyết. Thứ ba là hai nước chúng ta có thể làm việc với nhau về vấn đề mà từ hơn 3 thập niên nay vẫn là một trở ngại để quan hệ hai nước được tốt hơn. Thứ tư là chúng tôi muốn cải thiện những dịch vụ cho những người khuyết tật, bất kể nguyên nhân là gì, gồm cả những khuyết tật có thể do chất da cam gây ra.”

Một đánh giá về môi trường đang được thực hiện tại một căn cứ không quân cũ khác là Biên Hòa.

Mỹ né tránh trách nhiệm

Trong khi Hoa Kỳ tiếp tục đổ tiền tài trợ việc dọn sạch Chất độc Màu Da Cam và giúp những người khuyết tật tại Việt Nam, Washington chưa bao giờ nhận trách nhiệm về những vấn đề sức khỏe do chất dioxin gây ra.

“Hoa Kỳ đang cố tránh bồi thường từng trường hợp một bằng cách lập luận rằng cơ sở khoa học không rõ ràng. Luật sư biện hộ giỏi sẽ lập luận rằng không biết được gene di truyền của những người đó là thế nào," Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Australia bình luận.

Vào năm 2004, một nhóm người Việt Nam đã đệ đơn kiện những công ty hóa chất sản xuất Chất Da cam ra tòa ở Mỹ, nhưng thẩm phán liên bang đã bác vụ kiện này với lý do việc sử dụng chất khai quang không vi phạm luật quốc tế vào thời đó.

Hoa Kỳ cũng hỗ trợ trong những chương trình nhằm đối phó với đạn chưa nổ và mìn còn sót trong đất ở Việt Nam.

Tuy nhiên cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều chưa ký Hiệp ước Cấm Mìn bẫy năm 1997, Việt Nam nêu ra những quan ngại về an ninh quốc gia, đặc biệt là an ninh biên giới.

Một chuyên viên làm việc trong lĩnh vực dọn sạch đạn chưa nổ không muốn nêu tên nói, đó là vì Việt Nam không muốn dọn mìn ở vùng biên giới với Trung Quốc.

Dù dự án dọn Chất Da Cam khiến nhiều người suy ngẫm về những vết thương chiến tranh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh nói đây là cơ hội nhìn về tương lai.

Tướng Vịnh nói ông tin sự thành công của dự án Chất Da cam không chỉ để khắc phục những hậu quả của quá khứ, mà nó là con đường mở đến những tương lai hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

“Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang đã khởi động mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt vào mùa hè năm ngoái. Tôi không nghĩ ra có điển hình nào cho mối quan hệ thân hữu ngày càng lớn mạnh của chúng ta lại tốt hơn là chính dự án này,” Đại sứ Shear nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG