Đường dẫn truy cập

Tổng thư kí NATO giục các nước thành viên cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine


Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg (giữa) phát biểu với các phóng viên ở đảo Capri của Ý, ngày 18 tháng 4 năm 2024, nơi ông đang tham dự hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao G7.
Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg (giữa) phát biểu với các phóng viên ở đảo Capri của Ý, ngày 18 tháng 4 năm 2024, nơi ông đang tham dự hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao G7.

Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg ngày 19/4 thúc giục các nước thành viên cung cấp thêm hệ thống phi đạn Patriot cho Ukraine trong lúc Tổng thống Volodymyr Zelenskyy lặp lại lời kêu gọi gần như hàng ngày của Kyiv xin thêm thiết bị phòng không của phương Tây.

“NATO đã vạch ra các khả năng hiện có trong khắp liên minh và có những hệ thống có thể cung cấp được cho Ukraine,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên sau cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng quốc phòng từ liên minh 32 nước mà ông Zelenskyy tham dự từ xa.

Không quân của Nga mạnh hơn Ukraine rất nhiều, nhưng các hệ thống phi đạn tinh vi mà các đối tác phương Tây cấp cho Kyiv là mối đe dọa lớn cho Nga trong khi lực lượng của nước này đang dần tiến quân dọc theo chiến tuyến dài khoảng 1.000 km trong cuộc chiến.

Kyiv đang xin ít nhất bảy khẩu đội Patriot. Ông Stoltenberg từ chối cho biết nước NATO nào có hệ thống phòng không hoặc có thể có bao nhiêu hệ thống, nói rằng đây là thông tin bảo mật, nhưng ông nhấn mạnh ông mong các nước sẽ sớm ra thông báo hỗ trợ mới, không chỉ Patriot.

“Các đồng minh phải lục sâu trong kho dự trữ của mình và tăng tốc cung cấp phi đạn, pháo và đạn dược. Ukraine đang sử dụng vũ khí mà chúng ta cung cấp để tiêu diệt khả năng chiến đấu của Nga. Điều này làm cho tất cả chúng ta an toàn hơn,” ông nói.

“Hỗ trợ Ukraine không phải là từ thiện. Đó là đầu tư vào an ninh của chính chúng ta,” ông Stoltenberg nói thêm.

Các khẩu đội phi đạn Patriot có thể mất hai năm để chế tạo, vì vậy các nước sở hữu chúng có thể do dự vì lý do an ninh. Đức có tổng cộng 12 hệ thống nhưng đang cung cấp ba hệ thống cho Ukraine. Ba Lan, giáp biên giới Ukraine, chỉ có hai và cần chúng để phòng thủ.

Hy Lạp, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha cũng sở hữu Patriot. Một lợi thế lớn của việc cung cấp các hệ thống do Mỹ sản xuất, ngoài tính hữu hiệu của chúng, là quân đội Ukraine đã được huấn luyện cách sử dụng.

NATO theo dõi kho vũ khí do 32 quốc gia thành viên nắm giữ để đảm bảo rằng họ có thể thực hiện các kế hoạch phòng thủ của tổ chức này trong những lúc cần thiết.

Nhưng ông Stoltenberg nói nếu giảm xuống dưới mức quy định là “cách duy nhất mà các đồng minh NATO có thể cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà cần có để tự vệ, thì đó là rủi ro mà chúng ta phải chấp nhận.”

Ngoài việc cung cấp các khẩu đội Patriot mới, ông Stoltenberg nói điều quan trọng đối với các đồng minh là đảm bảo rằng các hệ thống họ gửi được bảo trì tốt, có phụ tùng thay thế và nhiều phi đạn đánh chặn.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG