Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Kerry vận động thành lập liên minh chống Nhà nước Hồi giáo


Ngoại trưởng Ả Rập Xê-út và các viên chức tiếp đón Ngoại trưởng Kerry, 11/9/14
Ngoại trưởng Ả Rập Xê-út và các viên chức tiếp đón Ngoại trưởng Kerry, 11/9/14

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết một chính phủ mới bao gồm nhiều thành phần hơn ở Iraq sẽ có ích rất nhiều cho việc thành lập một liên minh quốc tế để chống các phiến quân Hồi giáo đang kiểm soát phần đất ở biên giới Iraq giáp với Syria. Ông Kerry cho biết như thế ngày hôm nay tại Baghdad, nơi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo mới của Iraq. T

Ngoại trưởng Kerry nói rằng vượt qua những sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Iraq và chuyển giao quyền hành chính trị một cách hòa bình giữa lúc các phần tử hiếu chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện những vụ tấn công “man rợ” là một thành quả vô cùng to lớn của các nhà lãnh đạo mới của Iraq. Nhưng công việc thực sự của họ chỉ mới bắt đầu. Ông nói:

"Thành lập một chính phủ không có ý nghĩa gì nhiều nếu chính phủ không cai trị một cách hữu hiệu hoặc không cai trị theo một cách thức bao gồm nhiều thành phần."

Sau cuộc họp với các vị tổng thống, thủ tướng và ngoại trưởng mới của Iraq, ông Kerry cho biết các nhân vật lãnh đạo này có chung quyết tâm là giải quyết những vấn đề tồn động đã lâu liên quan tới ngân sách, thể chế liên bang, chính sách dầu khí và sự bao gồm nhiều thành phần dân chúng trong lực lượng an ninh – những vấn đề mà phần lớn đã bị gạt qua một bên bởi ông Nouri al-Maliki, thủ tướng sắp rời khỏi chức vụ.

Việc ông al-Maliki gạt người Hồi giáo Sunii ra ngoài lề đã góp phần đưa tới sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo, thường được gọi tắt là ISIL. Do đó, nếu ông al-Maliki tiếp tục nắm quyền thì việc thành lập một liên minh để chống lại nhóm hiếu chiến này sẽ vô cùng khó khăn. Ngoại trưởng Kerry nói:

"Như Tổng thống Obama đã nói từ lúc đầu, một chính phủ mới bao gồm nhiều thành phần ở Iraq phải là động cơ của chiến lược của chúng ta để chống lại ISIL. Và Giám đốc quốc hội Iraq đã chấp thuận một nội các mới với các nhà lãnh đạo mới đại diện cho tất cả các cộng đồng ở Iraq, việc thành lập liên minh chống ISIL đang tiến nhanh về phía trước."

Liên minh mà ông Kerry vận động để thành lập với các cuộc thảo luận tại Ả rập Xê-út và Pháp vào tuần tới sẽ bao gồm nhiều nước khác nhau và hành động với những cách thức khác nhau. Nhưng hầu hết những vụ giao tranh lúc ban đầu sẽ diễn ra ở Iraq, nơi các lực lượng Mỹ đã thực hiện hơn 150 vụ oanh kích nhắm vào các chiến binh ISIL.

Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tân Thủ tướng Haider al-Abadi có một chủ trương rất khác với chủ trương của ông al-Maliki – đó là trao cho chính quyền tỉnh quyền hạn chủ yếu trong việc bảo vệ an ninh ở địa phương thông qua những nhân viên an ninh được tuyển mộ ở địa phương và do chính phủ trung ương vũ trang và trả lương.

Viên chức Mỹ nói thêm rằng “ông al-Maliki sẽ không đưa các đơn vị quân đội từ miền nam tới miền bắc và miền tây để đối phó với ISIL, mà chính người dân ở tỉnh Anbar sẽ đương đầu với ISIL như họ đang làm ở Haditha. Người dân ở Ninewa sẽ đối phó với ISIL ở Niwena và họ sẽ nhận được sự trợ giúp của quân đội quốc gia khi họ cần trợ giúp.”

Tuy nhiên, việc đẩy lui các chiến binh trở về Syria không phải là một giải pháp lâu dài. Tuy Thủ tướng al-Abadi nói rằng các lực lượng Iraq không thể vượt qua biên giới vào Syria, ôn cũng nói rằng “có một vai trò cho cộng đồng quốc tế, cho Liên hiệp quốc để làm việc đó,” “để hành động ngay nhằm chấm dứt sự lây lan của chứng bệnh ung thư này.”

Khi được hỏi về kế hoạch của Mỹ nhằm gia tăng sự hỗ trợ cho phe chống đối có chủ trương ôn hòa ở Syria, Ngoại trưởng Kerry nói rằng chính quyền Obama đang đề ra một “chiến lược toàn diện, với cơ sở rộng rãi” để cung cấp sự hỗ trợ thích đáng cho “những người sinh sống ở những nước đó và có quyết tâm mạnh mẽ để chống lại những gì đang xảy ra ở đó.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG