Đường dẫn truy cập

Người biểu tình Ukraine chống lại lời kêu gọi buông vũ khí


Những người biểu tình thân Nga đứng tại văn phòng dịch vụ an ninh quốc gia SBU bị chiếm ở Luhansk, miền đông Ukraine, 18/4/2014.
Những người biểu tình thân Nga đứng tại văn phòng dịch vụ an ninh quốc gia SBU bị chiếm ở Luhansk, miền đông Ukraine, 18/4/2014.
Người biểu tình thân Nga ở đông bộ Ukraine không chịu rời khỏi các rào cản mà họ đã dựng bất chấp những lời yêu cầu của tất cả các bên đề nghị họ rời khỏi các công ốc. Hoa Kỳ, Nga, Liên hiệp châu Âu và Ukraine đã công bố một thông cáo chung tại các cuộc đàm phán ở Geneva hôm thứ Năm kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp buông khí giới và rời khỏi tất cả các tòa nhà bị chiếm đóng.

Slaviansk ở đông bộ Ukraine là một trong các thị trấn được bảo vệ cẩn mật nhất đã bị các phần tử ly khai thân Nga chiếm đóng.

Nơi đây, những tay súng có vũ trang vẫn còn đi tuần hành trên đường phố. Các rào cản đang được củng cố. Bất chấp những lời kêu gọi của tất cả các bên ở Geneva đề nghị người biểu tình rời khỏi các công thự, người biểu tình nói họ đã đi tới điểm không thể quay trở lại được.

Anh Alexander là một công nhân đường sắt ở địa phương.Anh nói:

“Slaviansk nay bị vây hãm từ tất cả mọi phía. Có quân đội ở xung quanh. Và chúng tôi sẽ ở lại đây cho đến giờ chót. Nay chúng tôi đang yêu cầu liên bang hóa, chúng tôi muốn có một cuộc trưng cầu dân ý, và chúng tôi muốn dân chúng được tự mình bỏ phiếu và chọn lựa mà không có sự hiện diện của quân đội Nga, hay bất cứ ai ở đây. Nhưng nếu xảy ra chuyện gì đó, chúng tôi sẽ yêu cầu Nga can thiệp để giúp chúng tôi có một cuộc trưng cầu dân ý.”

Tại các cuộc đàm phán ở Geneva, Nga một lần nữa phủ nhận mọi sự can dự vào các vụ nổi dậy. Nhưng hôm thứ Năm, Moscow nói Nga có quyền gửi binh sĩ vào Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng đó không phải là một phương án mà họ muốn sử dụng.

Ông Lavrov: “Chúng tôi không có ý muốn đưa quân đội của chúng tôi vào Ukraine, vào vùng đất của một quốc gia bạn, vào vùng đất mà những người anh em của chúng tôi sinh sống. Ðiều này đi ngược lại với lợi ích cốt lõi của Liên bang Nga.”

Một thông cáo chung công bố sau hội nghị Geneva kêu gọi tất cả các bên tự chế tránh bạo lực, hăm dọa và hành động khiêu khích.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cảnh báo sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không chịu hành động.

Ông Kerry nói: “Chúng tôi hoàn toàn trông đợi phía Nga, như họ đã nói hôm nay rằng họ sẽ làm, chứng tỏ sự nghiêm túc bằng cách khẳng định rõ rằng các phần tử ly khai thân Nga mà họ đã ủng hộ, hãy buông vũ khí, rời khỏi các tòa nhà, và thuyết phục các đối tượng chính trị qua tiến trình hợp hiến mà thỏa thuận bảo đảm.”

Các chuyên gia nói viễn cảnh áp đặt thêm các biện pháp chế tài đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga. Moscow tuần này cảnh báo rằng nền kinh tế của Nga có thể cho thấy tỷ lệ tăng trưởng số không trong năm nay vì vụ khủng hoảng này.

Nhưng nhiều công ty toàn cầu đang vận động chống lại việc chế tài, theo ông Ben Kumar, chuyên gia phân tích tại công ty quản lý đầu tư London 71M.

Ông Kumar nói: “Ta có hiện tượng toàn cầu hóa có nghĩa là mọi nguời đều có liên hệ đến nhau. Những công ty như BP, tất cả các công ty năng lượng lớn mang tính đa quốc tới mức nếu ta bắt đầu đe dọa đóng cửa các đường dây liên lạc thương mại là họ sẽ làm ầm ĩ lên.”

Phương Tây đang hậu thuẫn cho các đe dọa chế tài bằng một sự phô trương lực lượng quân sự. Canada gửi sáu chiến đấu cơ đến khu vực để giúp tăng cường hệ thống phòng vệ NATO.

NATO đã loại trừ việc can thiệp quân sự, nhưng nói rằng việc triển khai nhắm mục đích trấn an các đồng minh ở Ðông Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG