Đường dẫn truy cập

Người Mỹ tìm câu trả lời sau vụ nổ súng tại nhà thờ


Thượng nghị sĩ Tim Scott trong buổi cầu nguyện cho các nạn nhân vụ nổ súng ở Charleston, South Carolina.
Thượng nghị sĩ Tim Scott trong buổi cầu nguyện cho các nạn nhân vụ nổ súng ở Charleston, South Carolina.

Cảnh sát đã bắt giam một nghi can trong vụ nổ súng vào một nhà thờ của người Mỹ gốc châu Phi tại Charleston, South Carolina làm 9 người thiệt mạng. Nghi can 21 tuổi người da trắng trong vụ án này bị bắt tại tiểu bang lân cận sau khi bạn bè và gia đình nhận ra nghi can trong một video giám sát. Nhiều người Mỹ, kể cả Tổng thống Barack Obama, đều bất bình về hiện tượng kỳ thị chủng tộc, bắn giết bừa bãi kéo dài trên khắp nước Mỹ.

Được thành lập vào đầu những năm 1800, nhà thờ Emanuel đã phải đối mặt với nạn kỳ thị và hận thù trong suốt lịch sử của nhà thờ. Trong thời kỳ diễn ra phong trào dân quyền, các tín đồ chỉ có thể bí mật thờ phượng và nhà thờ có lần đã bị thiêu rụi. Một nhà lãnh đạo nhà thờ da đen tại Washington nói nhà thờ tồn tại như là một biểu tượng cho sự kiên cường của người Mỹ gốc châu Phi.

Mục sư Sylvia Sumter thuộc hội thánh Unity of Washington D.C nói:

“Hội thánh và người Mỹ gốc châu Phi là những người mạnh mẽ và kiên cường, chúng tôi đã sống còn trải qua rất nhiều biến cố, chúng tôi sẽ tiếp lục lớn mạnh và đoàn kết với nhau”.

Câu hỏi trong tâm trí của nhiều người kể từ vụ nổ súng tối thứ Tư là: “Tại sao?". Tại sao có người lại mang súng vào nơi cầu nguyện và bắn những người đang thờ phượng.

Cảnh sát bắt giữ nghi phạm 21 tuổi Dylann Roof ở Shelby, North Carolina hôm 18/6/2015.
Cảnh sát bắt giữ nghi phạm 21 tuổi Dylann Roof ở Shelby, North Carolina hôm 18/6/2015.

Ông Richard Cohen thuộc Trung tâm Luật Nghèo khó miền Nam, thành phố Montgomery, bang Alabama, một nhà bênh vực cho nhân quyền trả lời câu hỏi này với Đài VOA qua Skype.

“Ở đây, chúng ta có một thanh niên trẻ bất mãn, bất bình vì những thay đổi về thành phần nhân số tại đất nước chúng ta, có thể về sự lớn mạnh của người da đen như là tổng thống Mỹ chẳng hạn và quyết định là anh ta sẽ giáng trả. Thay vì là một người không có tương lai, anh sẽ trở thành một khuôn mặt trong lịch sử thế giới giáng một đòn nặng thay mặt cho chủng tộc da trắng”.

Trong bài diễn văn ngày hôm qua, Tổng thống Barack Obama bày tỏ sự bất bình về vụ tàn sát hàng loạt này mà ông nói xảy ra thường xuyên tại nước Mỹ nhiều hơn tại bất kỳ quốc gia tiên tiến nào khác.

“Tôi đã phải đưa ra những lời tuyên bố như thế này quá nhiều lần rồi. Những cộng đồng như thế này phải chịu đựng những thảm kịch như thế này quá nhiều lần rồi”.

Nghi can trong vụ nổ súng tại nhà thờ được biết đã nhiều lần bày tỏ sự tán dương những biểu tượng và những tổ chức xem người da trắng như siêu việt. Anh ta học kém và không có việc làm hay bằng lái xe. Cảnh sát bắt nghi can tại North Carolina và đã mở một cuộc điều tra về tội hận thù. Người Mỹ gốc châu Phi trên toàn nước Mỹ lấy làm kinh hoàng về tội phạm này.

Mục sư Leroy Gilbert thuộc Hội thánh Báp-tít Mt. Gilead nói:

“Vụ việc này không những ảnh hưởng đến nhiều gia đình mà còn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, không những người da đen mà cả người da trắng, da vàng, tất cả mọi người. Vụ này liên hệ đến tất cả chúng ta vì chúng ta phải tự hỏi là có phải chúng ta góp phần gây nên sự kiện này hay không? Và điều gì chúng ta đã không làm để có thể ngăn ngừa việc này xảy ra?”.

Nhưng nhiều người Mỹ đã tập họp tại thủ đô và các nơi khác để tỏ tình đoàn kết chống lại nạn hận thù chủng tộc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG