Đường dẫn truy cập

Nhật Bản tìm cách bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông


Tổng thống Philippine Ferdinand Marcos Jr., (trái) họp thưởng đỉnh với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo, ngày 9/2/2023.
Tổng thống Philippine Ferdinand Marcos Jr., (trái) họp thưởng đỉnh với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo, ngày 9/2/2023.

Nhật Bản sắp cải thiện quan hệ đối tác chiến lược với Philippines tại cuộc gặp ba bên sắp tới với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila.

Lãnh đạo ba nước sẽ gặp nhau vào ngày 11/4 tại Washington, dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh hàng hải vốn đang đưa Nhật vào một vai trò quân sự mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tháng trước, Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng để cản trở Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, một cuộc tấn công mà Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. gọi là “bất hợp pháp, uy hiếp” và cần có các biện pháp đối phó.

Theo ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp khoảng cách địa lý của Nhật với Biển Đông, lợi ích quốc gia của Nhật Bản nằm ở việc bảo vệ hòa bình trên toàn khu vực.

“Theo quan điểm của Philippines, Nhật Bản là đối tác quan trọng thứ hai của Manila ở Biển Đông, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, vì cam kết cao của Nhật Bản trong việc giữ cho vùng biển này không bị Trung Quốc thống trị; vì tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh mẽ của Nhật Bản; và vì cự ly của Nhật với Biển Đông,” ông nói với đài VOA.

Bảo vệ sự thống trị khu vực

Tự do hàng hải trong khu vực biển này là rất quan trọng đối với Nhật Bản, quốc gia chứng kiến 90% năng lượng và thương mại của họ đi qua Biển Đông. Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu dầu thô từ Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, trong khi 1/4 tổng thương mại của Nhật trong năm 2019 là từ Liên hiệp châu Âu và từ các thành viên ASEAN, vốn cũng dựa vào tuyến đường biển này.

Ông Vuving nói thêm rằng Nhật Bản đã thay đổi chiến lược từ việc chỉ phụ thuộc vào liên minh quân sự Mỹ-Nhật sang đóng vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Ông nói: “Việc bảo vệ các tuyến đường biển kết nối Nhật Bản với phần còn lại của lục địa Á-Âu là điểm nổi bật trong tầm nhìn này bởi vì các tuyến hàng hải này là một trong những huyết mạch chính trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản”.

Ông Ken Jimbo, giáo sư Đại học Keio chuyên về chính sách quốc phòng và an ninh Nhật Bản, cho biết Nhật Bản đang hướng tới việc kiểm soát sự hiện diện trên biển của Trung Quốc.

Ông nói với VOA: “Về mặt ngoại giao, [kiềm chế Trung Quốc] cho phép Nhật Bản củng cố vị thế của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác an ninh và quốc phòng chặt chẽ hơn với các nước có cùng quan điểm nhằm đối trọng với sự quyết đoán của Trung Quốc”.

Nhật Bản tuyên bố vào cuối năm ngoái rằng họ đang đàm phán với Philippines về một hiệp ước quốc phòng được gọi là Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) nhằm cung cấp hỗ trợ an ninh tăng cường.

Ông Jimbo nói: “Việc đàm phán RAA Nhật Bản-Philippines biểu thị sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc, nhằm nâng cao quan hệ quốc phòng giữa hai nước”. “Nhật Bản được coi là đồng minh hùng mạnh của Philippines, không chỉ về trang bị quân sự mà còn ở việc tăng cường khả năng tương tác và liên kết chiến lược trước những thách thức an ninh chung trong khu vực”.

Đầu năm ngoái, hai nước đã ký các điều khoản tham chiếu nhằm đơn giản hóa thủ tục để lực lượng Nhật Bản vào Philippines hỗ trợ nhân đạo.

Thêm xích mích với Trung Quốc?

Việc Nhật Bản đứng về phía Philippines và Mỹ đã tạo ra xích mích trong mối quan hệ Trung-Nhật vốn đôi khi gập ghềnh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin vào cuối tháng 3 rằng Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, kêu gọi Nhật Bản “thực hiện các hành động có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Nguồn gốc của xích mích giữa hai nước bao gồm từ sự tức giận về việc Nhật Bản sử dụng nô lệ tình dục trong Thế chiến Thứ hai cho đến việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ngoài ra còn có tranh chấp lâu dài về các đảo ở Biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Ông Jimbo cho rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Washington có thể làm căng thẳng mối quan hệ Trung-Nhật, nhưng lợi ích lớn hơn thiệt hại.

Ông nói: “Đây là một động thái có tính toán trong chiến lược khu vực rộng lớn hơn của Nhật Bản”. “Động lực của quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc rất phức tạp, với sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cùng tồn tại với sự cạnh tranh chiến lược, cho thấy cả hai quốc gia đều đã quen với việc quản lý những biến động trong mối quan hệ của mình”.

Ông Vuving cho rằng Trung Quốc khó có thể phản ứng bằng cách gia tăng căng thẳng trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Ông nói: “Những căng thẳng như vậy sẽ chỉ củng cố niềm tin của Nhật Bản trong việc tìm kiếm sự hợp tác khu vực nhằm ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực”. “Trung Quốc có thể tìm cách gây tổn hại cho Nhật Bản về mặt kinh tế, nhưng đối với Nhật Bản, sự hợp tác ba bên… giúp khắc phục cán cân quyền lực ở Biển Đông về lâu dài…và sẽ vô cùng quan trọng nếu xung đột xảy ra ở Đài Loan”.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và là một trong những đích đến đầu tư lớn nhất của các công ty Nhật Bản. Theo dữ liệu của chính phủ, Nhật Bản xuất khẩu chất bán dẫn và linh kiện điện tử sang Trung Quốc và nhập khẩu thiết bị viễn thông và máy tính từ nước này.

Các chuyên gia cho rằng sau cuộc gặp ba bên, Nhật Bản dự kiến sẽ cử tàu hải quân tuần tra cùng Mỹ và Philippines và có thể sẽ tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG