Đường dẫn truy cập

Những vụ tấn công đơn độc quy mô nhỏ nhưng khó ngăn chặn


Nhân viên điều tra có đứng bên ngoài trụ sở Quốc hội ở Ottawa sau khi xảy ra vụ nổ súng 22/10/14
Nhân viên điều tra có đứng bên ngoài trụ sở Quốc hội ở Ottawa sau khi xảy ra vụ nổ súng 22/10/14

Các phần tử chủ chiến trên khắp thế giới dường như ngày càng quay ra hành động “đơn độc” theo hình thức giống như vụ tấn công ở thủ đô Ottawa của Canada hôm thứ tư tuần này, và tại tỉnh Quebec hôm thứ hai. Theo tường trình của thông tín viên VOA Al Pessin từ London, những vụ tấn công như thế tuy ở quy mô nhỏ nhưng thường khó ngăn chặn.

Dường như một người được cho là ủng hộ viên của Nhà nước Hồi giáo đã gây ra tất cả sự hoảng loạn ở Ottawa và vụ bắn chết một binh sĩ đang canh gác ở Đài Tưởng niệm Chiến tranh thành phố. Tuy sự rối loạn lan rộng, vụ tấn công này và vụ tấn công ở Quebec – trong đó 2 binh sĩ bị hạ sát và 1 người bị cán chết bởi chiếc xe do một người vừa cải theo đạo Hồi – rõ ràng là rất khác với những vụ cướp máy bay và các vụ tấn công quy mô lớn trên khắp thế giới trong mấy thập niên vừa qua.

Loại tấn công ở quy mô nhỏ này dường như đang phổ biến trong giới chủ chiến, theo nhận định của giám đốc Viện Dịch Vụ Thống nhất Hoàng gia, ông Michael Clarke. Ông nhận định:

“Điều chúng ta chứng kiến chắc chắn kể từ khoảng năm 2006, 2007, là một phong trào ngày càng tăng dành cho những người không đặc biệt được huấn luyện kỹ càng, không phải những người có tay nghề cao về khủng bố, chỉ hành động, với động cơ dứt khoát, một mình, hay hai người.”

Và điều đó khiến khó ngăn chặn phát hiện ra họ hơn so với một nhóm lớn can dự vào một âm mưu kéo dài. Ông Clarke phân tích:

“Sự thiếu kỹ năng được bù đắp bằng sự kiện họ rất khó lường trước được. Và nếu có đủ người muốn thực hiện các vụ tấn công đơn độc, thì đương nhiên, một vài người, theo định luật trung bình, sẽ thành công.”

Nhưng điều gây lo ngại cho một số người là dường như dịch vụ an ninh biết về những kẻ tấn công ở Ottawa và Quebec.

Sự kiện đó sẽ nêu ra một số câu hỏi khó khăn, theo ông Trevor Slack thuộc công ty đánh giá rủi ro Maplecroft, trong cuộc phỏng vấn qua Skype:

“Các câu hỏi được đặt ra là vì sao, khi nào rõ ràng là những kẻ phạm tội này tìm cách đi và chiến đấu ở Syria hoặc ở Iraq cùng với Nhà nước Hồi giáo, vì sao không có thêm biện pháp để bắt giữ bọn chúng.”

Thực vậy, các chuyên gia nói các biện pháp an ninh đơn giản thường ngăn chặn được những kẻ tấn công không chuyên nghiệp như thế.

Thủ tướng Canada Stephen Harper đã đưa ra một phát biểu cứng rắn sau cuộc tấn công và ông Trevor Slack nói có phần chắc là người dân Canada ủng hộ ông:

“Tôi nghi là sẽ có sự hỗ trợ chắc chắn hơn và nhiều hơn dành cho biện pháp chống ISIS, chống Nhà nước Hồi giáo, và có lẽ, cũng có sự hậu thuẫn lớn hơn dành cho các chính sách nghiêm khắc hơn trong nước.”

Và đó chính là những gì đã xảy ra trong quá khứ, theo ông Michael Clarke, mà không cần viện tới các biện pháp an ninh trong nước vượt quá mức độ mà nhiều người sẽ chấp nhận.

“Không ai trong chúng ta muốn sống trong một xã hội mà sự theo dõi lên đến mức độ mà bất kỳ ai có thể bị cực đoan hoá sẽ tự động bị bắt. Điều chúng ta phải nói là, “Chúng ta có thể sống với một thành phần rủi ro hay không?” Và chắc chắn tại Vương quốc Anh, công chúng tương đối chấp nhận sự kiện là những việc như thế này sẽ đôi lúc xảy ra.”

Ông Clarke nói khó mà các nhóm có tổ chức hay các cá nhân đơn lẻ có thể tiến hành loại chiến dịch tấn công lâu dài có thể thay đổi chính sách của các nước tây phương chủ yếu, hay đi quá mức chấp nhận của dân chúng đối với rủi ro mà họ đã trở thành quen thuộc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG