Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama: Myanmar chưa hoàn tất cải cách


Tổng thống Mỹ Barack Obama mỉm cười trong lúc lắng nghe lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Yangon, Myanmar, ngày 14/11/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama mỉm cười trong lúc lắng nghe lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Yangon, Myanmar, ngày 14/11/2014.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã kết thúc chuyến thăm Myanmar, tức Miến Điện, với lời cảnh báo rằng những cải cách tại nước này “chưa thể coi là hoàn tất hoặc không thể đảo ngược.” Tháp tùng tổng thống, thông tín viên VOA Luis Ramirez ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ thành phố chính Yangon của Myanmar.

Tổng thống Obama đã dừng chân tại Yangon và gặp lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, khôi nguyên giải Nobel hoà bình đã bị quản thúc tại gia nhiều năm khi Myanmar còn nằm dưới chế độ quân trị.

Bà Aung San Suu Kyi đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ ngay tại căn nhà bên hồ nơi bà bị quản thúc. Sau cái ôm hôn nồng nhiệt trước ống kính, hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện với các phóng viên.

Ông Obama nhắc lại lời cảnh báo mà ông cũng đã đưa ra cho Tổng thống Myanmar Thein Sein vào ngày hôm trước.

“Rõ ràng còn rất nhiều việc cần phải làm và nhiều chọn lựa khó khăn còn nằm trước mắt. Tiến trình cải cách không thể nói là hoàn tất hay không thể đảo ngược. Đối với nhiều người, tiến bộ đã không đạt đủ nhanh hay lan đủ xa.”

Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích một điều luật trong hiến pháp cấm bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống vào năm tới vì con của bà là công dân Anh.

Ông Obama đã nêu ra những mối quan ngại của Hoa Kỳ về cách đối xử của Myanmar với các thành viên trong khối thiểu số Hồi giáo Rohingya. Đa số không được nhập tịch. Tiếp theo các vụ xung đột với các Phật tử ở bang Rakhine năm 2012, hàng ngàn người Rohingya đã bị thất tán, nhiều người bị nhốt trong các trại giam bẩn thỉu.

Đề tài này mang tính nhạy cảm về chính trị trong khối đa số dân theo Phật giáo của Myanmar. Bà Aung San Suu Kyi đã bị chỉ trích là không có lập trường về việc liệu người Rohingya có nên được nhập tịch hay không.

Tổng thống Obama chỉ trích một điều luật trong hiến pháp Myanmar cấm bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống vào năm tới vì con của bà là công dân Anh
Tổng thống Obama chỉ trích một điều luật trong hiến pháp Myanmar cấm bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống vào năm tới vì con của bà là công dân Anh

Hôm nay, bà trà lời câu hỏi của một ký giả về tình trạng của người Rohingya.

“Nếu hỏi về cách thức chúng tôi đề nghị để giải quyết tất cả những vấn đề về bạo lực giữa các cộng đồng, giữa các nhóm sắc tộc khác nhau, thì ta phải bắt đầu bằng pháp trị. Dân chúng phải cảm thấy an toàn trước khi bắt đầu nói chuyện với nhau. Ta không thể đạt được sự hài hoà mà không có an ninh. Những người cảm thấy bị đe doạ sẽ không ngồi xuống để giải quyết các vấn đề.”

Tổng thống Obama tuyên bố việc bảo đảm mọi tiếng nói của người dân Myanmar phải được nghe thấy trong tiến trình chính trị là điều cấp thiết đối với cuộc chuyển tiếp qua một thể chế dân chủ đầy đủ. Ông nói Hoa Kỳ đang chú ý xem các nhóm thiểu số tôn giáo được đối xử ra sao ở Myanmar.

“Tôi là một người vững tin rằng bất kỳ chính phủ hợp pháp nào cũng phải dựa trên pháp trị và một sự thừa nhận rất tất cả mọi người đều bình đẳng theo luật pháp, và sự phân biệt đối xử người Rohingya hay bất cứ khối thiểu số tôn giáo nào, theo tôi, đều không biểu hiện loại hình quốc gia mà về lâu về dài Miến Điện muốn trở thành.”

Đây là chuyến thăm thứ nhì của Tổng thống Obama đến Myanmar. Chuyến thăm đầu tiên là vào năm 2012; 2 năm sau khi các cuộc bầu cử đánh dấu sự cáo chung của chế độ quân trị đã kéo dài nửa thế kỷ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG