Đường dẫn truy cập

Ông Abdullah doạ rút khỏi tiến tình chính trị Afghanistan


Ứng cử viên tổng thống Afghanistan Abdullah Abdullah nói chuyện trong một cuộc phỏng vấn ở Kabul, Afghanistan
Ứng cử viên tổng thống Afghanistan Abdullah Abdullah nói chuyện trong một cuộc phỏng vấn ở Kabul, Afghanistan

Sau khi tẩy chay một cuộc kiểm tra dưới quyền giám sát của Liên Hiệp Quốc về tất cả các lá phiếu trong cuộc bầu cử phụ gây tranh cãi hồi tháng 6, người hy vọng làm tổng thống Afghanistan, ông Abdullah Abdullah nay đe doạ rút ra khỏi toàn bộ tiến trình chính trị nếu như các yêu sách của ông không được thoả mãn trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tranh cãi quanh cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan đang làm tiêu tan hy vọng về một cuộc chuyển đổi chính trị êm thắm tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Uỷ ban Bầu cử Độc lập Afghanistan (IEC) và các giới chức Liên Hiệp Quốc nói nhiều tuần lễ kiểm tra các thùng phiếu trong cuộc bầu cử vòng nhì sắp hoàn tất.

Tuần trước khi bắt đầu tiến trình xác nhận hay phủ nhận tính hợp pháp của các thùng phiếu khả nghi, ông Abdullah Abdullah đã rút các quan sát viên của ông về, và nói rằng các yêu sách của ông đòi siết chặt các tiêu chuẫn đã không được thoả mãn.

Theo yêu cầu của các giới chức Liên Hiệp Quốc, ứng cử viên đối thủ của ông Ahraf Ghani cũng rút các quan sát viên về để bảo đảm sự toàn vẹn và kết quả của cuộc kiểm tra phiếu được quốc tế theo dõi.

Các cuộc thương thuyết chính trị giữa các toán của ông Ghani và ông Abdullah tiếp tục phác thảo một khung sườn cần thiết để thành lập một chính phủ gọi là “đoàn kết dân tộc,” sau khi kết quả kiểm tra được loan báo.

Nhưng hôm nay một phát ngôn viên của cựu ngoại trưởng Abdullah cho hay các cuộc đàm phán đó đã sụp đổ, và quy trách cho phía kia về sự thất bại.

Phát ngôn viên Muslim Sadaat nói với đài VOA rằng bất kể những cam kết công khai, phe của ông Ghani đã đi ngược lại với cam kết thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Ông Sadaat nói: “Họ tiếp tục làm mất thì giờ và dân chúng rất chán ngán và mệt mỏi về tiến trình. Vì thế, chúng tôi đã định kỳ hạn là ngày mai, có nghĩa là trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu họ không đến và đồng ý với các yêu cầu và đòi hỏi của chúng tôi cả về mặt chính trị và kỹ thuật, thì chúng tôi sẽ rút ra khỏi tiến trình và bất cứ kết quả nào đạt được qua tiến trình bất hợp pháp và vô luật lệ này sẽ không được toán làm việc của chúng tôi chấp nhận.”

Ông Sadaat nói ông Abdullah sẽ mở một cuộc họp báo vào ngày mai, thứ ba, để giải thích “tiến trình có gì trục trặc và trục trặc ra sao về cả mặt chính trị lẫn kỹ thuật.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã làm trung gian cho thoả thuận hồi đầu tháng 8 giữa ông Ghani và ông Abdullah để ngăn chặn một cược khủng hoảng chính trị đồng thời thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Washington can thiệp bởi vì ông Abdullan, người về đầu vòng bầu cử tổng thống đầu tiên hồi tháng 4, phản đối kết quả sơ khởi của cuộc bầu cử vòng nhì theo đó ông Ghani về trước ông rất nhiều, và cáo buộc có nhiều gian lận. Các ủng hộ viên của ông đe doạ sẽ thành lập một chính phủ song hành ở Kabul.

Các quan sát viên như bà Lisa Curtis tại Trung tâm Nghiên cứu Á châu của Quỹ Heritage thừa nhận có nhiều điểm nghi ngờ vậy quanh kết quả cuộc bầu cử vòng nhì.

Bà Curtis nói: “Chúng ta phải chứng kiến một sự thoả hiệp với tình hình và sự tôn trọng thoả thuận mà Ngoại trưởng Kerry đã làm trung gian giữa hai nhà lãnh đạo, mà điểm chính là cho dù kết quả kiểm phiếu lại ra sao thì vẫn sẽ có một chính phủ đoàn kết trong đó người thua sẽ làm thủ tướng. Cả hai nhà lãnh đạo cần phải nhìn thấy rằng nếu một trong hai người tìm cách đánh lừa đẩy người kia ra khỏi quyền lực trong chính phủ đoàn kết này, thì cả hai đều dường như sẽ thua cuộc.”

Phe của ông Ghani đã đưa ra một số nhận định công khai về chi tiết các cuộc thương nghị chính trị nhưng ứng viên tổng thống nhất mực nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận thoả hiệp không gây phương hại đến hiến pháp Afghanistan.

Liên Hiệp Quốc hy vọng vụ kiểm tra hơn 8 triệu lá phiếu sẽ được hoàn tất trước ngày 10 tháng 9, mở đường cho việc chuyển quyền một cách dân chủ lần đầu tiên ở Afghanistan bị chiến tranh tàn phá. Một sự chuyển quyền chính trị được cho là thiết yếu trước việc triệt thoái phần lớn lực lượng quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo theo kế hoạch đã định vào cuối năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG