Đường dẫn truy cập

Ông Thưởng kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường


Chủ tịch Võ Văn Thưởng gặp Thống đốc California Gavin Newsom tại San Francisco
Chủ tịch Võ Văn Thưởng gặp Thống đốc California Gavin Newsom tại San Francisco

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tiếp xúc Thống đốc California, gặp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ, thăm đại học hàng đầu và thăm ‘Việt kiều yêu nước’ trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài bốn ngày đến Mỹ.

Ông Thưởng đang có mặt ở San Francisco theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden để tham dự Thượng đỉnh APEC và các hội nghị liên quan cũng như có các hoạt động ngoại giao song phương với Mỹ.

Trong buổi trao đổi với Liên minh Doanh nghiệp Mỹ - APEC vào ngày 15/11, ông Thưởng được báo mạng VnExpress dẫn lời nói rằng ông mong muốn các doanh nghiệp Mỹ tác động đến chính quyền Mỹ để sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, điều mà phía Mỹ đã hứa sẽ xem xét khi nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện hôm 10/9.

Nếu được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ có lợi thế trong các cuộc điều tra chống phá giá hay trợ cấp hàng xuất khẩu của Mỹ.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai nhưng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2022 xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt giá trị gần 110 tỷ đô la, chiếm gần 30% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã tiến hành điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam trong 25 trường hợp tính đến tháng 8 năm 2023, cũng theo Tổng cục Hải quan.

Ông Thưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tận dụng việc hai nước nâng cấp quan hệ để tăng cường đầu tư vào Việt Nam và hứa hẹn Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để tăng sức hấp dẫn trong mắt của nhà đầu tư nước ngoài, cũng theo VnExpress.

Trước đó, khi phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council of Foreign Relations), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được trang mạng này dẫn lời đề nghị Mỹ ‘không nên cứng nhắc theo quy định’ trong việc công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam, mà hãy vận dụng ‘quyết sách chính trị’.

Quan chức tháp tùng ông Thưởng đến Mỹ cũng phụ họa thông điệp này của ông Thưởng. Trong buổi làm việc với ông Jose Fernandez trong cùng ngày 15/11, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ có tiếng nói với Bộ Thương mại nước này đẩy nhanh việc xem xét, rà soát để tiến tới công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, theo tin của báo Đầu tư.

Ngoài ra, ông Diên cũng đề nghị Mỹ ‘khách quan, công bằng’ khi điều tra về các vụ việc mà Việt Nam bị nghi là bán phá giá hàng hóa vào thị trường Mỹ, cũng theo bản tin trên.

Trong bối cảnh đối mặt với cuộc biểu tình phản đối của cộng đồng người Việt ở Mỹ, ông Thưởng đã đến thăm gia đình của một ‘Việt kiều yêu nước’ ở Oakland gần San Francisco, tờ Tuổi Trẻ cho biết.

Theo đó, ông Thưởng đã đến thăm ông Phạm Văn Tịch, chuyên gia khoa học máy tính từ Đại học Berkeley, và gặp một số ‘kiều bào yêu nước’ khác tại nhà riêng ông Tịch vào sáng ngày 16/11.

Tuổi Trẻ cho biết ông Tịch, thành viên của Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ, có gốc gác gia đình là Việt Minh trong thời kỳ chống Pháp và bản thân ông cũng ‘sớm giác ngộ’ và tham gia các hoạt động cách mạng từ nhỏ. Ông được một gia đình Mỹ nhận nuôi sau khi bị thương nặng trong một trận bom và được các nhà thiện nguyện đưa sang Mỹ để điều trị.

Ông Thưởng được dẫn lời khẳng định rằng Việt kiều ở Mỹ ‘là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam và kêu gọi các ‘Việt kiều yêu nước’ ở Mỹ có tác động đến thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở Mỹ ‘hiểu rõ hơn về tình hình đất nước và chính sách của Đảng’.

Cũng tại San Francisco hôm 15/11, ông Thưởng đã tiếp ông Gavin Newsom, thống đốc bang California, để trao đổi về tình hình người Việt ở bang có cộng đồng người Việt đông nhất nước Mỹ, và kêu gọi bang California tăng cường hợp tác với Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, ông Thưởng cũng đã gặp Giám đốc điều hành hãng Apple, ông Tim Cook, và ông Brendan Nelson, Chủ tịch Boeing Toàn cầu, để kêu gọi các tập đoàn này tăng cường hoạt động ở Việt Nam, và đến thăm Đại học Stanford, một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ ở California, cũng theo hãng thông tấn nhà nước.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG