Đường dẫn truy cập

Tai nạn cố ý đâm rớt máy bay tác động lâu dài đến ngành hàng không


Nhân viên cứu hộ tại hiện trường tai nạn máy bay của hãng Germanwings gần Seyne-les-Alpes, Pháp, ngày 26/3/2015.
Nhân viên cứu hộ tại hiện trường tai nạn máy bay của hãng Germanwings gần Seyne-les-Alpes, Pháp, ngày 26/3/2015.

Các dấu hiệu cho thấy viên phi công phụ trên chuyến bay của hãng Germanwings đã cố ý làm rớt máy bay trên đường từ Barcelona đến Dusseldorf hôm thứ ba có thể có một tác động đối với công nghiệp hàng không. Cuộc điều tra về tai nạn nay tập trung vào các động cơ có thể thúc đẩy viên phi công phụ phá hủy chiếc máy bay và gây thiệt mạng cho 150 người.

Giới hữu trách Đức hôm qua đã lục soát căn hộ ở gần Frankfurt của Andreas Lubitz, người Đức 27 tuổi, làm phi công phụ trên chiếc Airbus 320 đã đâm vào rặng núi Alps ở Pháp hôm thứ ba tuần này.

Phát ngôn viên cảnh sát Dusseldorf Markus Niesczery cho biết: “Nhà chức trách Pháp chưa cho chúng tôi thông tin nào cụ thể có liên quan đến những gì chúng tôi đi tìm ở đây, nhưng dĩ nhiên chúng tôi sẽ lục soát toàn bộ căn hộ, và điều tự nhiên chúng tôi hy vọng là việc này sẽ cho thấy một vài dấu hiệu, chẳng hạn như những tình huống cuối cùng có thể đã dẫn tới vụ rớt máy bay, hay có lẽ một động cơ nào đó.”

Những ghi âm trên chuyến bay cho thấy có nhiều phần chắc nhất là Lubitz đã nhốt viên phi công chính bên ngoài buồng lái trước khi cố ý đâm máy bay vào một ngọn núi. Cuộc điều tra cho tới giờ này phát hiện rằng Lubitz đã có một thời kỳ bị trầm cảm, buộc anh ta phải tạm nghỉ tập bay trong 6 tháng. Trước khi trở lại tập huấn, anh ta đã qua các cuộc trắc nghiệm thể lực và tâm lý.

Các chuyên gia nói vụ rớt máy bay cho thấy rõ rằng các thủ tục còn thiếu sót.

Chuyên gia hàng không Đức Harald Stocker nhận định: "Các trắc nghiệm khả năng sẽ phải được duyệt lại. Phần tâm lý học sẽ phải được mở rộng nhiều. Nhưng trên hết, các phi công sẽ phải được chăm sóc về mặt tâm lý bên ngoài nghề nghiệp theo cách mà cho đến giờ chưa được thực hiện – tỷ như kiểm tra tâm trạng trong những cuộc kiểm tra sức khỏe thường niên, xem liệu trong đời sống họ có trải qua những khủng hoảng, lo lắng nào, hoặc có bị áp lực nào từ bên ngoài hay không. Và các phi công sẽ phải được huấn luyện để kiểm tra các đồng nghiệp, hỏi thăm xem họ có khỏe mạnh không, liệu họ có vấn đề gì không, hoặc cảm thấy bị loại trừ, công kích hay liệu họ có bị trầm cảm hay không.”

Chuyên gia hàng không người Đức Harald Stocker nói một vụ cố ý làm rơi máy bay sẽ tác động đến công nghiệp hàng không thương mại rất sâu xa không khác nào các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Ông Stocker nói tiếp: “Cho đến giờ này, chúng ta vẫn giả thiết là các phi công thương mai không có ý định tự tử, rằng họ bay một cách có trách nhiệm. Và nay chúng ta đã biết được rằng các phi công có thể giết hại 150 người trên khoang máy bay vì có các ý định tự vẫn.”

Các thủ tục an toàn thiết lập sau năm 2001 đã giúp các phi công tự cách ly mình trong buồng lái để tránh các phần tử khủng bố cướp máy bay. Ông Stocker nói quy định đó có phần chắc sẽ vẫn áp dụng, nhưng có thể phải thêm các luật lệ khác để bảo đảm an toàn.

“Ở Mỹ chẳng hạn, có quy định rằng một viên phi công không bao giờ được ở một mình trong buồng lái," ông Stocker giải thích. "Và nếu chỉ có hai phi công, thì một tiếp viên trên khoang phải trực trong trường hợp một trong 2 phi công rời buồng lái, để ít nhất có 2 người hiện diện canh chừng cho nhau.”

Dân chúng ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha hôm qua đã tưởng niệm các nạn nhân vụ rớt máy bay. Một số đã đến địa điểm tai nạn trong vùng núi Alps. Các tâm lý gia nói khi biết được ai đó cố ý gây ra cái chết cho người thân của mình sẽ gây khó khăn thêm cho việc chịu đựng sự mất mát ấy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG