Đường dẫn truy cập

Thái Lan kêu gọi vai trò ‘chủ động hơn’ của ASEAN trong việc giải quyết xung đột Myanmar


Các binh sĩ của Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen (KNLA) chuẩn bị tuần tra Myawaddy, thị trấn biên giới Thái Lan-Myanmar dưới sự kiểm soát của liên minh lực lượng nổi dậy do Liên minh Quốc gia Karen lãnh đạo, ở Myanmar, ngày 15/4.
Các binh sĩ của Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen (KNLA) chuẩn bị tuần tra Myawaddy, thị trấn biên giới Thái Lan-Myanmar dưới sự kiểm soát của liên minh lực lượng nổi dậy do Liên minh Quốc gia Karen lãnh đạo, ở Myanmar, ngày 15/4.

Thái Lan hôm 26/4 kêu gọi khối ASEAN đóng vai trò chủ động hơn trong việc tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar vốn đang do quân đội cai trị, sau nhiều tuần giao tranh gần biên giới khiến thương mại bị đình trệ và dẫn đến một làn sóng người tị nạn trong một thời gian ngắn.

Myanmar đang mắc kẹt trong cuộc nội chiến giữa một bên là quân đội và một bên là liên minh lỏng lẻo của các nhóm dân quân dân tộc thiểu số với một phong trào phản kháng được hình thành sau cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền đối với những người bất đồng chính kiến sau cuộc đảo chính năm 2021.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra kế hoạch hòa bình vào năm 2021 và có sự đồng tình của các tướng lĩnh Myanmar, nhưng kế hoạch này mới chỉ được thực hiện một phần, gây ra những rạn nứt trong khối và sự thất vọng từ các thành viên nổi bật nhất.

“Chúng tôi mong muốn thấy một ASEAN chủ động hơn,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura nói.

“Chúng tôi đã thảo luận với Lào, nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN, và Myanmar về tình hình này”.

Các binh sỹ kháng chiến Myanmar và dân quân dân tộc thiểu số đã chiếm thị trấn thương mại trọng điểm Myawaddy ở Myanmar giáp với biên giới Thái Lan vào ngày 11/4. Đây là một đòn giáng mạnh vào quân đội được vũ trang tốt đang cai trị Myanmar cũng như đang phải đối mặt với thử thách về độ tin cậy trên chiến trường.

Nhóm phiến quân kể từ đó đã rút quân sau cuộc phản công của binh lính chính phủ và giao tranh đã kết thúc kể từ đó. Thái Lan cho biết vào ngày 20/4 rằng 3.000 người đã chạy trốn qua biên giới vào nước này và tất cả, trừ 100, người đã quay trở lại Myanmar.

“Cuộc chiến giữa phe đối lập và (quân đội) đã chuyển sang Myawaddy… nó rất gần với Thái Lan và cần phải làm nhiều hơn nữa từ phía ASEAN,” ông Nikorndej nói thêm.

Thái Lan tuần này đã đề xuất một cuộc họp ASEAN về vấn đề này, trong đó sẽ có sự tham gia của nước chủ tịch tiền nhiệm Indonesia, quốc gia đang tìm cách lôi kéo sự tham dự của các đối thủ của chính quyền quân sự, và Lào cũng như nước chủ tịch luân phiên năm tới, Malaysia.

Theo Kế hoạch hòa bình năm 2021 của Myanmar, Chủ tịch ASEAN bổ nhiệm một đặc phái viên có nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình này. Chủ tịch hiện tại, Lào, ít đề cập đến hoạt động của phái viên nước này trước công chúng.

Quân đội Myanmar, đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ lần đầu tiên nắm quyền kiểm soát Myanmar vào năm 1962, đang vướng vào nhiều cuộc xung đột cường độ thấp và từ chối dàn xếp với các đối thủ mà họ gọi là "những kẻ khủng bố".

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG