Đường dẫn truy cập

Thượng đỉnh Trump-Kim cần nhiều nhượng bộ lớn


Ảnh tư liệu: Lãnh tụ Kim Jong Un ở thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên ngày 15/4/2017 (trái), và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington ngày 29/4/2017
Ảnh tư liệu: Lãnh tụ Kim Jong Un ở thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên ngày 15/4/2017 (trái), và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington ngày 29/4/2017

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ ý sẵn lòng gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, điều đó khó có thể diễn ra trong một ngày gần đây vì chưa bên nào sẵn sàng đưa ra bất cứ nhượng bộ nào để bảo đảm cho một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh như vậy.

Khi Tổng thống Trump hôm thứ Hai nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Bloomberg rằng ông sẽ “hân hạnh” gặp gỡ với nhà lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên, ông cũng nói thêm rằng “trong hoàn cảnh thích hợp, tôi sẽ gặp nhà lãnh đạo Bắc Hàn.” Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc sau đó nói rõ rằng “những điều kiện rõ ràng hiện nay chưa có.”

Tiếp theo sau sự mở ngỏ có điều kiện của Tổng thống Trump về khả năng đối thoại với ông Kim, hai oanh tạc cơ siêu thanh B-1B của Mỹ đã bay gần biên giới liên Triều hôm thứ Ba 2/5 trong cuộc thao dượt quân sự chung với không quân Nam Triều Tiên. Hãng thông tấn chính thức KCNA của Bắc Hàn lên án Mỹ “đẩy Bán đảo Triều Tiên đến gần bờ vực chiến tranh hạt nhân.”

Căng thẳng tiếp tục tăng cao trên Bán đảo Triều Tiên khi chính quyền của Tổng thống Trump đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân bằng cách áp lực lên Trung Quốc đòi Bắc Kinh phải tăng các biện pháp trừng phạt và nhấn mạnh đến khả năng sẵn sàng có biện pháp quân sự, nếu cần.

Điều kiện gặp thượng đỉnh

Hoa Kỳ và các đồng minh lâu nay luôn kiên định rằng đối thoại với Bắc Hàn với điều kiện tiên quyết là Bình Nhưỡng phải ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo và đồng ý đàm phán giải trừ hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên hôm thứ Ba nói rằng cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim cũng có cùng những điều kiện đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Hàn, ông Cho June-hyuck phát biểu:

“Về phát biểu của Tổng thống Trump, cả Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đều kiên định với lập trường rằng cửa ngỏ đối thoại sẽ mở ra khi Bắc Triều Tiên phải tiến tới giải trừ hạt nhân, và đó là con đường chính đáng.”

Để cuộc gặp gỡ Trump-Kim diễn ra, một số tiến bộ trong việc đóng băng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và việc Mỹ ngưng tập trận chung với Hàn Quốc trước tiên cần phải đạt được, nhưng phải mất nhiều tháng thương thảo cấp tập giữa hai bên mà hiện mọi kênh liên lạc chính thức đã bị cắt đứt.

Giáo sư Daniel Pinkston, một nhà phân tích về Đông Bắc Á giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Troy ở Seoul, nhận định:

“Tổng thống Trump đúng khi nói rằng ông sẽ gặp gỡ trong hoàn cảnh thích hợp, nhưng tôi nhận thấy rằng những điều kiện thích hợp đó sẽ không có được trong một khoảng thời gian ngắn.”

Chính quyền của ông Trump chưa có nhóm chuyên gia giàu kinh nghiệm về Đông Á ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng và chưa bổ nhiệm các đại sứ trọng yếu cho khu vực vốn rất cần thiết để khởi động một sáng kiến ngoại giao quan trọng như vậy.

Giao thức Trung Quốc

Cũng có câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Kim Jong Un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thân phụ Kim Jong Il của ông trước đây thường viếng thăm Bắc Kinh và duy trì quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn hiện nay chưa từng đến thăm đồng minh thân cận nhất và nước ủng hộ kinh tế lớn nhất của ông.

Giáo sư Pinkston nhận định: “Mối quan hệ khắng khít đó đang bị đóng băng và ngay vào lúc này bị mất chức năng trong một chừng mực nào đó.”

Các nhà phân tích nói rằng Chủ tịch Tập sẽ không gặp gỡ với ông Kim cho đến khi nào lãnh tụ Bắc Hàn đồng ý nói chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân, và ông Kim cũng không thể gặp gỡ với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới vì sợ rằng điều đó càng khiến cho mối quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc bị chia cắt sâu hơn.

Răn đe từ Nam Triều Tiên

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), ông Mike Pompeo, đến Seoul cuối tuần qua để họp với các giới chức tình báo Nam Triều Tiên.

Mỹ hôm thứ Ba xác nhận rằng hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD được triển khai ở Nam Hàn đã bắt đầu hoạt động, bấp chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, các cuộc biểu tình chống đối ở Hàn Quốc và yêu cầu bất ngờ của Tổng thống Trump đòi Seoul phải trả một tỉ đôla cho chi phí triển khai THAAD, một đòi hỏi mà Nam Hàn từ chối.

Một hạm đội tác chiến của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu được phái đến vùng biển của Bán đảo Triều Tiên để tham gia thao dượt quân sự chung với các lực lượng của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG