Đường dẫn truy cập

Triều Tiên lên án lệnh trừng phạt LHQ, cảnh cáo Mỹ


HĐBA LHQ hôm 11/9 thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên
HĐBA LHQ hôm 11/9 thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên

Với thái độ thách thức, Triều Tiên vừa phát đi một thông điệp mới để đáp trả các lệnh trừng phạt mới mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt lên nước này liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Trong một tuyên bố hôm 13/9, được hãng thông tấn KCNA đăng tải, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói các lệnh trừng phạt mới nhằm mục đích "bóp nghẹt" người dân và đất nước của ông Kim Jong Un "thông qua một cuộc phong tỏa kinh tế toàn diện".

Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói:
"CHDCND Triều Tiên sẽ tăng gấp nhiều lần các nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh để bảo vệ chủ quyền và quyền tồn vong của quốc gia".

Các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Triều Tiên là lời đáp trả cho cuộc thử hạt nhân hôm 3/9. Người ta cho rằng đó có thể là một quả bom hydro.

Nếu được thực thi đầy đủ, các biện pháp trừng phạt mới sẽ giảm đáng kể việc Triều Tiên tiếp cận ngoại tệ và nhiên liệu cần cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân bị cấm. Các biện pháp chế tài bao gồm:

- cắt 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Triều Tiên. Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley gọi đó là "nguồn máu nuôi sống" nỗ lực của Triều Tiên chế tạo và phóng đi một vũ khí hạt nhân;

- cấm xuất khẩu hàng dệt may của Triều Tiên, ngành công nghiệp nhiều lợi nhuận hàng thứ hai của nước này. Bà Haley nói biện pháp này sẽ làm Bình Nhưỡng mất gần 800 triệuđôla mỗi năm;

- cấm bất kỳ quốc gia nào cấp giấy phép làm việc mới cho người lao động Bắc Triều Tiên, nguồn ngoại tệ mạnh chủ yếu đối với chế độ Bình Nhưỡng.

Loạt các biện pháp trừng phạt trước đó của LHQ đối với Triều Tiên hồi tháng 8 đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, chì và thủy sản, trị giá 3 tỷ đôla.

Có những phản ứng tích cực ở châu Á về loạt biện pháp trừng phạt quốc tế mới, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi rằng các biện pháp này sẽ có chút tác động đáng kể nào.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói hôm 12/9 nói rằng các lệnh trừng phạt mới của LHQ đưa ra một thông điệp thống nhất rằng cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh nghị quyết này và cho biết Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để thay đổi chính sách của Bình Nhưỡng.

Hoa Kỳ đã vận động để có các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn, kể cả cấm vận dầu hoàn toàn, phong tỏa tài sản của lãnh tụ Kim Jong Un, và trao thẩm quyền sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần thiết để chặn bắt các con tàu bị nghi buôn lậu các mặt hàng cấm.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga, hai nước đều có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, chỉ đồng ý với các lệnh cấm chứa đựng những thỏa hiệp đã được ban hành, và cả hai nước đều bày tỏ quyết tâm muốn các bên liên quan quay lại bàn đàm phán để giải quyết vấn đề.

Nhiều người ủng hộ chiến lược "áp lực tối đa" của chính quyền ông Trump để ép buộc giới lãnh đạo Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân cho rằng đợt cấm vận mới nhất vẫn chưa đủ mạnh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG