Đường dẫn truy cập

Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ trên biển Đông


Máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ.
Máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ.

Hải quân Trung Quốc hôm qua đã cảnh cáo một máy bay trinh sát của Hoa Kỳ bay trên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở biển Đông, và 8 lần yêu cầu máy bay này phải rút đi.

Theo phóng viên của CNN có mặt trên chuyến bay, khi các phi công người Mỹ đáp lại rằng máy bay của họ đang bay ở không phận quốc tế, thì người phát tín hiệu của Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ là hải quân Trung Quốc và yêu cầu máy bay phải “đi chỗ khác”.

Lời cảnh báo được đưa ra khi chiếc P8-A Poseidon, máy bay trinh sát tối tân nhất của Mỹ, bay ở độ cao thấp nhất là 4.500 mét.

Mỹ hết sức là quan tâm, thậm chí là rất lo ngại vì tất cả các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là các căn cứ mà Trung Quốc đang xây dựng, mang tính chất tấn công và mang tính chất theo dõi, khống chế các hoạt động hàng hải, hàng không qua khu vực này, mà lợi ích của Mỹ là trực tiếp và rất là lớn.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam.

Vụ việc mới nhất này cộng với chuyện Trung Quốc mới đây yêu cầu máy bay quân sự Philippines rời khỏi các khu vực quanh đảo Trường Sa ở biển Đông cho thấy khả năng Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt vùng cấm bay quân sự trên các hòn đảo mới xây dựng.

Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ về diễn biến mới nhất này:

“Hơn ai hết, Mỹ hết sức là quan tâm, thậm chí là rất lo ngại vì tất cả các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là các căn cứ mà Trung Quốc đang xây dựng, mang tính chất tấn công và mang tính chất theo dõi, khống chế các hoạt động hàng hải, hàng không qua khu vực này, mà lợi ích của Mỹ là trực tiếp và rất là lớn. Chắc chắn là với một nước có nền quốc phòng phát triển thì Mỹ hơn ai hết hiểu rõ sự nguy hiểm và tính chất nghiêm trọng của các công trình mà Trung Quốc đang làm, cho nên phản ứng đó có lý do của nó”.

Phát biểu trong buổi họp báo ngày hôm nay, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông không hay biết về vụ việc.

Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi tuyên bố rằng Trung Quốc “có quyền tiến hành theo dõi vùng không phận và lãnh hải để bảo vệ chủ quyền quốc gia và ngăn chặn các tai nạn trên biển”.

CNN dẫn lời chỉ huy máy bay trinh sát của Mỹ ở châu Á cho biết rằng chiếc P8-A Poseidon đã bị “thách thức” 30 phút, và ông tin rằng lời cảnh báo xuất phát từ trạm radar trên các đảo mới xây của Trung Quốc.

Một số chuyên gia an ninh lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ, nhất là sau khi một quan chức Mỹ tuần trước nói rằng Ngũ Giác Đài đang cân nhắc triển khai chiến hạm và máy bay quân sự tới để bảo tự do hàng hải quanh các đảo mà Trung Quốc xây dựng.

Về kế hoạch này, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói rằng các bên cần phải “thận trọng”.

Ông nói thêm: “Nếu như không cẩn thận thì tình hình này sẽ dẫn tới đụng độ của các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ. Nếu như sự xuất hiện đó [của Mỹ] mà không tuân thủ pháp luật, không tuân thủ các quy định, nguyên tắc luật pháp quốc tế mà vì các lợi ích của mình thì rõ ràng nó sẽ dẫn đến sự đụng độ. Nếu không khống chế, không kiểm soát được, phân biệt rõ ràng trắng đen, thì có thể dẫn đến hậu quả rất lớn”.

Nếu không cẩn thận thì tình hình này sẽ dẫn tới đụng độ của các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ. Nếu như sự xuất hiện đó [của Mỹ] mà không tuân thủ pháp luật, không tuân thủ các quy định, nguyên tắc luật pháp quốc tế mà vì các lợi ích của mình thì rõ ràng sẽ dẫn đến sự đụng độ. Nếu không khống chế, không kiểm soát được, phân biệt rõ ràng trắng đen, thì có thể dẫn đến hậu quả rất lớn”
Ông Trần Công Trục nói.

Mỹ luôn tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp ở biển Đông, nhưng khẳng định quyền lợi quốc gia đối với tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới tại vùng biển này.

Những tuần qua, quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các hoạt động lấp biển, xây đảo của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở biển Đông.

Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Việt Nam trong tuần, Phó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc đã “đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng cách hành động lấp biển”.

Nhà ngoại giao này nói: “Các dự án lấn biển, xét về quy mô và khả năng quân sự hóa, có thể gây mất ổn định và gây thêm căng thằng cho khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền kiềm chế, không gây ra các hành vi gây hấn và xử lý tranh chấp một cách hòa bình, và thông qua các cơ chế luật pháp”.

Trong khi đó, một bài bình luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo nói rằng Mỹ “đang đùa với lửa”. Tờ báo lá cải thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc coi đó là một hành động nguy hiểm, và là một cuộc chiến gián tiếp của Mỹ nhắm vào Trung Quốc.

Còn về phía Việt Nam, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 hôm 20/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói rằng nhiều cử tri “lo lắng” về việc Bắc Kinh xây đảo ở biển Đông.

Cũng tại phiên họp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

Trước đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang được báo chí trong nước dẫn lời phát biểu tại một cuộc gặp cử tri ở TP HCM rằng “không có chuyện sợ hay không sợ” Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG