Đường dẫn truy cập

Vì đâu mà lạm phát trường đại học


Một học sinh Việt Nam bật khóc sau khi biết điểm trúng tuyển dự kiến của trường trong đợt xét tuyển vào đại học.
Một học sinh Việt Nam bật khóc sau khi biết điểm trúng tuyển dự kiến của trường trong đợt xét tuyển vào đại học.

Mấy hôm nay dư luận và báo chí vẫn chưa thôi bàn cãi về câu chuyện giáo dục liên quan đến các sự kiện thời sự, gồm cả phương cách xét tuyển đại học - cao đẳng lẫn việc tự phong giáo sư, phó giáo sư của Đại học Tôn Đức Thắng. Trong một mớ bòng bong xung quanh bài toán giáo dục, người ta lại choáng váng khi báo Tuổi Trẻ dẫn số liệu thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo dựa trên số liệu đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 của các trường cho thấy hiện cả nước có khoảng 480 trường đại học, cao đẳng - tăng gấp đôi số trường so với 14 - 15 năm về trước.

Chỉ có tiếng, không có miếng

Chính giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phát biểu với Tuổi Trẻ rằng “trường nâng cấp ào ạt đã dẫn đến hệ quả tất yếu là có những trường trung cấp tốt sau nâng cấp lại thành trường cao đẳng tệ và trường cao đẳng tốt sau nâng cấp lại đẻ ra trường đại học tồi, kém chất lượng”. Thực tế, những gì giáo sư Thuyết nói cũng chỉ là một sự lặp lại, hay nói hoa mỹ hơn là sự tái khẳng định về thực trạng giáo dục Việt Nam vốn đã được chứng minh bằng con số các vụ bê bối và số sinh viên không đạt chuẩn chất lượng khi ra trường.

Có thể nói không ngoa rằng nếu xếp hạng về bằng cấp, thì Việt Nam sẽ thuộc hạng có máu mặt tại châu Á, thậm chí là trên thế giới, ngay cả so với những quốc gia phát triển ở châu Âu. Tương tự, tỷ lệ tổng số trường đại học, cao đẳng so với mức dân số hiện nay, cũng được xem là đáng ngạc nhiên so với các quốc gia giàu hơn với dân số tương đương Việt Nam. Điều này khiến tuổi trẻ Việt đi đến đâu, buồn đến đó, vì xếp hạng bằng cấp thì “ngon lành” trong khi lương tối thiểu thì thấp nhất nhì khu vực châu Á, thậm chí là thế giới. Ghé mắt nhìn sang Lào, Campuchia cũng đã thấy tương đương thu nhập, dù rằng vẫn mang tiếng làm “anh” trong khu vực ba nước Đông dương. Nhìn xa hơn một chút thấy Thái Lan, mức lương gấp ba lần người Việt, rồi Malaysia, Indonesia, Philippines cũng thay nhau gấp năm, bảy, thậm chí cả chục lần. Chẳng ai dám nghĩ đến thu nhập như người Singapore, bởi lương của họ gấp hơn 15 lần lương người Việt.

Hóa ra bấy lâu này chúng ta vẫn cứ tự hào, vẫn cứ ung dung, vẫn mạnh miệng tuyên bố cải cách giáo dục từ năm này qua năm khác, tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng, cùng biết bao thời gian và chất xám, để đổi lại bằng sự tụt hậu ngay trong khu vực. Mở ra hàng trăm trường đại học, cao đẳng nhưng rồi chẳng trường nào giữ được chất xám, những nhân tài tuổi đôi mươi cứ nối đuôi nhau tìm đến giấc mơ Mỹ, giấc mơ châu Âu, Úc, Nhật Bản hay Singapore. Biết bao trường tự hào vì có học sinh, sinh viên đoạt giải các cuộc thi quốc tế, nhưng rồi chẳng em nào chạm được bục Nobel ở tất cả các lĩnh vực. Ông bà xưa có câu “có tiếng nhưng không có miếng”, chẳng ai ngờ lại linh nghiệm với chính giáo dục Việt Nam.

Vì sao? Và vì ai?

Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng việc lạm phát đại học xuất phát từ một cơ chế khuyến khích mở trường học, nói đúng ra là dễ dãi trong việc cho phép mở trường đại học. Chẳng biết có phải đầu tư vào giáo dục là siêu lợi nhuận hay không? Có phải mở trường là cách kiếm tiền dễ nhất khi đua nhau thay phiên móc túi phụ huynh – vốn chỉ mong cho con cháu được đến trường tử tế? Hay phải chăng việc mở trường những năm qua “dễ như ăn cháo”, nên mở trường chỉ có được, chẳng có mất, nên ai nấy đua nhau mở trường như chính việc mở hội tại Việt Nam? Dù câu trả lời như thế nào đi chẳng nữa thì xin thưa, trường học cũng như một sản phẩm và giáo dục đích thực là một thị trường đúng theo quy luật cung cầu. Nghĩa là, trường học về cơ bản phải kinh doanh, chứ không phải chỉ biết tiêu tiền nhà nước như cái cách mà không ít trường công lập tại Việt Nam – vốn đã mọc lên như nấm – đã và đang tận dụng.

Có ý kiến cho rằng trường đại học, cao đẳng mở nhiều là do nhu cầu xã hội. Nhu cầu xuất phát từ việc cần một tấm bằng, chứ thực tế nhu cầu về chuyên môn, kỹ năng nghề cho đến nay vẫn đang rất “khát”. Nghịch lý nhiều trường đại học lại thiếu nhân lực chất lượng cao cho thấy lỗi của cơ quan quản lý giáo dục khi đã dễ dãi cho việc mở trường nhưng lại không thể kiểm soát chất lượng đầu ra, hay ít nhất là điều phối chất lượng đầu ra theo những phân khúc thị trường lao động khác nhau. Số lượng trường học cứ phình to, trong khi quy mô hạ tầng, cơ sở vật chất, quan trọng hơn cả là lực lượng giảng viên vẫn là một hằng số đáng báo động. Các trường tận dụng nguồn lực chung đến mức một giảng viên có thể chạy hàng chục ca mỗi ngày để rao giảng những bài học cũ mèm, thiếu cập nhật vì chính thầy cô cũng không có thời gian để nghiên cứu, học tập và cập nhật bài giảng cho phù hợp.

Thiếu các cơ chế siết chặt đầu ra đã cho phép các trường đại học “hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều” về chất lượng đào tạo. Trong khi đó phụ huynh vẫn còng lưng đóng học phí mỗi năm một tăng, còn hậu quả về chất lượng nguồn nhân lực thì các em học sinh, sinh viên lãnh đủ. Xã hội không thể định dạng hay xếp hạng một cách rạch ròi về chất lượng của các trường. Thời đại công nghệ số càng cho phép các trường tạo ra sự bất đối xứng thông tin, với các gói quảng cáo vô thưởng vô phạt, khiến dư luận càng mịt mờ. Vai trò của các nhóm đánh giá nghề nghiệp cũng không được Bộ Giáo dục khuyến khích, thậm chí là còn không tồn tại, nên chất lượng đào tạo càng trở thành một ẩn số mà các trường đại học muốn vẽ ra sao thì vẽ, miễn kéo được người học và bỏ túi thật nhiều tiền.

Hãy nhìn sang các nước bạn học tập. Thành lập một trường học phải độc lập về nguồn lực (hạ tầng lẫn giảng viên), cũng như có chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra một cách chi tiết, dựa trên nhu cầu xã hội và phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia. Bộ Giáo dục chẳng phí sức để cho thi tốt nghiệp hay đại học, cứ để các trường tự xét và đào tạo, miễn sao cam kết được chất lượng đầu ra thông qua các bài kiểm tra và kiểm chứng tay nghề của các hội nhà nghề.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG