Đường dẫn truy cập

Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’


Ba lãnh đạo của Tập đoàn Thuận An (hàng trên) và ba quan chức quản lý dự án tỉnh Bắc Giang vừa bị bắt giữ (Ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong)
Ba lãnh đạo của Tập đoàn Thuận An (hàng trên) và ba quan chức quản lý dự án tỉnh Bắc Giang vừa bị bắt giữ (Ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong)

Ba lãnh đạo của một tập đoàn xây dựng cầu, đường ở Việt Nam vừa bị công an khởi tố để điều tra về các tội ‘Đưa hối lộ’, ‘Nhận hối lộ', và ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, Bộ Công an cho biết.

Theo thông tin mà người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, nói với báo chí trong nước hôm 15/4 thì họ đã bắt giữ các ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc và Nguyễn Khắc Mẫn, phó Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

Tập đoàn có trụ sở ở Hà Nội này được ông Hưng thành lập cách đây 20 năm và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông từ những gói thầu do Nhà nước giao, theo truyền thông trong nước.

Trước tập đoàn Thuận An không lâu, một số lãnh đạo của Tập đoàn Phúc Sơn, trong đó có Chủ tịch Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu ‘Pháo’, đã bị bắt để điều tra về các tội hối lộ, sai phạm trong đấu thầu và gian lận tài chính.

Đáng chú ý là sau khi ông Hậu bị bắt, hàng loạt lãnh đạo, cả đương nhiệm lẫn về hưu, ở hai tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi lần lượt ‘ngã ngựa’ vì bị phanh phui đã nhận tiền của Phúc Sơn. Đỉnh điểm là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị bãi miễn tất cả các chức vụ hồi tháng Ba do được cho là dính dáng đến Phúc Sơn. Tuy nhiên, nguyên nhân được thông báo khi ông Thưởng bị bãi nhiệm là vì ông đã “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.”

Hiện giờ chưa rõ vụ việc ở Tập đoàn Thuận An có liên quan đến các quan chức cấp cao nào hay không và cũng chưa có lãnh đạo cấp tỉnh nào bị bắt như trong vụ Phúc Sơn. Theo thông tin của tờ Tuổi Trẻ thì trong vòng 5 năm qua tập đoàn này đã trúng thầu đến 22.612 tỉ đồng, bao gồm 8.272 tỉ đồng là được ‘chỉ định thầu’, tức là không cần đấu mà vẫn được cho trúng thầu.

Tổng cộng, họ đã trúng 39 trong 51 gói thầu mà họ tham gia đấu thầu từ năm 2019 đến nay, cũng theo Tuổi Trẻ. Các gói thầu mà họ tham gia đấu thầu trải dài khắp cả nước từ bắc xuống nam.

Bộ Công an không nói cụ thể các sai phạm ở tập đoàn này đã xảy ra như thế nào. Nhưng, theo ghi nhận của Công an Nhân dân, ngoài ba lãnh đạo của Thuận An bị bắt, Bộ Công an cũng bắt giữ thêm ba cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang về tội ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Nhận hối lộ’.

Sau khi bắt giữ những bị can trên, Bộ Công an sẽ thẩm vấn để mở rộng điều tra để làm rõ sai phạm cũng như xác định thêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản, cũng theo Công an Nhân dân.

Hiện tại, Bộ Công an đã yêu cầu chính quyền tỉnh Đắc Lắc cung cấp toàn bộ hồ sơ và tài liệu liên quan đến gói thầu của Thuận An tại dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua thành phố Buôn Mê Thuột có giá trị 1.500 tỷ đồng, tờ Tiền Phong cho biết. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu rà soát các dự án, các gói thầu trên địa bàn tỉnh được giao cho Thuận An.

Đây là những vụ bắt giữ mới nhất khi chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đang tiếp tục mở rộng. Trước khi ông Thưởng bị bãi nhiệm, các quan chức hàng đầu khác của chính phủ Việt Nam, gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng từng dưới quyền ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, đã phải xin thôi chức vì liên quan đến các đại án tham nhũng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG