Đường dẫn truy cập

Việt Nam khẳng định chủ trương ‘tăng trưởng xanh’ khi Thủ tướng Chính đi dự COP28


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) cùng phu nhân vẫy tay chào trước khi lên máy bay rời sân bay Nội Bài ở Hà Nội hôm 28/11 để tham dự COP28, dự kiến khai mạc ở Dubai hôm 30/11.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) cùng phu nhân vẫy tay chào trước khi lên máy bay rời sân bay Nội Bài ở Hà Nội hôm 28/11 để tham dự COP28, dự kiến khai mạc ở Dubai hôm 30/11.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới tại Dubai, nơi quốc gia Đông Nam Á có thể được giải ngân các khoản vay từ các chính phủ phương Tây trị giá hàng tỷ đô la để chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Truyền thông trong nước cho biết ông Chính cùng phu nhân và một đoàn đại biểu cấp cao rời Việt Nam hôm 28/11 để thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tham dự Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28).

Ông Chính dự kiến sẽ tham gia COP28, tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29/11 đến ngày 3/12, theo Báo Chính phủ.

Cũng đưa tin về hoạt động này, báo Lao ĐộngQuân đội Nhân dân cho biết chuyến công tác tham dự COP28 của ông Chính “có ý nghĩa quan trọng” khi “khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Tại Thượng đỉnh COP26 ở Anh năm 2021, ông Chính đã đại diện cho chính phủ Việt Nam cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu khi công bố mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để giúp Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch, các chính phủ thuộc nhóm G7 và các tổ chức cho vay đa phương vào năm ngoái đồng ý cung cấp 15,5 tỷ USD cho Việt Nam, trong đó phần lớn là các khoản vay thương mại theo lãi suất thị trường, nhằm giúp quốc gia Đông Nam Á tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá.

Dẫn nguồn tin từ các quan chức nước ngoài am tường về các cuộc đàm phán, Reuters hôm 27/11 cho biết Việt Nam đang hoàn tất các cam kết cải cách với các chính phủ nhóm G7 và các tổ chức cho vay đa phương.

Trước đó, vào hôm 24/11, AP nói rằng kế hoạch chi tiêu gói hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch trị giá 15,5 tỷ USD đã được Việt Nam hoàn tất và sẽ được công bố tại COP28, dự kiến khai mạc tại Dubai vào ngày 30/11.

Cùng ngày Thủ tướng Chính lên đường tham dự COP28, tờ New York Times đưa ra bài viết có đoạn nói rằng trong khi chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị để công bố kế hoạch chuyển đổi năng lượng sạch tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu của LHQ, họ lại tăng cường trấn áp các nhà hoạt động môi trường.

Tờ báo có trụ sở ở New York, Mỹ, cho biết khi Việt Nam được nhóm các quốc gia giàu có cam kết cung cấp hàng tỷ đô la vào năm ngoái để giảm sử dụng than, quốc gia Đông Nam Á đã đồng ý thường xuyên tham khảo ý kiến các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên thay vào đó, theo NYT, chính phủ đã bắt giữ một số nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng từ những tổ chức đã hoạch định các chính sách giúp đảm bảo nguồn tài trợ. Tờ báo nói rằng điều này gây lo ngại về việc khoản tiền được trao đến quốc gia vi phạm nhân quyền.

Các lãnh đạo môi trường bị chính quyền bắt giam và kết án tù mà NYT đề cập đến là Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, và Hoàng Thị Minh Hồng. Họ bị kết án nhiều năm tù với tội danh “trốn thuế”. Gần đây nhất, chính quyền bắt giam thêm bà Ngô Thị tố Nhiên, một chuyên gia về năng lượng, với cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu”.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án Việt Nam bỏ tù những người thúc đẩy cho việc bảo vệ môi trường này. Giữa tháng này, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ Surya Deva đã chỉ trích chính quyền Hà Nội khi cho rằng chính phủ độc tài đang sử dụng luật “có chọn lọc” nhắm vào các nhà hoạt động khí hậu và bảo vệ quyền môi trường.

Trích lời ông Chính nói trước khi lên đường tham dự COP28, Tuổi Trẻ cho biết thủ tướng Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế. Ông Chính cũng cho biết mọi nỗ lực và hành động của Việt Nam đang được triển khai để hướng tới việc đạt được cam kết đưa ra tại COP26, trong đó Việt Nam sẽ đạt được trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG