Đường dẫn truy cập

Trung Quốc đả kích chỉ trích của nước ngoài về luật an ninh quốc gia sắp tới của Hong Kong


Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong Paul Lam, Trưởng đặc khu John Lee và Bộ trưởng An ninh Chris Tang Ping-keung tham dự cuộc họp báo về việc ban hành Điều 23 Luật An ninh Quốc gia, tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 30/1/2024.
Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong Paul Lam, Trưởng đặc khu John Lee và Bộ trưởng An ninh Chris Tang Ping-keung tham dự cuộc họp báo về việc ban hành Điều 23 Luật An ninh Quốc gia, tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 30/1/2024.

Trung Quốc hôm 29/2 chỉ trích Ngoại trưởng Anh David Cameron và các chính trị gia nước ngoài khác vì đã “bôi nhọ” luật an ninh Hong Kong sắp ra mắt, trong khi chính quyền địa phương nói phản hồi về luật này phần lớn là tích cực.

Luật, được gọi là Điều 23, sẽ nhắm vào các tội phạm bao gồm phản quốc, trộm cắp bí mật nhà nước, gián điệp, phá hoại, dụ dỗ và “sự can thiệp từ bên ngoài”, bao gồm cả từ các chính phủ nước ngoài.

Giai đoạn tham vấn cộng đồng về luật được đề xuất đã kết thúc vào tuần này và cơ quan lập pháp của thành phố, chủ yếu là các nhà lập pháp thân Bắc Kinh, dự kiến sẽ sớm phê duyệt dự thảo luật.

Văn phòng Bộ Ngoại giao Hong Kong hôm 29/2 đưa ra một tuyên bố “bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ” việc Ngoại trưởng Anh Cameron và các chính trị gia khác đưa ra “những nhận xét vô trách nhiệm” về Điều 23.

Bộ này nói họ đang “bôi nhọ và tấn công một cách ác ý nhân quyền, quyền tự do và pháp quyền của Hong Kong”.

Tuyên bố được đưa ra sau nhận xét của ông Cameron hôm 28/2 rằng Anh đã nêu lên mối quan ngại của mình với chính quyền Hong Kong.

“Những đề cập mơ hồ về ‘các thế lực bên ngoài’ và hành vi phạm tội mới của việc ‘can thiệp từ bên ngoài’ đe dọa hoạt động ngoại giao và lãnh sự hợp pháp đã được Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự bảo vệ,” ông Cameron nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 28/2 rằng họ đang giám sát chặt chẽ luật này và những tác động của nó đối với công dân, các khoản đầu tư và công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Hong Kong.

“Chúng tôi đặc biệt quan ngại trước đề xuất của chính quyền Hong Kong về việc áp dụng các định nghĩa rộng rãi và mơ hồ về ‘bí mật nhà nước’ và ‘sự can thiệp từ bên ngoài’ có thể được sử dụng để loại bỏ bất đồng chính kiến thông qua nỗi sợ bị bắt và giam giữ”, người phát ngôn của BNG Mỹ, Matthew Miller, nói.

“Chúng tôi cũng lo ngại rằng chính quyền Hong Kong sẽ áp dụng Điều 23 bên ngoài lãnh thổ trong chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia đang diễn ra của họ nhằm đe dọa và hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân và cư dân Mỹ”.

Cục An ninh Hong Kong hôm 29/2 cho biết đã nhận được 13.147 phản hồi trong quá trình tham vấn, giữa bối cảnh có những chỉ trích rằng luật này sẽ làm xói mòn thêm các quyền tự do ở trung tâm tài chính.

Trong số đó, 12.969 (tức 98,64%) phản hồi “thể hiện sự ủng hộ và đưa ra nhận xét tích cực” trong khi 93 (tức 0,71%) phản đối, trong đó hơn 10 phản hồi đến từ “các tổ chức chống Trung Quốc ở nước ngoài hoặc những người bỏ trốn”.

“Kết quả trên cho thấy các đề xuất lập pháp đã nhận được sự ủng hộ đa số từ công chúng,” Cục An ninh nói.

Tuần này, các nhà lập pháp Trung Quốc cũng mở rộng luật bí mật nhà nước của Bắc Kinh, lần đầu tiên kể từ năm 2010, mở rộng phạm vi hạn chế thông tin nhạy cảm thành “bí mật công việc”.

Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia vào năm 2020 nhằm trừng phạt các hành vi, bao gồm lật đổ và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, với mức án lên tới tù chung thân, sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt ở trung tâm tài chính.

Theo Cục An ninh, hơn 290 người đã bị bắt vì cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia. Trong số đó, 174 người và 5 công ty bị buộc tội, bao gồm cả ông trùm truyền thông và người ủng hộ dân chủ Jimmy Lai.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG