Đường dẫn truy cập

Các hãng pin mặt trời ở Mỹ đòi chính quyền điều tra, áp thuế lên hàng TQ nhập khẩu từ Việt Nam và 3 nước


Pin mặt trời được lắp đặt tại một nông trại ở bang Indiana, Hoa Kỳ. Một số nhà sản xuất Mỹ hôm 24/4/2024 yêu cầu chính phủ điều tra và áp mức thuế cao lên các sản phẩm pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Thái Lan.
Pin mặt trời được lắp đặt tại một nông trại ở bang Indiana, Hoa Kỳ. Một số nhà sản xuất Mỹ hôm 24/4/2024 yêu cầu chính phủ điều tra và áp mức thuế cao lên các sản phẩm pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Thái Lan.

Một số nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới hôm 24/4 cùng lên tiếng yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden điều tra và áp mức thuế cao lên các sản phẩm pin mặt trời nhập khẩu từ bốn quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, với cáo buộc rằng những sản phẩm rẻ mạt do Trung Quốc sản xuất đến từ các quốc gia này đang tràn ngập thị trường Hoa Kỳ và đe dọa ngành công nghiệp nội địa của Mỹ.

Khiếu nại của 7 công ty, bao gồm Hanwha Qcells của Hàn Quốc, Meyer Burger của Thụy Sĩ, REC Silicon của Na Uy và 4 công ty Mỹ First Solar, Convalt Energy, Mission Solar và Swift Solar, đã được Công ty luật Wiley Rein gửi lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC).

Nhóm khiếu nại, có tên là Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời của Liên minh Hoa Kỳ, cáo buộc các công ty Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm pin năng lượng mặt trời sang các quốc gia láng giềng để tránh thuế quan hiện hành của Mỹ.

Đơn kiện yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra các hoạt động thương mại của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, và các mục tiêu mà ITC và Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành điều tra sắp tới chủ yếu có trụ sở chính tại Trung Quốc.

Các nhà sản xuất Mỹ cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc đang cung cấp trợ cấp thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh cho các nhà sản xuất ở 4 quốc gia Đông Nam Á.

Tim Brightbill, luật sư thương mại đại diện cho các công ty, nói trong thông cáo báo chí hôm 24/4 rằng ngành năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đang ở vị thế “rất bấp bênh” và các khoản đầu tư được thực hiện thông qua Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp về năng lượng mặt trời của Mỹ đang bị đe dọa.

“Trung Quốc và các công ty do Trung Quốc sở hữu đang thao túng thị trường nội địa của chúng ta nhằm mang lại lợi ích cho nền kinh tế và lợi ích an ninh quốc gia của họ”, Luật sư Brightbill nói. “Hoa Kỳ quá phụ thuộc vào một đối thủ đã trang bị vũ khí cho chuỗi cung ứng trong quá khứ để có được nguồn năng lượng thiết yếu”.

Khiếu nại yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt thuế quan đối với pin mặt trời nhập khẩu từ bốn quốc gia Đông Nam Á như một biện pháp khắc phục.

Cổ phiếu của công ty First Solar đã tăng hơn 1% sau thông tin này, theo CNBC.

Trong năm qua, Hoa Kỳ đã nhập khẩu các sản phẩm năng lượng mặt trời trị giá 12,5 tỷ USD từ các quốc gia này khi giá các sản phẩm năng lượng mặt trời đã giảm xuống khoảng 50%, thấp hơn cả giá thành sản xuất của các công ty ở Mỹ.

CNBC dẫn báo cáo vào tháng 1 của Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế cho biết sở dĩ giá tấm pin mặt trời đã giảm mạnh gần 50% trên toàn cầu vào năm 2023 so với năm trước là do công suất sản xuất đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2021. Báo cáo nói thị phần của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu là từ 80% đến 95%.

Khiếu nại của liên minh các công ty Mỹ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden ngày càng gia tăng phàn nàn về năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng việc xuất khẩu công nghệ năng lượng xanh và các loại sản phẩm giá rẻ khác của Trung Quốc có nguy cơ làm biến dạng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuần trước, Tổng thống Biden kêu gọi đại diện thương mại của mình tăng hơn gấp ba lần mức thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm từ Trung Quốc, như một phần trong một loạt động thái nhằm giúp các nhà sản xuất Mỹ giảm bớt tình trạng gia tăng hàng nhập khẩu giá rẻ, New York Times cho hay.

Vào tháng 8/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đang vận chuyển các sản phẩm năng lượng mặt trời của họ vào Hoa Kỳ qua ngả Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam để tránh thuế, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã miễn áp thuế đối với các sản phẩm này để cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời thuộc sở hữu của Trung Quốc ở các quốc gia trên có thời gian để chuyển đổi chuỗi cung ứng của họ.

Tuy nhiên, thông cáo của Công ty luật Wiley Rein nói rằng các công ty bị phát hiện đang lách thuế dự kiến sẽ không phải trả thuế khi lệnh tạm hoãn kết thúc vào tháng 6/2024, bởi vì chuỗi cung ứng có trụ sở tại Đông Nam Á của họ có nghĩa là về mặt kỹ thuật, họ không còn vi phạm quy định như đã nêu trong quyết định về lách thuế.

Các công ty Mỹ cho rằng vụ kiện thương mại mới này là hành động cần thiết để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng của các nhà sản xuất năng lượng mặt trời này ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận đến đại diện của liên minh các công ty Mỹ và Cục Phòng vệ Thương mại của Bộ Công thương Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trên trang thông tin chính thức, Bộ Công thương Việt Nam hôm 26/4 đưa thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ nhận hồ sơ đề nghị điều tra đối với sản phảm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam, đồng thời cho biết thêm trong vụ việc này rằng mặt hàng nói trên từ cả 4 nước đều bị đề nghị điều tra cả về chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Bộ này cho biết biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là 271,45%, cao nhất trong 04 nước bị cáo buộc.

Còn về trợ cấp, “Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu pin mặt trời Việt Nam đã nhận được 31 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ”, Bộ này cho biết thêm.

Dẫn quy định điều tra của Hoa Kỳ, Bộ Công thương Việt Nam cho biết sản phẩm bị điều tra chỉ bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp nếu cả 2 cơ quan chịu trách nhiệm điều tra (DOC và ITC) đều ban hành kết luận khẳng định. Trong điều tra chống bán phá giá, chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng bị điều tra, còn với việc chống trợ cấp, chính phủ sẽ là đối tượng bị điều tra.

Truyền thông Mỹ dẫn thông tin từ Luật sư Brightbill cho biết các cuộc điều tra của ITC và Bộ Thương mại Mỹ sẽ mất khoảng 12 tháng mới có kết luận. Ông nói thời gian sớm nhất mà thuế quan có thể được áp dụng là sau khi Bộ Thương mại đưa ra quyết định sơ bộ. Quá trình này sẽ mất khoảng 4 - 6 tháng.

Convalt Energy, First Solar, Meyer Burger, Mission Solar, Qcells, REC Silicon và Swift Solar là những công ty hàng đầu trong ngành sản xuất năng lượng mặt trời với 34.000 công nhân, với kế hoạch tạo thêm hàng chục nghìn việc làm dài hạn và được trả lương cao cho kinh tế Mỹ trong những năm tới. Những khoản đầu tư tập thể này rất quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu của Hoa Kỳ, theo thông cáo của Công ty luật Wiley Rein.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG