Đường dẫn truy cập

Thương hồ hoa kiểng trên Bến Bình Đông


Thương hồ hoa kiểng trên Bến Bình Đông
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:53 0:00

Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Theo những người lớn tuổi sinh sống khu vực xóm Củi thì Bến Bình Đông từng là nơi giao thương tấp nập một thuở, trao đổi hàng hóa giữa Sài Gòn với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và không biết từ bao giờ, nơi đây đã lưu giữ nét văn hóa là bến thuyền hoa ngày Tết cho đến tận bây giờ. Bà Thành, một thương hồ miền Tây nói rằng đã 29 tết rồi mà bán vẫn chậm lắm. “Tôi bán mai với kiểng xanh… Mai của mình bị trổ do thời tiết nên bị trổ sớm nên thất bát. Tình hình năm nay thì nó tệ hơn năm rồi nhiều đó. Người mua sao thấy đi không à… Đi rồi nhìn không à, chứ ít có mua. Như giờ là cũng chưa có mua”. Người Sài Gòn vẫn quen gọi là chợ hoa trên bến dưới thuyền. Thuyền ghe ngược xuôi tấp nập đặt san sát trên bến, nhộn nhịp cả một khúc sông, chứa đựng không khí háo hức của ngày Tết. Hoa kiểng thường đến từ các tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ... Những con thuyền chở hoa, chở theo cả mùa xuân đem lên đất Sài Gòn. Cảnh sắc đẹp vậy đó nhưng làm thì cực lắm. Ông Khanh, chủ vựa hoa kiểng kể: “Cực à. Đi bán vầy là phải cực à. Mới lên thì thấy nó đỡ đỡ, chưa biết giờ chót nó làm sao, hổng biết… Thì thấy tình hình người bán cũng giống như năm rồi. Thì cũng có lúc vầy, lúc khác… Cũng có khó chứ. Giá ở quê phải thấp hơn… Tại lên đây chi phí đồ này kia… Cái ghe, chiếc ghe không là mướn 10 triệu rồi đó”. Đâu đó vẫn còn những nỗi lo canh cánh của người nông dân trồng hoa, rằng số hoa kiểng của họ có kịp bán hết trước 30 Tết hay không? Thương hồ bán hoa kiểng tết trên ghe đều mang tâm trạng thấp thỏm lo âu trước canh bạc của chính mình. Nói việc buôn bán như một canh bạc, vì đều trông mong vào sự may rủi của nhu cầu khách mua. Đã vậy thời tiết lại cứ đỏng đảnh. Ông Khanh tâm sự: “Thời tiết năm nay ảnh hưởng nhiều lắm. Mai với thọ nè, ảnh hưởng nhiều lắm. Trễ nhiều lắm… Đi bán hổng được thì để ở nhà thôi chứ hổng có hư. Mình đi bán hổng được, nó hổng nở đó… Chôn vốn chứ hổng có lỗ. 30, tối 30 mới về. Trưa mồng 1…, chiều mồng 1 mới tới nhà!”. Những hình ảnh này được nhóm phóng viên ghi nhận vào chiều ngày 29 tết. Sức mua vẫn còn thấp. Khách qua đường dừng xe để xem và nghe ngóng giá cả. Có lẽ họ còn chờ vào bữa cuối cùng để mong giá rẻ hơn nữa. Chuyện này thì gần như năm nào cũng diễn ra. Ông Khanh kể có năm, khi ghe của ông chuẩn bị rời bến, thì ùn ùn người xuống thẳng ghe để mua kiểng: “Cũng có lúc có, lúc không vậy đó. Nhiều khi hạ mà bán hổng được thì cũng phải bỏ thôi. Cái số mà, cái nào mà chẳng hạn như hoa thì bỏ, còn mai đồ này kia thì đem về. Cũng có năm đem xuống ghe rồi là ùn ùn xuống ghe rồi mua không đó. Nói hổng bán, chở về mà cũng xuống mua. Mua giành, mua giựt luôn đó. Còn có năm thì bán vậy. Còn có năm thì bán chán thấy mẹ! Cũng có năm vầy, năm khác. Nói chung thì nghề nghiệp phải đeo thôi, chứ cũng cực khổ thấy bà!”. Xem ra nhiều người lại chờ đợi phút cuối kiểng hạ giá. Bà Thành nói rằng đã 3 mùa kiểng tết ế ẩm: “Lên đây bán cũng khoảng 10 năm rồi. Năm nay nó tệ hơn năm rồi nhiều. Như lúc này mà chưa thấy người ta mua. Người ta chỉ đi thôi. Quan sát thôi chứ người ta đâu có mua đâu. Mấy cây mai bự cô mới bán được có một cây chứ nhiêu… Ba năm nay rồi thấy hổng có lời. tại vì cũng như là thời tiết nó trổ tầm bậy, tầm bạ không à. Nhưng mà tại vì mình lỡ mình mua mai rồi đó thì mình phải đi. Năm nay mua bán đâu có lời. Bán buôn riết cô muốn bỏ nghề luôn chứ hổng muốn gì hết…”. Việc bán kiểng tết ở Bến Bình Đông được thông báo sẽ đóng cửa vào tối giao thừa. Phận thương hồ lại tiếp tục lênh đênh sông nước trở lại quê nhà để bắt đầu ăn tết của riêng mình.

XS
SM
MD
LG