Đường dẫn truy cập

Các nhà hoạt động Thái Lan kỷ niệm 83 năm vụ lật đổ chế độ quân chủ


Những người ủng hộ các nhà hoạt động chống đảo chính tập trung bên ngoài một đồn cảnh sát ở Bangkok, 24/6/2015.
Những người ủng hộ các nhà hoạt động chống đảo chính tập trung bên ngoài một đồn cảnh sát ở Bangkok, 24/6/2015.

Các nhà hoạt động đòi dân chủ ở Thái Lan đang nhân cơ hội kỷ niệm ngày thiết lập chế độ dân chủ ở nước này để phản đối tập đoàn quân nhân đã lên nắm quyền từ tay của chính phủ dân cử trong cuộc đảo chính không đổ máu hồi năm ngoái. Nhưng các nhà cai trị hiện thời ở Thái Lan đang tỏ ra thiếu khoan dung trước những lời chỉ trích.

Vào lúc tảng sáng, một nhóm nhỏ các thi sĩ và các nhà hoạt động chính trị Thái tụ tập ở trung tâm Bangkok, đặt vòng hoa tại một đài tưởng niệm đánh dấu các biến cố cách đây 83 năm trong vụ lật đổ chế độ quân chủ độc tài cuối cùng của Thái Lan.

Tin ghi cảnh sát theo dõi cuộc tụ tập hôm nay đã không can thiệp.

Phản ứng chính thức ngược hẳn với những vụ trấn át mới đây nhắm vào các cuộc tụ tập nhỏ của sinh viên, gần đây nhất là vào tháng 5, đánh dấu đúng một năm ngày quân đội lên nắm quyền với lời hứa cải cách chính trị và bầu cử mới. Có tới 40 nhà hoạt động đã bị bắt giữ vì tổ chức biểu tình ôn hòa giữa các dấu hiệu cho thấy chính quyền quân nhân ngày càng thiếu khoan dung đối với quyền tự do phát biểu.

Tổ chức Human Rights Watch, có trụ sở ở Hoa Kỳ, chỉ trích việc quân đội đối phó với sinh viên, trong đó có một nhóm gọi là Dao Din ở trường Đại học Khon Kaen miền bắc.

Nhà khoa học chính trị Thái Lan Titipol Phakdeewanich, nói chuyện với đài VOA từ London, cho biết quân đội đang bóp nghẹt cuộc tranh luận công cộng về cải cách chính trị:

“Nếu như ta nhìn vào những gì đang xảy ra hiện nay thì ta không được phép nói khi chúng ta nghĩ, nhất là bởi vì chúng ta nói về hiến pháp mới. Nhưng chúng ta không thể nói bất cứ gì một cách tự do nếu tôi muốn nói là tôi không đồng ý với hiến pháp. Và nếu nhìn vào vấn đề Dao Din thì họ đã không làm gì nhiều. Họ có quyền làm những gì họ đã làm.”

Trong mấy tuần qua, giới lãnh đạo quân đội đã chặn các buổi hội thảo của Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài ở Thái Lan về nhân quyền kể từ sau cuộc đảo chính tháng 5 và những luật lệ chống phỉ báng của Thái Lan nhắm mục tiêu bảo vệ cơ chế quân chủ.

Các giới chức cũng đã triệu tập một cuộc họp tới 200 thành viên báo giới vào tuần tới để thảo luận về việc tường thuật.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha

Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha thường xuyên chỉ trích truyền thông địa phương và những nghi vấn liên tục về việc khi nào chính phủ sẽ quyết định về cuộc tổng tuyển cử, dự kiến vào đầu năm 2017.

Các tổ chức hoạt động nhân quyền, như Forum Asia đã kêu gọi quân đội tôn trọng quyền tự do hội họp như một bước chủ chốt cho nền dân chủ mà chính phủ đã đề ra trong “lộ đồ cải cách.”

Mỗi thứ sáu, Thủ tướng Prayuth lại trình bày về thành tích và kế hoạch của chính phủ cho tương lai đất nước.

Phụ trách Chương trình Đông Á cho Forum Asia, bà Pimsiri Petchnamrob nói chính phủ nên tôn trọng quyền tự do phát biểu trong khuôn khổ “các kế hoạch lộ đồ:"

“Nếu họ thực sự muốn xây dựng dân chủ chân chính ở Thái Lan dựa vào lộ đồ hay bất kỳ cái gì thì họ phải cởi mở đối với các ý kiến và cảm nghĩ khác nhau. Nếu họ thực tâm về những gì họ rao giảng mỗi thứ Sáu thì họ nên lắng nghe và tôn trọng các cảm nghĩ và ý kiến khác nhau. Điều họ đang làm ngay lúc này là đàn áp, và sẽ không giúp gì cho lý tưởng hòa giải dân tộc hay thậm chí xây dựng dân chủ như họ đã tuyên truyền.”

Các chuyên gia phân tích nói chính phủ lo sợ các phong trào sinh viên có thể lấy lại động năng, châm ngòi cho những vụ xuống đường gây bất ổn. Nhưng các chuyên gia nói việc trấn át như vậy chỉ gây phương hại cho khả năng của quân đội ở lại chính quyền và giám sát các cải cách đã hứa hẹn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG