Đường dẫn truy cập

Chỉ huy Iran: Tehran có thể xem xét lại 'học thuyết hạt nhân' trước đe dọa trả đũa của Israel


Tên lửa được chở trên xe tải trong cuộc diễu hành Ngày Quân đội tại một căn cứ quân sự ở phía bắc Tehran, Iran, hôm 17/4.
Tên lửa được chở trên xe tải trong cuộc diễu hành Ngày Quân đội tại một căn cứ quân sự ở phía bắc Tehran, Iran, hôm 17/4.

Iran có thể xem xét lại “học thuyết hạt nhân” của mình sau những lời đe dọa của Israel, một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói hôm 18/4, làm dấy lên lo ngại về chương trình hạt nhân của Tehran mà nước này luôn cho rằng hoàn toàn vì mục đích hòa bình.

Israel cho biết họ sẽ trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào ngày 13/4, mà Tehran nói là được thực hiện để đáp trả cuộc tấn công bị nghi ngờ của Israel vào khu đại sứ quán của nước này ở Damascus hồi đầu tháng này.

“Các mối đe dọa của chế độ Chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Israel) đối với các cơ sở hạt nhân của Iran khiến chúng tôi có thể xem xét lại học thuyết hạt nhân của chúng tôi và rời xa khỏi những cân nhắc trước đây của chúng tôi,” ông Ahmad Haghtalab, chỉ huy lực lượng Vệ binh phụ trách an ninh hạt nhân, được hãng thông tấn bán chính thức Tasnim trích lời nói.

Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, là người có ra quyết định cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran mà phương Tây nghi ngờ có mục đích quân sự.

Vào năm 2021, Bộ trưởng tình báo Iran khi đó cho biết áp lực của phương Tây có thể thúc đẩy Tehran tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Việc phát triển loại vũ khí này đã bị ông Khamenei cấm trong một sắc lệnh tôn giáo, được gọi là fatwa, vào đầu những năm 2000.

"Việc chế tạo và tàng trữ bom hạt nhân là sai trái và việc sử dụng nó là haram (bị cấm về mặt tôn giáo)... Dù chúng tôi có công nghệ hạt nhân nhưng Iran đã kiên quyết tránh điều này", ông Khamenei khẳng định lại vào năm 2019.

Bộ Ngoại giao Iran đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters

“Nếu chế độ Chủ nghĩa phục quốc Do Thái muốn hành động chống lại các trung tâm và cơ sở hạt nhân của chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ đáp trả dứt khoát bằng các tên lửa tiên tiến nhắm vào các cơ sở hạt nhân của chính họ,” ông Haghtalab nói.

Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington nhằm khôi phục hiệp ước hạt nhân năm 2015 của Iran đã bị đình trệ kể từ năm 2022. Thỏa thuận này nhằm mục đích ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, yêu cầu Tehran chấp nhận các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của mình và các cuộc thanh tra sâu rộng hơn của Liên Hợp Quốc, để đổi lấy việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ.

Thỏa thuận, vốn giới hạn mức làm giàu uranium của Iran ở mức 3,67%, đã bị Tổng thống Mỹ lúc đó, Donald Trump, hủy bỏ vào năm 2018. Ông Trump cho rằng thỏa thuận này quá hào phóng với Tehran.

Ông Rafael Grossi, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, cho biết vào tháng 2 rằng Iran tiếp tục làm giàu uranium với độ tinh khiết lên tới 60%, vượt xa nhu cầu sử dụng hạt nhân thương mại.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG