Đường dẫn truy cập

Chia rẽ sâu sắc sau hội nghị ở Lào về dự án xây đập Don Sahong


Biểu tình phản đối dự án xây đập Don Sahong.
Biểu tình phản đối dự án xây đập Don Sahong.

Hội nghị 2 ngày ở Lào về dự án xây đập thủy điện có công suất 260 megawatt ở Hạ lưu Sông Mekong đã gây chia rẽ sâu sắc giữa các giới chức chính quyền và cộng đồng bảo vệ môi trường. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA ở Bangkok, chính phủ Lào vẫn muốn xúc tiến dự án, bất chấp mối lo ngại tác động của con đập đối với Vùng châu thổ Sông Mekong.

Đập thủy điện Don Sahong, có công suất 260 megawatt, mà chính phủ Lào định xây trong tỉnh Champassak ở miền nam nước họ, là một trong 9 con đập trên giòng chính của sông Mekong ở Lào hoặc gần biên giới giáp với Thái Lan.

Lào lệ thuộc rất nhiều vào thu nhập từ khoảng 10 đập thủy điện, phần lớn được xây trong thập niên 1990, trên các phụ lưu hoặc các sông chính bên trong nước họ. Những đập này sản xuất khoảng 2.000 megawatt điện để dùng trong nước và để xuất khẩu sang Thái Lan.

Nhưng hai con đập mới có qui mô lớn đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Một đập là Đập Xayaburi, với kinh phí 3,8 tỉ đô la, ở miền bắc và đập kia là Đập Don Sahong, kinh phí 600 triệu đô la, ở tỉnh Champassak, đã gặp phải sự chỉ trích của những người bảo vệ môi trường, những người đang lo ngại về tác động đối với các loại cá về nguồn để đẻ và đối với dòng chảy của con sông.

Thứ trưởng Năng lượng và Hầm mỏ của Lào, ông Viraphonh Virapong, nói rằng chính phủ ông có quyết tâm theo đuổi điều mà ông gọi là phát triển thủy điện, một nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo, bất chấp những sự chỉ trích.

Để đánh giá tác động của các con đập, Uỷ ban Sông Mekong (MRC), một ủy ban liên chính phủ, hồi tuần trước đã tổ chức hội nghị để tiến hành công tác tham vấn về tác động của các dự án đó.

Nhưng ông Robert Maher, Giám đốc Đông Nam Á của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), cho biết có những sự nghi ngờ lớn đối với vấn đề là tiến trình đánh giá này có hợp lý hay không:

"Ba vấn đề chính – việc chọn lựa thời điểm của tiến trình, việc thiếu rõ ràng về giới hạn thật sự của tiến trình, và việc thiếu những cuộc thảo luận xuyên biên giới thật sự về Đánh giá Tác động Môi trường. Do đó tôi không nghĩ rằng quí vị có thể thật sự trông đợi tiến trình này mang lại bất kỳ điều gì có ý nghĩa."

Tiến trình tham vấn cho dự án Don Sahong sẽ chỉ kéo dài 6 tháng. Chính phủ Lào xem các hội nghị là một cách để làm rõ những lãnh vực có vấn đề trong việc xây dựng con đập. Nhưng giới chỉ trích nói rằng các cuộc họp nên nêu ra những vấn đề dẫn tới chỗ dự án bị đình chỉ.

Các tổ chức môi trường, trong đó có Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF), tổ chức Sông Quốc tế có bản doanh ở Mỹ, và liên minh bảo vệ môi trường TERRA ở Thái Lan, cho rằng đập Don Sahong sẽ phương hại tới sự di chuyển của các loài cá về nguồn để đẻ và ảnh hưởng tới các cộng đồng địa phương.

Bà Premrudee Daorung, người phát ngôn của TERRA, nói rằng cuộc tham vấn đã không giải quyết những vấn đề này, đặc biệt là vì rất ít các cộng đồng lệ thuộc vào con sông để sinh sống có dính líu tới tiến trình này:

Điều mà chúng tôi không ngớt yêu cầu là chính Ủy ban Sông Mekong, trong chương trình nghị sự của mình, phải bao gồm những người dân ở địa phương. Chúng ta không thể tiếp tục tán đồng dự án hay tham gia những cuộc thảo luận mà chỉ có những người xây đập mới được phép tham dự."

Có đến 60 triệu người trong Tiểu vùng Mekong Mở rộng lệ thuộc vào cá và dòng chảy không bị cản trở mang lại phù sa cần có cho đồng ruộng.

Việt Nam đã lên tiếng báo động về tác động của dự án Đập Don Sahong đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam và là nơi sinh sống của 20 triệu người. Việt Nam nói rằng dự án ở Lào sẽ làm tăng độ mặn của con sông và làm cho đất đai bớt phì nhiêu.

Một người phát ngôn của Ủy ban Sông Mekong cho đài VOA biết rằng các cuộc tham vấn cấp quốc gia sẽ được tổ chức tại Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, trước khi có những quyết định cuối cùng về dự án này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG