Đường dẫn truy cập

Chuyên gia bi quan về triển vọng đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên


Đặc sứ Hoa Kỳ về Chính sách Bắc Triều Tiên Glen Davies phát biểu tại khách sạn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/9/2014.
Đặc sứ Hoa Kỳ về Chính sách Bắc Triều Tiên Glen Davies phát biểu tại khách sạn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/9/2014.

Đặc sứ Hoa Kỳ về Chính sách Bắc Triều Tiên đi Châu Á trong tuần này để dự các cuộc họp tại Bắc Minh, Seoul và Tokyo. Chuyến đi diễn ra vào lúc có nhiều tin đồn về sức khỏe và tình trạng của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Thông tín viên VOA Brian Padden tại Seoul ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Đại sứ Glen Davies, đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về Chính sách Bắc Triều Tiên đang lãnh đạo một phái đoàn đi Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Nhật Bản để mưu tìm các phương sách thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Đến Bắc Kinh hôm qua, ông Davies hối thúc Bình Nhưỡng trở lại điều ông gọi là “ngoại giao có ý nghĩa.”

Chuyến công du của ông Davies diễn ra vào một thời điểm mà công chúng không được nhìn thấy nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên từ nhiều tuần nay. Các đoạn phim của đài truyền hình nhà nước trong mấy tháng vừa qua chiếu cảnh nhà lãnh đạo đi khập khiễng. Tuần trước, nhà chức trách Bắc Triều Tiên xác nhận ông Kim Jong Un đang ở trong tình trạng “thể chất không thoải mái.”

Tin này đã châm ngòi cho nhiều lời đồn đoán trong giới truyền thông rằng nhà lãnh đạo trẻ mắc bệnh gout, tiểu đường hoặc áp huyết cao, và thậm chì có những tin đồn về sự bất ổn định trong chế độ của ông ta.

Trong một nước như Bắc Triều Tiên, nơi truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ, bất cứ sự đề cập nào đến một vấn đề trong giới lãnh đạo, thậm chí về sự đau yếu, là điều rất hãn hữu và quan trọng.

Ông Daniel Pinkston, Phó giám đốc Đông Bắc Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng hệ thống chính trị độc tài của nước này bất ổn về cơ bản.

“Nếu một người lãnh đạo không có khả năng lãnh đạo, thì là có vấn đề, thường là có những vấn đề về sự chuyển tiếp. Vậy đó là lúc các nền độc tài dễ bị tổn thương nhất.”

Nhưng ở mức độ người ngoài có thể xác định được, thì tình hình dường như bình ổn ở Bắc Triều Tiên. Ông Pinkston nói các cơ chế nhà nước, kể cả lực lượng quân đội và an ninh, tiếp tục duy trì việc kiểm soát chính phủ.

Ngay cả nếu như ông Kim Jong Un mạnh khoẻ và linh hoạt, thì có phần chắc cũng sẽ không có khai thông trong các cuộc đàm phán với phương tây nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Pinkston cho rằng cả hai bên đều kẹt trong các lập trường đối nghịch nhau. Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản cần nhìn thấy dấu hiệu Bình Nhưỡng nghiêm túc về việc tiếp tục đàm phán, theo đúng thoả thuận năm 2005.

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục coi vũ khí hạt nhân của mình là các công cụ cần thiết cho quyền lực nhà nước.

“Điều quan trọng duy nhất là liệu Bắc Triều Tiên có thay đổi đường hướng chính sách và liệu họ có bắt đầu lánh xa và thay đổi đường hướng chính sách khỏi chủ thuyết Songun, đặt chủ thuyết quân sự làm ưu tiên đầu tiên hàng đầu của họ hay không.”

Khi phát biểu trước Liên Hiệp Quốc mới đây, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Su Yong tuyên bố vấn đề hạt nhân sẽ chỉ được giải quyết sau khi những gì được cho là các hiểm doạ đối với nền độc lập của đất nước được rũ bỏ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG