Đường dẫn truy cập

Không có đột phá trong đàm phán hạt nhân Iran


Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Vienna, ngày 13/7/2014.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Vienna, ngày 13/7/2014.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay sẽ họp với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif giữa lúc hạn chót để đạt được một thỏa thuận dài hạn về chương trình hạt nhân của Iran sắp đến. Hôm qua, ông Kerry và 3 bộ trưởng ngoại giao châu Âu không đạt được đột phá nào trong những cuộc thảo luận tại Vienna với ông Zarif. Theo tường thuật của thông tín viên Đài VOA Al Pessin tại thủ đô Áo, những cuộc thảo luận cấp công tác sẽ tiếp tục, nhưng hai bên vẫn còn khác biệt khá xa về những vấn đề chính.

Một loạt các cuộc họp kéo dài cả ngày đã diễn ra trước phiên họp chính giữa Ngoại trưởng Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif vào tối Chủ Nhật. Sau gần hai tiếng đồng hồ, ông Kerry rời phòng họp mà không bình luận gì. Ông cũng không cập nhật phát biểu trước đó của Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague.

“Ngày hôm nay không có đột phá nào trong những cuộc thảo luận, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là các bộ trưởng đã gặp nhau và thảo luận về những vấn đề này. Chúng tôi sẽ để các viên chức của chúng tôi ở lại nơi đây để tiếp tục thảo luận về vấn đề này trong những ngày tới.”

Người ta tin rằng thông điệp mà ông Kerry đưa ra cho nhân vật tương nhiệm phía Iran cũng giống hệt thông điệp của các vị ngoại trưởng của Anh, Đức và Pháp - đó là Iran phải hạn chế việc làm giàu chất uranium để thuyết phục cộng đồng quốc tế là Iran không tìm cách chế tạo một quả bom hạt nhân.

Trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Zarif tuyên bố Iran muốn duy trì một chương trình hạt nhân có ý nghĩa, và việc thực hiện những cuộc thanh sát quốc tế đủ để thế giới hài lòng là chương trình hạt nhân của Iran đơn thuần là có mục đích hòa bình.

Việc này vẫn còn là một vấn đề đang tranh cãi, cùng với việc những hạn chế này kéo dài bao lâu. Trước khi Ngoại trưởng Kerry đến Vienna, một giới chức cao cấp Mỹ liên hệ đến các cuộc thảo luận nói một số lập trường của Iran “không thích hợp và không thực hiện được.” Ông Kerry nói vẫn còn có “nhiều cách biệt đáng kể.”

Những nhà thương thuyết ở cấp công tác sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận trong tuần sau, trước hạn chót là ngày Chủ Nhật. Tuy nhiên, nếu không có đột phá ở cấp cao, thì ít có hy vọng đạt được một thỏa thuận. Iran và 6 quốc gia đại diện cho Liên hiệp quốc có thể đồng ý kéo dài hạn chót, nhưng các giới chức hiện nay vẫn chưa đề cập đến vấn đề này.

Nếu các cuộc thương thuyết tan vỡ, sẽ có những động thái thắt chặt thêm những chế tài kinh tế quốc tế đã làm tê liệt nền kinh tế Iran, và Iran có phần chắc sẽ xúc tiến chương trình hạt nhân của họ. Việc này sẽ làm gia tăng những lo ngại là Iran có thể sản xuất đủ chất liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí và có thể làm bùng ra những hành động quân sự.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm cho 5 thành viên thường trực của hội đồng - là Hoa Kỳ, Pháp, Anh,Nga và Trung Quốc cùng với nước Đức thương thuyết với Iran về những biện pháp nhằm đảm bảo là chương trình hạt nhân của nước này thuần túy có mục đích hòa bình, như Iran tuyên bố.

Tuy nhiên Iran đã vi phạm những thỏa thuận trước đây về chương trình hạt nhân qua việc làm ngơ trước những nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, và bí mật theo đuổi những cuộc nghiên cứu hạt nhân quân sự.

Do đó cộng đồng quốc tế muốn có sự kiểm soát chặt chẽ và có thể kiểm chứng được để đảm bảo là nếu Iran quyết định chế tạo bom hạt nhân thì dự án của họ không thể giữ bí mật được và có thể mất một năm hay hơn nữa. Việc này sẽ giúp cho các nước có đủ thời gian để vận động ngoại giao hay có thể sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn.

Những cuộc thảo luận này tiếp theo một thỏa thuận sơ khởi đạt được vào tháng 12 năm ngoái, với kết quả là một số chương trình hạt nhân của Iran được tạm ngưng để đổi lấy việc nới lỏng một số chế tài kinh tế. Điều đó làm cho một số người lạc quan tin rằng đôi bên có thể đạt được một thỏa thuận đầy đủ. Tuy nhiên, ông Matthew Moran, chuyên gia về Iran thuộc Trường đại học King ở London, nói chưa bao giờ có đảm bảo nào cả.

“Những bước lớn đã được thực hiện với Kế hoạch Hành động Chung. Tuy nhiên trong những biện pháp được tán đồng không có biện pháp nào là không thể đảo ngược được. Do đó, những biện pháp này có thể bị đảo ngược và có thể bị tan vỡ.”

Hai bên đồng ý thương thuyết về một thỏa thuận toàn diện trong vòng 6 tháng, với hạn chót là ngày 20 tháng 7.

Ngay cả trong trường hợp hai bên đồng ý gia hạn, họ cũng sẽ đối mặt với những vấn đề khác nữa. Các giới chức quan ngại là đà tiến đến một thỏa thuận có thể bị mất đi, và những chế tài quốc tế có thể suy giảm và cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11 năm nay có thể làm cho việc nới lỏng các chế tài khó được chấp thuận. Thêm vào đó, Iran đã tỏ ý cho thấy là nếu muốn triển hạn thời hạn chót thì chế tài phải được nới lỏng thêm nữa, một điều các giới chức Hoa Kỳ nói họ không tán đồng.

Năm ngoái, phải mất hai sự can thiệp của các bộ trưởng ngoại giao để đạt được thỏa thuận sơ khởi. Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng đến dự những cuộc thảo luận này, và bộ trưởng ngoại giao Nga và Trung Quốc không thể đến được. Do đó, các bộ trưởng ngoại giao có thể trở lại vào cuối tuần tới để thực hiện một nỗ lực chót.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG