Đường dẫn truy cập

Làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine trong các trường đại học Mỹ vấp phản ứng vũ lực


Nhà chức trách bắt giữ một người biểu tình trong khuôn viên Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, trong cuộc biểu tình ủng hộ Palestine ngày 25/4.
Nhà chức trách bắt giữ một người biểu tình trong khuôn viên Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, trong cuộc biểu tình ủng hộ Palestine ngày 25/4.

Các cuộc đụng độ gia tăng giữa cảnh sát và sinh viên phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza hôm 25/4 đặt ra câu hỏi về các biện pháp vũ lực được sử dụng để ngăn chặn các cuộc biểu tình đã gia tăng kể từ những vụ bắt giữ hàng loạt tại Đại học Columbia ở New York vào tuần trước.

Các nhà hoạt động cho biết, trong hai ngày qua, cơ quan thực thi pháp luật theo lệnh của các nhà quản lý trường đại học đã dùng roi điện và hơi cay chống lại những sinh viên biểu tình tại Đại học Emory ở Atlanta, trong khi cảnh sát chống bạo động cưỡi ngựa đã giải tán hết các cuộc biểu tình tại Đại học Texas ở Austin.

Các công tố viên hôm 25/4 đã bãi bỏ cáo buộc đối với 46 trong số 60 người bị bắt giữ tại Đại học Texas.

Tại Đại học Columbia, tâm điểm của phong trào biểu tình ở Hoa Kỳ, các lãnh đạo của trường đang rơi vào tình thế bế tắc với sinh viên về việc dỡ bỏ một khu lều trại đã được dựng lên hai tuần trước để phản đối các cuộc tấn công của Israel.

Chính quyền, vốn đã cho phép thời hạn ban đầu để thỏa thuận với sinh viên, cho những người biểu tình thời hạn đến ngày 26/4 để đạt được thỏa thuận.

Các trường đại học khác ở Mỹ tỏ ra quyết tâm ngăn chặn việc hình thành các cuộc biểu tình kéo dài tương tự và chọn hợp tác với cảnh sát để ngăn chặn chúng một cách nhanh chóng và trong một số trường hợp là bằng vũ lực.

Nhìn chung, gần 550 vụ bắt giữ xảy ra trong tuần qua tại các trường đại học lớn của Mỹ liên quan đến các cuộc biểu tình về Gaza, theo một thống kê của Reuters. Chính quyền các trường đại học cho biết các cuộc biểu tình phần lớn là trái phép và đã kêu gọi cảnh sát giải tán.

Đại học Emory cho biết, cảnh sát đã bắt giữ 28 người trong khuôn viên trường ở Atlanta, sau khi những người biểu tình bắt đầu dựng lều trong nỗ lực mô phỏng theo những gì mà những người biểu tình ở Đại học Columbia và những nơi khác đã làm.

Chi nhánh địa phương của nhóm hoạt động Tiếng nói vì hòa bình của người Do Thái cho biết cảnh sát đã sử dụng hơi cay và roi điện để giải tán cuộc biểu tình và bắt giữ một số người biểu tình. Cảnh sát Atlanta thừa nhận đã sử dụng "chất kích thích hóa học" nhưng phủ nhận việc sử dụng đạn cao su.

Video được kênh FOX 5 Atlanta phát sóng cho thấy một cuộc hỗn chiến nổ ra giữa cảnh sát và một số người biểu tình, trong đó cảnh sát sử dụng thứ có vẻ là súng điện để kiềm chế một người trong khi những cảnh sát khác vật những người biểu tình khác xuống đất và dẫn họ đi.

“Mục tiêu chính của chúng tôi ngày hôm nay là dọn sạch khu cắm trại gây rối trong khi buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật,” bà Cheryl Elliott, phó chủ tịch phụ trách an toàn công cộng của Đại học Emory, cho biết trong một tuyên bố.

Văn phòng Georgia của Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu NAACP đã đặt câu hỏi về cái mà họ gọi là "việc sử dụng vũ lực quá mức rõ ràng" đối với những người thực hiện quyền tự do ngôn luận.

“Việc sử dụng vũ lực chỉ nên được coi là biện pháp tuyệt đối cuối cùng và phải tương xứng với mối đe dọa đặt ra,” Chủ tịch Georgia NAACP Griggs viết trong một bức thư.

Những cảnh tượng tương tự cũng diễn ra tại khuôn viên New Jersey của Đại học Princeton, nơi cảnh sát tràn vào khu cắm trại mới thành lập, theo đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy.

Cảnh sát Boston trước đó đã buộc dỡ bỏ một khu trại ủng hộ người Palestine được dựng lên ở Đại học Emerson, bắt giữ hơn 100 người, theo các phương tiện truyền thông và cảnh sát cho biết.

Tại Đại học Nam California, nơi 93 người bị bắt tại khuôn viên ở Los Angeles hôm 24/4, trường đã hủy bỏ lễ tốt nghiệp chính vào ngày 10/5, và nói rằng các biện pháp an ninh mới được yêu cầu sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát đám đông.

'Đáng báo động'

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ đã lên án việc bắt giữ những người biểu tình và kêu gọi chính quyền tôn trọng quyền tự do ngôn luận của họ.

Nhưng một số đảng viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã cáo buộc các nhà quản lý trường đại học để cho sinh viên Do Thái bị quấy rối. Họ ngày càng gây áp lực lên các trường học nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi cuộc biểu tình và ngăn chặn mọi hoạt động cắm trại lâu dài.

Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ Miguel Cardona hôm 25/4 cho biết bộ của ông đang theo dõi chặt chẽ các cuộc biểu tình, bao gồm cả những gì ông gọi là “những ghi nhận rất đáng báo động về chủ nghĩa bài Do Thái”.

Đáp lại, các nhóm hoạt động đã phủ nhận mạnh mẽ rằng các cuộc biểu tình là chống Do Thái. Họ nói rằng mục đích của họ là gây áp lực buộc các trường đại học thoái vốn khỏi các công ty góp phần vào các hành động quân sự của Israel ở Gaza.

Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình thừa nhận rằng những lời lẽ căm thù đã nhắm vào sinh viên Do Thái, nhưng nhấn mạnh rằng những người tìm cách xâm nhập vào và bôi nhọ phong trào của họ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi quấy rối nào.

Bên ngoài Đại học Columbia, hàng trăm người biểu tình bảo thủ ủng hộ Israel đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối sinh viên, tuần hành trên các con phố quanh khuôn viên trường, vẫy tay và treo cờ Israel và cờ Mỹ.

Các quan chức trường đại học đã ra hạn cho người biểu tình đến 4 giờ sáng ngày 26/4 để đạt được thỏa thuận với trường đại học về việc dỡ bỏ hàng chục lều bạt được dựng trong khuôn viên trường ở Thành phố New York trong một cuộc biểu tình bắt đầu cách đây một tuần.

Trường đã tìm cách ngăn chặn cuộc biểu tình bằng vũ lực. Vào ngày 18/4, Chủ tịch Đại học Columbia Minouche Shafik đã có động thái bất thường khi yêu cầu cảnh sát vào khuôn viên trường, khiến nhiều nhóm nhân quyền, sinh viên và giảng viên tức giận.

Hơn 100 người đã bị bắt và những chiếc lều bị dỡ bỏ khỏi sân cỏ chính. Nhưng chỉ sau vài ngày, các lều lại được dựng trở lại như cũ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG