Đường dẫn truy cập

Báo chí Nam California ‘chạy đua’ trong mùa bầu cử giữa kỳ


Dân biểu Trần Thái Văn
Dân biểu Trần Thái Văn

Thưa quý vị, ‘sức nóng’ từ chiến dịch tranh cử ở Nam California trong những ngày qua đã lan tỏa sang báo chí gốc Việt ở khu vực này. ‘Tranh cử ở Quận Cam tưng bừng, gay gắt’, ‘Dân biểu Sanchez: Mỹ sẽ mạnh tay hơn với Việt Nam về nhân quyền’, ‘Dân biểu Trần Thái Văn: Cộng đồng cần có tiếng nói trực tiếp tại thủ đô’ là một số trong vô vàn các tựa đề trên hàng trăm tờ báo lớn nhỏ của người gốc Việt tại khu vực miền nam California. Phóng viên Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ đã trao đổi với một số ký giả tại vùng Little Saigon và gửi về bài tường thuật sau.

‘Bận rộn’ là từ được các phóng viên dùng nhiều nhất để nói về những ngày đưa tin chiến dịch tranh cử trước cuộc bỏ phiếu ngày 2/11 tới đây.

Ký giả Đỗ Dũng của nhật báo Người Việt kể với VOA Việt Ngữ rằng, thời gian qua, các phóng viên ‘luôn trong tình trạng sẵn sàng chuẩn bị đi đưa tin’.

Anh nói: ‘Ví dụ như, nhiều khi đang làm việc, có một chuyện gì đó xảy ra trong một cuộc bầu cử nào đó, thì cắt cử người đi ngay lập tức để mà làm phóng sự, hoặc là mình phỏng vấn ngay ứng cử viên đó. Rồi tối về phải coi TV, phải nghe radio, bởi vì các bên tranh cử cũng dùng radio và TV để họ quảng cáo, hoặc họ lên đài để nói về họ, hoặc họ tố cáo về đối thủ của họ. Nói chung là mình phải nghe rất là nhiều, và phải theo dõi rất là sít sao để có chuyện gì mình còn biết và thông tin cho độc giả liền’.

Không phải chỉ riêng anh Dũng, nhà báo Thanh Huy của tờ Việt Báo cho hay, anh phải làm việc ‘gấp hai, gấp ba lần bình thường’.

Anh cho biết: ‘Thường thường những ứng cử viên hay tổ chức các cuộc họp báo để thông báo các tin tức tranh cử tới đâu, ngày hôm nay làm gì, tuần tới làm gì thì họ có lịch sinh hoạt chung. Thành ra, nhà báo trong mùa bầu cử rất là bận rộn, chỗ nào cũng phải đi, ứng cử viên nào mình cũng đi hết và mình phải làm cái việc của nhà báo là nói lên trung thực giữa ứng cử viên và cử tri'.

Ký giả Thanh Huy nói thêm: 'Nhà báo không gặp trở ngại gì cả, vì ứng cử viên cũng muốn nói thẳng với mình những điều họ muốn nói và cử tri cũng muốn nói thẳng với mình những điều muốn nói về ứng cử viên’.

Theo thống kê không chính thức, Nam California có hàng trăm tờ báo lớn nhỏ với các nội dung khác nhau, trong đó có ít nhất 5 tờ nhật báo. Ngoài ra, còn có hơn chục đài truyền hình và phát thanh.

Về cách thức đưa tin bầu cử, nhà báo Đỗ Dũng cho biết việc xác minh thông tin cũng không kém phần quan trọng.

Poster của bà Sanchez
Poster của bà Sanchez

Anh nói: ‘Đôi khi hai bên đối thủ họ dùng quảng cáo để họ tấn công lẫn nhau thì có những sự kiện họ đưa ra nhiều khi rất là mù mờ. Là một nhà báo, mình phải đi kiểm tra để xem có đúng hay không để làm tin, chứ mình không thể nào nghe một phía. Ví dụ như bên này tố bên kia làm chuyện gì đó, hoặc đôi khi họ chỉ nói mấp mé thôi, thì mình phải coi xem nó như thế nào. Hoặc bên này gửi về nhà các cử tri một cái mailer, một cái truyền đơn, nói về một điều gì đó đúng hay không đúng thì mình cũng phải để ý, để xem những chuyện đó có đúng hay không để mình còn đưa tin’.

Phần lớn các cơ quan báo chí ở Nam California tồn tại dựa vào doanh thu quảng cáo. Dịp này các ứng viên thường vận động cử tri bằng cách mua các trang quảng cáo với diện tích lớn nhỏ khác nhau.

Khi được hỏi điều này liệu có ‘xung đột về lợi ích’ của tòa soạn hay không, phóng viên tờ Người Việt nói rằng ‘luôn luôn phải khẳng định vị trí và lập trường của tờ báo’.

Anh Dũng nói: ‘Mình làm thông tin trung thực. Còn cái chuyện họ quảng cáo là quảng cáo, nó không liên quan tới bên biên tập. Bên biên tập là phải đưa tin trung thực cho độc giả và cho cử tri. Còn bên quảng cáo là họ quảng cáo thôi, và cái quảng cáo đó, họ chịu trách nhiệm về nội dung đó. Khi quảng cáo được đưa ra, bao giờ quảng cáo đều để dưới là được trả tiền bởi một ứng cử viên nào đó, một cuộc vận động hay một nhóm người nào đó thì họ chịu trách nhiệm'.

Ký giả này nói thêm: 'Tất nhiên có những cái đi quá đà, ví dụ nói tục tĩu, vi phạm thuần phong mỹ tục hay chủ trương của tờ báo thì đương nhiên, mình không thể nào đăng được. Tất nhiên đăng trong phạm vi giới hạn của nó, chứ không phải tự do ngôn luận, tự do vận động mà muốn nói gì thì nói cũng được. Bên biên tập chỉ đi về tin tức thôi chứ không bao giờ dựa trên những cái đó, bởi vì nếu cái đó có liên quan tới một cái gì đó thì mình phải kiểm tra và hỏi cho rõ ràng’.

Trong các ứng viên năm nay, ông Bruce Trần, Tổng giám đốc VHN-TV, ra ứng cử chức thị trưởng thành phố Westminster.

Ông Trần cho biết từng được chính đài truyền hình do mình sáng lập phỏng vấn một số lần. Tuy nhiên, ứng viên này cho rằng việc giữ tính trung lập trong trường hợp này ‘không khó’.

Ứng viên Bruce Trần
Ứng viên Bruce Trần

Ông nói: ‘Đối với người khác thì khó lắm, còn đối với mình thì không khó vì mình yêu cầu người phỏng vấn mình hỏi câu hỏi giống như hỏi người khác, không có ăn rơ trước, sắp xếp trước. Người phỏng vấn mình không sắp xếp câu hỏi hoặc câu trả lời trước. Với lại, mình lúc nào cũng nhắc nhở là, hỏi cái gì mình trả lời được, mình sẽ trả lời rất là thật thà. Nhưng hoàn toàn 100% vô tư thì rất là khó vì mình đã gặp người đó thường xuyên. Đa số các xướng ngôn viên ở đây cho dù có từ đài khác sang đi chăng nữa, thì mình vẫn gặp họ thường xuyên’.

Hai ứng viên chạy đua chính nhằm giành chức dân biểu đại diện cho Địa hạt 47 đều đánh giá cao vai trò của báo chí gốc Việt ở Nam California.

Bà Loretta Sanchez nói rằng truyền thông gốc Việt ‘luôn đóng vai trò quan trọng’.

Trong khi đó, đối thủ của bà, ông Trần Thái Văn, cho rằng báo chí là ‘kênh thông tin không thể thiếu vì đây là nơi phần đông các cư dân và cử tri Việt Nam nhận các tin tức và dữ kiện về tiến trình tranh cử của các bên’.

Nam California được coi là nơi có đông người Việt cư ngụ nhất ở hải ngoại và cũng là nơi có nhiều dân cử gốc Việt nhất ở ngoài Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG