Đường dẫn truy cập

Mỹ, Afghanistan ký hiệp ước an ninh


Quân đội Mỹ canh gác bên ngoài một doanh trại ở Kabul, Afghanistan, ngày 26/9/2014.
Quân đội Mỹ canh gác bên ngoài một doanh trại ở Kabul, Afghanistan, ngày 26/9/2014.

Tân chính phủ Afghanistan và Hoa Kỳ đã ký hiệp ước an ninh song phương bị trì hoãn lâu nay. Hiệp ước này sẽ cho phép khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan khi sứ mạng chiến đấu của lực lượng quốc tế chấm dứt vào ngày 31 tháng 12 năm nay.

Hai bên ký hiệp ước tại Kabul ngày hôm nay, một ngày sau khi Tổng thống Ashraf Ghani tuyên thệ nhậm chức để lên thay thay ông Hamid Karzai.

Dưới sự bảo vệ an ninh cẩn mật, các đại diện trên toàn thế giới cùng với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo Afghanistan tham dự lễ nhậm chức ngày hôm qua tại Dinh Tổng thống ở Kabul.

Đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Abdullah Abdullah, cũng tuyên thệ nhậm chức là người đứng đầu ngành hành chánh mới, dựa theo thỏa thuận chia sẻ quyền hành đạt được sau cuộc khủng hoảng hậu bầu cử kéo dài nhiều tháng.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chúc mừng cả hai nhà lãnh đạo và ca ngợi họ đã chuyển 'một thời điểm thách thức' thành 'thời điểm của cơ hội thực sự'.

Tại New York, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon công nhận có những thách thức nghiêm trọng mà Afghanistan phải đối phó và kêu gọi tân chính phủ 'nhanh chóng được thành lập và làm việc với tất cả người dân Afghanistan trong tinh thần đoàn kết quốc gia'.

Ngày nhậm chức không phải không có bạo động. Phe Taliban nhận trách nhiệm trong một cuộc tấn công tự sát gần phi trường Kabul làm ít nhất 4 người thiệt mạng.

Ông Ghani, người từng giữ chức bộ trưởng tài chánh trong 2 năm dưới thời tổng thống Karzai, đã mời các tổ chức đối lập trong đó có Taliban để thảo luận về tương lai của đất nước.

Ông Ghani nói chiến đấu không phải là giải pháp cho những khác biệt chính trị. Khác biệt chính trị có thể được giải quyết bằng các cuộc thương thuyết chính trị. Do đó ông kêu gọi các đối thủ của chính phủ - đặc biệt là Taliban và Hezb-e-Islami, tham gia các cuộc đàm phán chính trị.

Lễ nhậm chức tại Kabul diễn ra trước một số đông đảo các nhân vật chính trị nước ngoài, trong đó có tổng thống nước láng giềng Pakistan Mamnoon Hussain và cố vấn cao cấp của tổng thống Mỹ John Podesta, người loan báo hiệp ước an ninh được ký ngày hôm nay.

Việc chuyển tiếp chính trị dân chủ ngày hôm qua đánh dấu quyền hành của tổng thống Karzai chấm dứt sau 13 năm tại chức. Ông được đưa lên lãnh đạo Afghanistan vào cuối năm 2001 sau khi một liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo lật đổ Taliban vì đã chứa chấp mạng lưới khủng bố al-Qaida.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG