Đường dẫn truy cập

Myanmar vẫn còn bị hoài nghi về sự cởi mở chính trị


Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein.
Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein.

Sự cởi mở chính trị của Myanmar đã được ca ngợi là nới lỏng gọng kềm quyền lực chặt chẽ của quân đội và góp thêm phần dân chủ cho chế độ. Nhưng một số nhà chỉ trích, như một trong các nhà sư đã lãnh đạo vụ nổi dậy năm 2007 được gọi là Cuộc Cách mạng Tăng bào, nói rằng nhìn chung không có mấy thay đổi. Tại bắc bộ Thái Lan, thông tín viên VOA Steve Stanford đã nói chuyện với người từng là tu sĩ này và đã trở thành một trong những gương mặt công cộng trong cuộc nổi dậy gần đây nhất của quần chúng.

Vào tháng 8 năm 2007, hàng ngàn người ở Myanmar, hay Miến Điện, đã xuống đường phản đối giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Trong những tuần lễ tiếp theo, hàng chục nhà sư đã tham gia vào cuộc tập họp sau này được gọi là cuộc Cách mạng Tăng bào.

Ông Gambira nói các nhà hoạt động đã lên các kế hoạch thách thức quyền cai trị của quân đội, nhưng sự bất mãn gia tăng về giá nhiên liệu và thực phẩm đã thúc nhanh cuộc biểu tình.

“Thực ra chúng tôi đã hoạch định cuộc Cách mạng Tăng bào ồ ạt cho năm 2008, nhưng nhiều người vốn đã căm phẫn về giá dầu ăn và giá gạo tăng cao, vì thế chúng tôi đã kết hợp tổ chức sớm hơn đã định.”

Tập đoàn quân nhân cầm quyền đã đàn áp tàn bạo vụ nổi dậy. Ông Gambira bị bắt và bị kết án 68 năm tù.

Sau khi ở tù 4 năm trong các điều kiện ác nghiệt, ông Gambira được lọt vào danh sách ân xá tập thể ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Nhưng kể từ đó, ông đã bị chính quyền bắt lại 3 lần – lần gần đây nhất là để ngăn ông khỏi tham gia vào một vụ biểu tình phản đối ở mỏ đồng tại Mandalay.

“Tôi buộc phải trút bỏ tăng bào tôi thực sự không vui lắm và tôi không muốn hoàn tục nhưng quân đội đã đặt rất nhiều áp lực đối với tôi. Họ lục soát mọi tu viện mà tôi đến và nói với các vị sư trụ trì không cho tôi ở lại.”

Sự đối xử đó buộc ông Gambira phải rời khỏi nước, tham gia những người chỉ trích nói rằng các chính sách của chính phủ gây thêm chia rẽ tôn giáo và sắc tộc, và làm phương hại đến những cải cách đã được nước ngoài khen ngợi.

Và nay ông đến miền bắc Thái Lan này, dạy cho dân di trú đồng hương và giữ liên lạc với các đồng sự ở bên kia biên giới. Vào lúc Myanmar chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm tới, ông Gambira vẫn tỏ ra nghi ngờ.

“Nhiều nước kể cả Hoa Kỳ và EU đã dành thời giờ cho chính phủ Miến Điện cải cách đất nước. Cuộc bầu cử năm 2015 sắp tới và họ vẫn chưa thực hiện được cải cách thực sự nào. Tất cả đều là những lời nói dối bởi vì tập đoàn cầm quyền nói họ sẽ cải cách, chỉ để bảo vệ công cuộc làm ăn và quyền kiểm soát của chính họ.”

Đối với Myanmar, năm tới sẽ trắc nghiệm liệu những người chỉ trích như ông Gambira có lý do để hoài nghi hay không, và liệu chính quyền có thể thực hiện một cuộc bầu cử tự do và công bằng hay không, mà không xảy ra náo loạn trên đường phố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG