Đường dẫn truy cập

Ngược đãi lao động vẫn tiếp diễn trong ngành ngư nghiệp Thái Lan


Tàu đánh cá cập cảng ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan.
Tàu đánh cá cập cảng ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan và các công ty lớn trong nghành ngư nghiệp đang ra sức cải thiện hình ảnh của ngành này, giữa lúc có nhiều bản phúc trình mới về việc nạn ngược đãi và bóc lột lao động tiếp tục hoành hành. Từ Chiang Mai, thông tín viên Steve Sandford của đài VOA gởi về bài tường thuật.

Tại Chiang Mai ở miền nam Thái Lan, nơi có nhiều hãng tàu đánh cá, các công nhân di trú, phần lớn là người Miến Điện và Campuchia, đã phải gánh chịu những vụ ngược đãi và tệ nạn lao động cưỡng bức trong một thời gian rất lâu.

Những sự hứa hẹn về lương bổng khá hơn thường đi kèm với việc phải làm việc nhiều giờ hơn trong các điều kiện khắc nghiệt và chỉ đủ để sống qua ngày.

Đối với ông Thi Soe, một người đánh cá lâu năm và đã trốn khỏi Miến Điện sau cuộc nổi dậy năm 1989, tình trạng tài chánh của ông đã từ chỗ không khá đi tới chỗ bết bác sau khi vợ ông ngã bệnh.

Ông Soe cho biết: "Trước đây tôi kiếm đủ sống. Nhưng bây giờ, tôi phải mắc nợ vì vợ tôi phải giải phẫu. Bà ấy không thể đi làm, phải ở nhà, cho nên tôi không thể gởi tiền về nước cho con gái tôi mỗi tháng."

Các công ty lớn trong ngành đánh cá Thái Lan thừa nhận vấn đề này tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng, sau khi họ đã gặp phải những sự đả kích trong nhiều năm qua.

Tháng trước, đại công ty thực phẩm Nestle cho biết một cuộc điều tra của họ đã phát giác nạn cưỡng bức lao động và những sự ngược đãi công nhân tại các công ty cung ứng sản phẩm cho họ.

Nestle cũng cho biết tất cả các công ty Mỹ và Âu châu mua thuỷ sản của Thái Lan đều có những vấn đề tương tự.

Ngư dân từ Myanmar làm việc trên một chiếc thuyền sau khi đánh cá trở về Ban Nam Khem, Thái Lan, ngày 14/12/2015.
Ngư dân từ Myanmar làm việc trên một chiếc thuyền sau khi đánh cá trở về Ban Nam Khem, Thái Lan, ngày 14/12/2015.

Các tổ chức nhân quyền hoan nghênh sự thừa nhận này, nhưng đối với ông Moe Wai, một người làm việc cho một tổ chức chuyên giúp đỡ các gia đình công nhân ngành thuỷ sản Thái Lan, thì lời nói mà không có hành động là không có ý nghĩa già cả đối với những người bị ngược đãi.

Ông Mai nói: "Các công ty lớn thuê rất nhiều nhân công để làm việc tại các xưởng và một số hãng xưởng sử dụng bạo lực và ngược đãi những người lao động. Đây là một sự thật. Những những người làm chủ các công ty lớn nói họ không biết gì về việc này hoặc là họ chỉ biết chút ít mà không thực sự trông thấy."

Trong lúc Miến Điện bắt đầu mở cửa cho các doanh nghiệp quốc tế và tiền lương của công nhân bắt đầu gia tăng, ngày càng có nhiều người đánh cá Miến Điện, như ông Yi Lay, muốn trở về quê.

Ông Lay cho biết: "Tôi vẫn muốn trở về làng tôi ở Miến Điện để làm ruộng. Nhưng nếu tôi về quê mà không có tiền để đầu tư thì tôi sẽ gặp phải nhiều vấn đề hơn."

Vào ngày 19 tháng 12, chính phủ Thái Lan sẽ sửa đổi Luật chống buôn người năm 2015 với trọng tâm là tìm cách giải quyết những vấn nạn lâu đời trong ngành ngư nghiệp.

Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng hành động này của Bangkok có lẽ là quá ít và quá trễ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG